09/01/2025

Đề văn không như mong đợi

Với đề văn năm nay, thí sinh cho rằng đề thi quen thuộc và hay, nhưng nhiều giáo viên cho rằng đề thi không gây bất ngờ và chưa tạo được sự hứng thú…

 

Đề văn không như mong đợi

 

Với đề văn năm nay, thí sinh cho rằng đề thi quen thuộc và hay, nhưng nhiều giáo viên cho rằng đề thi không gây bất ngờ và chưa tạo được sự hứng thú…

 

 

Thí sinh Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai) vui mừng khi làm xong bài thi môn văn tại điểm thi Trường THCS Trương Công Định, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) sáng 2-7 - Ảnh: TH.TÙNG
Thí sinh Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai) vui mừng khi làm xong bài thi môn văn tại điểm thi Trường THCS Trương Công Định, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) sáng 2-7 – Ảnh: TH.TÙNG

Đề thi môn văn năm nay ra theo dạng “an toàn”, không có sự đột phá nhiều và cũng ít “đất” cho học sinh giỏi văn thể hiện năng lực của mình. Nguyên nhân vì phạm vi kiến thức chỉ có nhiêu đó thôi, thí sinh ít có cơ hội thể hiện sự phát hiện mới của mình

Thầy Trương Minh Đức (giáo viên môn văn Trường THCS-THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ, TP.HCM)

Sau đây là ý kiến của các giáo viên

Cô Hoài Thanh (giáo viên Trường THPT Thăng Long, Hà Nội):

Thiếu chất 
tạo hứng thú

Đây là một đề thi dễ, các câu hỏi đều rất cơ bản, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp THPT. Nếu trong đề thi minh hoạ, nhiều giáo viên có cảm giác sự phân loại học sinh sẽ nằm ngay ở phần câu hỏi đọc hiểu thì câu đọc hiểu ở đề văn này quá đơn giản, chỉ dừng ở mức kiểm tra trình độ “nhận biết”.

Phần nghị luận xã hội nhiều năm qua vốn là điểm sáng của đề thi văn, kể cả đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng đề thi năm nay câu hỏi nghị luận xã hội không có gì mới.

 
 

 

Câu hỏi nghị luận văn học các năm trước thường là câu hỏi để phân hoá. Cách đặt câu hỏi với phần này có thể theo hướng đổi mới trong việc dạy văn học văn hiện nay, tạo cơ hội cho thí sinh bày tỏ suy nghĩ cá nhân, sáng tạo.

Tuy nhiên câu hỏi nghị luận văn học trong đề thi năm nay lại rất cơ bản, cách hỏi truyền thống, việc đưa đoạn trích để “giới hạn nội dung văn bản” giúp học sinh đỡ lan man, tập trung khai thác dẫn chứng trong đoạn trích, có lợi cho thí sinh. Nhưng cũng chính vì thế mà câu hỏi ở phần này không bất ngờ, không hay.

Nhìn chung, với đề thi này, thí sinh sẽ dễ có điểm cao. Đây là hướng ra đề thi an toàn trong bối cảnh lần đầu tiên tổ chức kỳ thi “hai trong một”, nhưng chính vì thế mà khiến nhiều người thất vọng khi đã quá kỳ vọng vào một đề văn tạo cảm hứng bất ngờ.

Cô Nguyễn Thị Hồng (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định):

Có thể hứng thú đối với học sinh THPT

So với đề minh họa về môn văn thi THPT quốc gia của bộ thì cấu trúc đề thi, dạng câu hỏi không bất ngờ nhưng có thể hứng thú đối với học sinh THPT. Hầu hết các em đều được ôn luyện chu đáo về các dạng bài này: các dạng câu hỏi phần đọc hiểu, các dạng đề phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

Đề thi gần với thực tiễn đời sống, tâm lý lứa tuổi như vấn đề kỹ năng sống, biển đảo… và mang tính giáo dục cao: nhận thức về lối sống và cách nhìn cuộc sống, con người trong xã hội hiện đại đầy phức tạp.

Đề thi có tỉ lệ kiến thức cơ bản (mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng) khoảng 60%. Để đạt 5 – 6 điểm không khó, phù hợp với học sinh dùng kết quả để xét tốt nghiệp. Nhưng phần nâng cao trong câu nghị luận văn học với những thí sinh thi đại học khối C – D không quá khó, tuy vẫn đòi hỏi kiến thức sâu sắc và kỹ năng kiểu bài và diễn đạt tốt.

Nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) lo lắng sau khi kết thúc thi môn vật lý chiều 2-7 - Ảnh: TH.TÙNG
Nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) lo lắng sau khi kết thúc thi môn vật lý chiều 2-7 – Ảnh: TH.TÙNG

Cô Lê Thị Tuyết Anh (giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM):

Các trường ĐH top đầu sẽ khó tuyển

Cái hay của đề thi chỉ có thể kể ở câu 1, câu hỏi về đọc – hiểu đã ra theo đúng tinh thần đổi mới của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, câu hỏi về nghị luận xã hội và nghị luận văn học có phần nhẹ hơn so với đề thi tuyển sinh đại học năm ngoái. Nếu xét một cách khách quan: câu hỏi về nghị luận văn học cũng có đổi mới chút xíu. Từ trước tới nay, học sinh đã quá quen với bài văn mẫu “Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu” thì nay đề thi liệt kê ra hẳn một đoạn trích và yêu cầu thí sinh phân tích nhân vật người đàn bà trong đoạn trích mà thôi (tức là thí sinh phải có kỹ năng phân tích đoạn văn).

Nói chung, câu hỏi này chưa thật sự phát huy được sự sáng tạo của học sinh. Dạng đề như thế này, dự đoán phổ điểm sẽ là 7 điểm. Với đề thi như năm nay, các thí sinh sẽ rất mừng vì đa số các em đều làm bài được. Tuy nhiên, tính phân hóa thí sinh của đề thi không cao, khó đạt được mục tiêu hai trong một của kỳ thi. Các trường ĐH tốp đầu sẽ rất khó tuyển sinh vì không biết đâu là những học sinh có năng lực văn chương thật sự.

Cô Hoàng Thị Thu Hiền (giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):

Không thấy rõ 
sự đổi mới

Đề thi văn không thấy rõ sự đổi mới như chủ trương Bộ GD-ĐT đã công bố. Chúng tôi mong chờ một đề thi có tính tổng hợp kiến thức của nhiều bài, một đề thi yêu cầu thí sinh phải có kỹ năng lập luận, so sánh, đối chiếu, phải thể hiện sự tích lũy kiến thức dài lâu của mình.

Tôi có cảm giác đề thi này giống như đề kiểm tra học kỳ chứ không phải một đề thi THPT mang tầm cỡ quốc gia. Nguyên nhân vì nó không đạt được mục tiêu đổi mới cách dạy và học văn mà Bộ GD-ĐT đã định hướng. Câu hỏi về nghị luận văn học không thuộc dạng “mở” mà thuộc dạng “trói”, có tính chất học tủ. Bởi đây là câu hỏi được mong chờ nhất về tính đột phá lại chỉ gói gọn trong một đoạn trích và một tác giả.

Ý kiến thí sinh: 

Đề thi hay và quen thuộc

Thí sinh Vi Thị Minh Nguyệt (Trường THPT Sông Ray, Đồng Nai) chia sẻ: “Đề thi không khác gì mấy so với đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Câu về nghị luận văn học em “trúng tủ”. Còn câu em thấy thích nhất là câu nêu cảm nghĩ về bài thơ về biển đảo của Trần Đăng Khoa. Bởi nó khơi gợi tinh thần dân tộc và tình yêu với biển đảo của quê hương”.

Tương tự, nhiều nhóm thí sinh của Trường THPT Thủ Đức cũng cho rằng đề thi có nhiều câu nằm trong chương trình ôn tập. Nguyễn Hoàng Ngọc Anh, một trong những thí sinh đầu tiên ra khỏi khu vực thi, nói: “Đề thi không quá khó, tuy nhiên đòi hỏi phải biết vận dụng từ cuộc sống. Câu nghị luận văn học về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa khá quen thuộc”.

Riêng phần nghị luận xã hội, nhiều thí sính cho rằng đề khá hay và quen thuộc. Đa số thí sinh đều lấy những dẫn chứng từ chính bản thân, gia đình mình vào bài viết. Thí sinh Huệ Mẫn (Thủ Đức, TP.HCM) nói: “Em rất thích câu nghị luận xã hội vì nó thực tế và giúp em nêu lên suy nghĩ và những điều bản thân cần phải trang bị cho tương lai”.

Đề thi vật lý phân hóa rõ ràng

Với 50 câu trắc nghiệm, đề thi THPT quốc gia môn vật lý chiều 2-7 được nhiều thí sinh nhận xét là “phân hóa rõ ràng”. Tại cụm thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm (TP.HCM), hầu hết thí sinh đều bước ra với khuôn mặt không vui. Thí sinh Nguyễn Lê Kim Xuyến, thí sinh chọn thi ĐH khối A1, buồn bã nhận xét: “Em chỉ làm được một nửa. Đề khó, nhất là càng về sau càng… khó. Nhiều câu em chưa gặp bao giờ”.

Hàng chục thí sinh khác khi được hỏi đều ước mình chỉ dám tin 60% bài làm là đúng đáp án. Theo một thí sinh mặc đồng phục Trường THPT Trần Phú (TP.HCM), trong phòng thi gần 30 thí sinh của em, rất nhiều bạn không làm được bài thi môn vật lý.

Trong nhóm bạn ba người đi chung của thí sinh này, các em cũng chỉ ước mình đạt được điểm 7 dù các thí sinh này đều chọn thi khối A.

Tuy nhiên, thí sinh Phạm Thị Thơm (TP.HCM), người chọn thi khối A1, nhận xét đề rất phân hóa. “Đề có 50 câu thì một nửa trong đó dễ. Nó phù hợp với trình độ thi tốt nghiệp THPT, nửa còn lại dành cho những thí sinh thi lấy điểm xét tuyển ĐH. Nên câu dễ thì… dễ ợt mà khó thì… khó thôi rồi” – thí sinh Phạm Thị Thơm nói.

Theo nhà giáo ưu tú Đồng Văn Ninh (nguyên tổ trưởng tổ vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM), phần lớn câu hỏi trong đề thi môn vật lý nằm trong phạm vi chương trình lớp 12, chỉ có vài câu nằm trong chương trình lớp 10, 11.

Đề thi có 25 câu hỏi thuộc dạng biết và hiểu (những câu này có độ khó tương đương với đề thi tốt nghiệp THPT của những năm trước), 10 câu hỏi thuộc dạng vận dụng, 15 câu thuộc dạng vận dụng cao.

Đặc biệt trong đó có tám câu rất khó, yêu cầu thí sinh phải thật sự giỏi, có kỹ năng giải bài tập vật lý một cách thuần thục và đã có kinh nghiệm giải quyết nhiều bài toán khó thì mới làm được.

Nhìn chung, đề thi môn vật lý năm nay khó hơn đề thi tuyển sinh hệ CĐ nhưng dễ hơn đề thi tuyển sinh hệ ĐH của năm trước. Mặc dù vậy nhưng đề thi vẫn có tính phân hóa rõ ràng: học sinh trung bình có thể đạt được 5 điểm; học sinh khá, giỏi đạt 6 – 8 điểm, học sinh xuất sắc đạt được 9 điểm và dự báo sẽ rất ít điểm 10. Do đó vẫn thỏa mãn được mục tiêu vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển vào ĐH. 

H.HƯƠNG - M.DUNG

V.HÀ – N.HÀ – H.HG. – L.TRANG (ghi)