09/01/2025

Ngành thú y có quá nhiều loại phí

Trong khi Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Tài chính đều thống nhất “cởi phí cho gà”, ngành thú y các địa phương vẫn muốn ôm các loại phí này với lý do để … bảo vệ ngành chăn nuôi.

 

Ngành thú y có quá nhiều loại phí

 

Trong khi Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Tài chính đều thống nhất “cởi phí cho gà”, ngành thú y các địa phương vẫn muốn ôm các loại phí này với lý do để … bảo vệ ngành chăn nuôi.


 

 

Đồ họa: Tấn Đạt
Đồ hoạ: Tấn Đạt

Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ vừa có văn bản gửi các ban ngành liên quan đề nghị bỏ ngay các loại phí và lệ phí thú y để cứu ngành chăn nuôi trong nước trước nguy cơ phá sản.

Thông qua phân tích từ thực tế hoạt động của các trang trại chăn nuôi đến doanh nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh, hàng loạt các loại phí vô lý với các khoản thu chi tiết được tiết lộ cho thấy ngành thú y đang thu phí vô tội vạ lên con gà, quả trứng.

Phí chồng phí rồi lại… chồng phí

“Không có nước nào có hệ thống thú y nhiều quyền hạn và nhiều khoản thu như VN”- ông Âu Thanh Long, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho hay.

Theo ông Long, chu kỳ sản xuất của ngành gia cầm bắt đầu từ khâu nhập khẩu gà giống bố mẹ về sinh sản gà con, nuôi lớn, giết mổ và phân phối. Tất cả các khâu trên đều có sự quản lý của cơ quan thú y và khâu nào cũng phải đóng nhiều loại phí và lệ phí thú y khiến các loại phí bị thu trùng, thu chồng nhau.

Cụ thể, ngay từ khi nhập khẩu gà giống bố mẹ về nuôi sinh sản, các công ty đã phải bỏ ra một chi phí khá lớn vào khoảng 50 triệu đồng/lô/lần cho giấy phép nhập khẩu các loại chưa bao gồm chi phí xét nghiệm, đưa đón cán bộ thú y và trung tâm vệ sinh thú y trước và trong thời gian cách ly gà nhập 45 ngày, phí sân bay, lưu kho vận chuyển… khoảng 50 triệu đồng nữa là 100 triệu đồng.

Khi người chăn nuôi mua gà con từ các công ty sản xuất về nuôi sẽ phải chịu các khoản phí như giấy kiểm dịch xuất tỉnh 30.000 đồng/tờ (nội tỉnh 5.000 đồng/tờ) cộng với phí theo đầu con là 50 đồng/con, phí niêm phong 1.500 đồng/cái tùy theo xe có bao nhiêu cửa thu bao nhiêu cái.

Đến khi bán gà, người nuôi và công ty kinh doanh lại phải đóng thêm một lần phí nữa dù con gà đã được nuôi trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh, đạt các tiêu chuẩn quy định để xuất chuồng. Đó là giấy kiểm dịch của cơ quan thú y (xuất tỉnh là 30.000 đồng/tờ, nội tỉnh 5.000 đồng/tờ) cộng với phí trên đầu con (100 đồng/con), phí tiêu độc sát trùng (43.500 đồng/xe).

Về tới nhà máy giết mổ gia cầm, công ty kinh doanh phải nộp tiếp chi phí kiểm soát giết mổ cho thú y là 200 đồng/con.

Theo ông Long, điều này là vô lý vì xe vận chuyển vẫn có đủ các giấy tờ và niêm phong của thú y trong khi nhà máy giết mổ có đầy đủ giấy phép hoạt động theo quy định hiện hành về hoạt động giết mổ và được kiểm tra thường xuyên của các cơ quan an toàn thực phẩm cho người thuộc Bộ Y tế và các cơ quan liên quan.

Nhà máy giết mổ này hoạt động theo mô hình công ty và nộp đầy đủ các loại thuế như VAT, thu nhập doanh nghiệp theo luật định rồi thì không cần phải đóng phí kiểm soát thú y nữa.

Sau khi gà được đưa vào giết mổ sẽ chia làm hai loại là gà nguyên con (loại bỏ nội tạng) và gà chế biến (phân chia thành các bộ phận như đùi, cánh, chân…) vẫn phải chịu các loại phí thú y trước khi đưa ra thị trường.

Cụ thể, nếu là gà nguyên con sẽ phải đóng tiếp 90 đồng/kg phí thú y gọi là phí xuất hàng từ trung tâm giết mổ và thêm 5.000 đồng/tờ giấy xuất xe (nếu bán ngoại tỉnh là 30.000 đồng/tờ), phí niêm phong 1.500 đồng/cửa xe (xe bao nhiêu cửa thì nhân bấy nhiêu lần) và một lần phí tiêu độc sát trùng nữa (43.500 đồng/xe).

Nếu là gà đã chế biến sẽ phải thu 135 đồng/kg phí thú y và tiền giấy là 5.000 đồng/tờ nếu bán trong tỉnh và 30.000 đồng nếu bán ngoại tỉnh. Mỗi xe sẽ có niêm phong và thu phí 1.500 đồng/cái tùy theo xe có bao nhiêu cửa thu bao nhiêu lần và phí tiêu độc sát trùng 40.000 đồng/xe (ngoại tỉnh 43.500 đồng/xe).

Chưa hết, nếu giết mổ xong chưa bán hết được đem trữ trong kho lạnh chờ bán ra thì phải đem về nhà máy lột bao bì cũ ra thay bằng bao bì mới (giống bao bì cũ nhưng thay chữ “Tươi” bằng “Đông lạnh” tốn chi phí 1.600 đồng/bao).

Khi doanh nghiệp lấy hàng từ kho lạnh ra bán sẽ phải chịu toàn bộ quy trình kiểm soát của cơ quan thú y kèm với chi phí như gà xuất đi từ trung tâm giết mổ (phía trên) chưa kể phải thêm các xét nghiệm cần thiết nếu cơ quan thú y yêu cầu!

Ngành thú y kêu khó nếu không thu phí

Trước đó, sau khi dư luận lên tiếng về việc con gà “cõng” hàng loạt loại phí, ngày 17-6, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị rà soát, bãi bỏ 31 nội dung thu phí, lệ phí.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã có văn bản phản hồi với Bộ NN&PTNT cho biết quy định về thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y có sự trùng lắp và chồng chéo nên đề xuất bỏ luôn thông tư 04 năm 2012 về thu phí, lệ phí trong công tác thú y (Tuổi Trẻ đưa tin ngày 24-6).

Tuy nhiên, nhiều cơ quan thú y địa phương cho biết nếu bỏ các loại phí thú y sẽ gây khó khăn cho hoạt động của họ.

Trong một cuộc họp mới đây, đại diện chi cục thú y 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã thống nhất kiến nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính xem xét duy trì một số mức phí, lệ phí “nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về thú y, đảm bảo yêu cầu chuyên môn trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật”.

Theo ngành thú y, việc thu phí, lệ phí đã được hình thành và duy trì liên tục trong nhiều năm qua, hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động của ngành thú y, đặc biệt là các địa phương.

Nay nếu không thực hiện thu phí, trong điều kiện các địa phương không cấp bù duy trì hoạt động của ngành thú y do ngân sách khó khăn, sẽ dẫn đến hậu quả phá vỡ hệ thống quản lý mà các tỉnh đã xây dựng và duy trì trong nhiều năm qua.

Bởi nếu ngưng phí, chỉ riêng 21 chi cục thú y tỉnh thành phía Nam sẽ thất thu gần 200 tỉ đồng. Đặc biệt từ nay đến cuối năm là thời điểm giao mùa, dịch bệnh gia súc, gia cầm dễ tái phát, nếu không kiểm soát tốt sẽ gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi.

Ông Âu Thanh Long cho rằng không ở đâu mà phí thú y lại được cơ quan chức năng tích cực thu và coi như thành tích trong đóng góp vào ngân sách của địa phương như ở VN.

Tại các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Úc phí thú y là chi phí của chính phủ bỏ ra từ thu thuế hoạt động kinh doanh. Ngay trong khu vực Asean, các nước có thế mạnh về chăn nuôi tương tự VN như Thái lan, Malaysia, Indonesia cũng đều không thu các loại phí và lệ phí hoặc thu tượng trưng không đáng kể.

Giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi nhận xét rằng ở các nước khác, cơ quan thú y không có được nhiều quyền như cơ quan thú y VN, đơn giản vì từ “thú y” chỉ là kiểm soát xuất/nhập khẩu, tổ chức chăn nuôi vật nuôi khi xác nhận vật nuôi đạt đủ điều kiện và cấp giấy xuất chuồng là xong nhiệm vụ.

Khi xe chuyển vật nuôi có và còn đầy đủ niêm phong của cơ quan thú y về tới nhà máy giết mổ là do cơ quan quản lý thực phẩm quản lý.

Từ đó bao bì, phân phối, luân chuyển hàng tồn kho doanh nghiệp tự chủ hoàn toàn theo quy định chung của cả ngành thực phẩm không phân biệt là thịt nhập hay thịt nội, và chịu trách nhiệm với chính phủ về sản phẩm của mình khi cơ quan quản lý kiểm tra.

Qua đó doanh nghiệp chịu trách nhiệm với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm bằng chính thương hiệu của doanh nghiệp, không cần phải có thú y mới làm đúng sản phẩm. Nếu sản phẩm không nhãn hiệu, giả nhãn hiệu hoặc trà trộn là công việc của công an kinh tế và quản lý thị trường.

“Tại sao VN vẫn trao quyền quá lớn cho cơ quan thú y và cơ quan thú y kêu gào thiếu nhân sự, ngân sách, nhưng lại đi làm thay trùng lắp với các cơ quan quản lý nhà nước khác, hạn chế quyền doanh nghiệp được hưởng theo Luật doanh nghiệp và gia tăng chi phí không cần thiết lên người chăn nuôi”, ông Long thắc mắc.

Phí thú y khiến thịt nội cao hơn thịt ngoại

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, với đủ loại thủ tục và chi phí như thế nên không khó hiểu vì sao thịt nội giá cao, không cạnh tranh lại thịt ngoại với nhiều ưu đãi từ chính phủ các nước.

Giám đốc một cơ sở giết mổ tại TP.HCM cho hay chỉ tính riêng các khoản phí thú y, đơn vị này đã phải tốn thêm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng và toàn bộ chi phí này sẽ tính vào giá thành bán cho người tiêu dùng.

“Đó là chưa kể các loại phí khác không được ghi trong hoá đơn mà người kinh doanh phải chịu”, vị giám đốc này cho hay.

TRẦN MẠNH