09/01/2025

Hệ luỵ từ cuộc đua trung tâm mua sắm ở Bangkok

Trong khi nhiều trung tâm mua sắm ở Bangkok vẫn ế ẩm thì các trung tâm mua sắm mới lại đang mọc lên dồn dập.

 

Hệ luỵ từ cuộc đua trung tâm mua sắm ở Bangkok

 

Trong khi nhiều trung tâm mua sắm ở Bangkok vẫn ế ẩm thì các trung tâm mua sắm mới lại đang mọc lên dồn dập.  


Bên cạnh khía cạnh tích cực của nền kinh tế, nhiều người cũng đặt dấu hỏi về sự tác động của những “thiên đường mua sắm” này đối với đời sống thị dân nghèo.

Một người đàn ông Thái Lan đi trong một khu thương mại cao cấp ở trung tâm Bangkok ngày 24-6 - Ảnh: EPA
Một người đàn ông Thái Lan đi trong một khu thương mại cao cấp ở trung tâm Bangkok ngày 24-6 – Ảnh: EPA

Giới chuyên gia khẳng định hiện trạng này ảnh hưởng đến các cộng đồng dân cư, nhất là người nghèo, bởi người nghèo chưa bao giờ là một phần của sự phát triển này. Chưa kể đến các tác động về giao thông ùn tắc, môi trường.

Một số chuyên gia khuyến cáo Bangkok cần có những khoảng không gian lớn để xây công viên như Grand Central Park ở New York. Song dường như ước mong này của người dân không vượt qua được các khoản “lợi nhuận” khổng lồ từ các trung tâm mua sắm.

Báo Bangkok Post cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc cả chủ đất và các nhà đầu tư đều lựa chọn cách kiếm sống an toàn cho mình, trong khi chính quyền Bangkok gần như “im lặng cho qua” các dự án tiền tỉ này.

Khu mua sắm mọc lên như nấm

Khu mua sắm EmQuartier là một quần thể kiến trúc thương mại sang trọng trên đường Sukhumvit ở Bangkok, vừa gia nhập hệ thống mua sắm trong nhà ở thủ đô Bangkok của Thái Lan. Đây là cụm kiến trúc gồm ba toà nhà kết nối nhau bằng những lối đi bộ và được tách rời bằng cái mà các chủ đầu tư của EmQuartier mô tả là “thác nước nhân tạo cao nhất Đông Nam Á”.

 
 

 

Báo The Nation dẫn lời đại diện Tập đoàn The Mall cho biết đây là trung tâm mua sắm đầu tiên ở Thái Lan lắp đặt hệ thống đậu xe tự động.

Đối diện với EmQuartier là Emporium, một trung tâm mua sắm sang trọng khác thuộc tập đoàn. Xuôi theo đường Sukhumvit 200m, công trình xây dựng đang được khởi công trên dự án EmSphere, là dự án khu thương mại mua sắm hiện đại thứ ba của Tập đoàn The Mall toạ lạc trên cùng một con đường.

Thậm chí trong khu EmSphere, chủ đầu tư còn dành một khu vực làm trung tâm biểu diễn nghệ thuật khoảng 1.000 chỗ ngồi. Mục đích của chủ đầu tư nhằm tạo ra khu EM District, một khu vực có ba khu trung tâm mua sắm hiện đại là EmQuartier, Emporium và EmSphere cùng nằm trên một con đường. Họ có tham vọng biến khu này thành “điểm đến ấn tượng” ở Bangkok đối với du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, The Mall Group chưa phải là “tay chơi to nhất” trong cuộc chiến “trung tâm thương mại” ở Bangkok, mà Central Group mới chính là “gã khổng lồ” trong cuộc chơi này ở Thái Lan.

Central Group là chủ đầu tư của khu mua sắm Central World. Số liệu từ tập đoàn này cho biết hằng ngày Central World có đến 150.000 du khách lui tới, trong đó phần lớn là người Thái và hơn 20% du khách châu Á.

Tập đoàn MasterCard dự tính năm 2015 du khách sẽ chi tiêu khoảng 12 tỉ USD khi đến Bangkok. Nhiều người đến Thái Lan vì đất nước này nổi tiếng là thiên đường mua sắm.

Song với 31 trung tâm thương mại lớn nằm trên tuyến đường sắt nội ô Bangkok và hơn một nửa trong số này đã được xây dựng trong 10 năm qua trong khi tuyến đường sắt nội ô thủ đô Thái Lan chỉ có 23 trạm dừng chân, giờ đây nhiều người tự hỏi liệu tham vọng theo đuổi “văn hóa tiêu dùng cao cấp” của Bangkok đang phải trả cái giá quá cao hay không.

Người nghèo đô thị 
bị lãng quên

Cựu nhân viên quy hoạch thuộc thành phố Bangkok Tao Rugkhapan cho biết quá nhiều toà trung tâm mua sắm gây ra hàng loạt vấn đề cho cuộc sống nội thị Bangkok. Chuyên gia này nhấn mạnh nạn kẹt xe ở những con đường trong giờ cao điểm sẽ tồi tệ hơn, những cửa hàng địa phương và nhiều cộng đồng khác sẽ bị chuyển đi khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.

“Bangkok luôn luôn muốn trở thành một thành phố đẳng cấp thế giới với các toà nhà cao nhất, những khách sạn thu hút nhất và những trung tâm mua sắm lớn nhất” – báo Bangkok Post dẫn lời ông Tao nói.

Cựu quan chức này cho rằng phần đông người nghèo thành thị chưa bao giờ là một phần nằm trong quy hoạch đô thị của chính quyền Bangkok. Nhiều thị dân thủ đô này cũng có cùng quan điểm.

“Tôi ghét sự hiện đại ở các khu vực này. Chúng ta đang mất đi khả năng định hướng. Chúng ta có trách nhiệm ứng phó với dòng người khổng lồ đổ về khu nội thị, nhưng đường sá vẫn là những con đường chật hẹp và vẫn không tăng về số lượng” – Pavich Supapipat, cư dân sống ở quận Thonglor, cho biết. Khu vực ông Supapipat sống chỉ cách dự án EM District 10 phút đi bộ.

Tuy nhiên, cả Central Group lẫn The Mall Group có thể không bình luận về những vấn đề liên quan đến ùn tắc giao thông, sự di dời các cá thể buôn bán nhỏ hơn hay cách sử dụng năng lượng bền vững hơn. Bởi họ cho rằng khách hàng họ không quan tâm đến những vấn đề này.

Nhóm vận động Makkasan Hope đã tập hợp 25.000 chữ ký thỉnh cầu chính quyền Bangkok không bán một khu đất lớn ở trung tâm thủ đô cho các nhà đầu tư. Thay vào đó tạo ra một không gian xanh giống Grand Central Park ở New York.

Nhóm Makkasan Hope nhắm vào các trung tâm thương mại như khu Central Embassy, một trung tâm mua sắm chiếm hết 140.000m2 ở trung tâm Bangkok, với chi phí đầu tư lên đến 557 triệu USD.

Song chỉ sau một năm mở cửa, khu thương mại này đã trở thành một “trung tâm trống không” vì không có người mua sắm ghé ngang.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nhiều khu thương mại như thế sống sót chỉ cần dựa vào việc bán không gian bán lẻ cho các chuỗi thương hiệu lớn trên thế giới như Gucci và Chanel. Họ không cần lượng khách tiêu dùng bình thường hay những chủ cửa hàng bình thường đến thuê mặt bằng. Bởi vì những thương hiệu lớn này có thể bù lại khoản lỗ khác.

Bằng chứng, doanh thu của Central Group vẫn đạt 700 triệu USD trong năm 2014. Chính vì vậy, người dân nghèo đô thị đã không có mặt trong những tính toán của các tập đoàn này.

“Tất nhiên bảo tàng và công viên sẽ tốt hơn cho mọi người. Song chúng không đủ sức khuyến khích các chủ đất đưa ra những lựa chọn này” – nhà quản lý phát triển doanh nghiệp của Thái Lan Prinya Reunprapan cho biết. Theo ông Reunprapan, sự lựa chọn mặc định đối với các chủ đầu tư bất động sản sẽ là một trung tâm thương mại hoặc các chung cư cao cấp vì đây là cách an toàn nhất cho các chủ đất.

 

MỸ LOAN