Hy Lạp đóng cửa các ngân hàng
Bế tắc trong đàm phán và nguy cơ khủng hoảng thanh khoản đã làm chính phủ Hy Lạp phải ra sắc lệnh đóng cửa các ngân hàng.
Hy Lạp đóng cửa các ngân hàng
Bế tắc trong đàm phán và nguy cơ khủng hoảng thanh khoản đã làm chính phủ Hy Lạp phải ra sắc lệnh đóng cửa các ngân hàng.
AFP ngày 29.6 dẫn lời Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thông báo đóng cửa các ngân hàng ít nhất đến hết ngày 6.7 đồng thời tạm thiết lập chế độ kiểm soát dòng vốn, tức đóng cửa “biên giới” tài chính. Người có tài khoản tại các ngân hàng của nước này cũng bị khống chế rút tối đa 60 euro/ngày tại các máy rút tiền tự động. Tuy nhiên, sắc lệnh này không áp dụng đối với du khách nước ngoài có thẻ tín dụng được phát hành tại quốc gia của mình.
Theo ông Tsipras, sắc lệnh nói trên được đưa ra “cực kỳ khẩn cấp” nhằm bảo vệ hệ thống kinh tế – tài chính Hy Lạp trước nguy cơ khủng hoảng thanh khoản. Chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua, người dân nước này đã rút gần 1 tỉ euro. Còn tính từ năm 2010, một lượng vốn hơn 80 tỉ euro ở Hy Lạp đã chảy ra nước ngoài, theo tờ Le Monde. Thủ tướng Tsipras khẳng định tiền gửi ở các ngân hàng của nước này vẫn được “đảm bảo hoàn toàn”, đồng thời kêu gọi EU kéo dài chương trình hỗ trợ tài chính cho Athens. Hiện Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết vẫn sẽ duy trì Quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho Hy Lạp nhưng sẽ không nâng mức trần nữa.
Theo Le Monde, sau thời hạn 30.6, nếu Hy Lạp vẫn không thể thanh toán khoản nợ 1,6 tỉ euro cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), thảm hoạ vẫn chưa ập xuống ngay với nước này. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đợi kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5.7 để đưa ra quyết định có tiếp tục hỗ trợ Athens hay không. Nếu người dân Hy Lạp nói “không” với kế hoạch cải cách do các chủ nợ quốc tế đề xuất, nhiều khả năng ECB sẽ cắt giảm, thậm chí tạm ngưng ELA.
Trong trường hợp xấu nhất là ELA bị cắt, nếu các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với các chủ nợ tiếp tục thất bại, nước này sẽ rơi vào khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng. Không đủ euro để đảm bảo hoạt động của quốc gia, Athens bắt buộc phải cho lưu hành lại đồng drachma và sẽ dẫn tới 2 kịch bản: Hy Lạp dùng cùng lúc 2 loại tiền tệ hoặc từ bỏ đồng euro. Những diễn biến không lạc quan nói trên khiến nhiều nước châu Âu vội vã áp dụng các biện pháp để bảo vệ thị trường tài chính – tiền tệ của mình trước tác động xấu trong trường hợp Hy Lạp từ bỏ đồng euro. Thị trường chứng khoán và giá dầu thế giới hôm qua cũng tụt giảm mạnh, theo Reuters.
Bên cạnh đó, tuy chính quyền Athens và Uỷ ban Châu Âu ngày 29.6 tiếp tục chỉ trích lẫn nhau khá dữ dội nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định vẫn sẵn sàng đối thoại với ông Tsipras sau cuộc trưng cầu ở Hy Lạp. Các thăm dò mới nhất tại nước này cho thấy tỷ lệ cử tri chọn chấp thuận các điều kiện của chủ nợ đang chiếm ưu thế. Nếu đây là kết quả cuối cùng, chính phủ Hy Lạp có thể tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán và có những nhượng bộ nhất định mà không bị phê trách là làm trái cam kết tranh cử trước đây rằng sẽ không chấp nhận bị các chủ nợ áp đặt. Từ đó, theo một số nhà quan sát, thông báo tổ chức trưng cầu thực chất là một nước cờ cao tay của Thủ tướng Tsipras.
Lan Chi