10/01/2025

Nga – NATO chạy đua vũ trang ồ ạt

NATO tuyên bố không muốn chạy đua vũ trang với Nga. Điện Kremlin cũng khẳng định tương tự. Tuy nhiên, cả đôi bên đều đang triển khai ồ ạt lực lượng quân sự và các loại vũ khí “khủng” gần đường biên giới chung.

 

Nga – NATO chạy đua vũ trang ồ ạt

 

NATO tuyên bố không muốn chạy đua vũ trang với Nga. Điện Kremlin cũng khẳng định tương tự. Tuy nhiên, cả đôi bên đều đang triển khai ồ ạt lực lượng quân sự và các loại vũ khí “khủng” gần đường biên giới chung.


 

Hệ thống tên lửa S-400 hiện đại của Nga - Ảnh: Sputnik
Hệ thống tên lửa S-400 hiện đại của Nga – Ảnh: Sputnik

Theo trang Sputnik, mới đây Quân khu phía tây Nga tuyên bố sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf và Pantsir-S dọc biên giới với các nước NATO, bao gồm vùng Kaliningrad, vào cuối năm nay. S-400 là loại tên lửa phòng không hiện đại nhất của quân đội Nga. Mỗi hệ thống S-400 có ba loại tên lửa khác nhau, tầm bắn xa nhất 400km.

Trên trang National Interest, chuyên gia vũ khí Robert Farley cho biết hệ thống cảm biến của tên lửa S-400 cực nhạy. Việc quân đội Nga triển khai loại tên lửa hiện đại này ở Kaliningrad có thể vô hiệu hoá sức mạnh không quân của NATO. Và đó cũng chỉ là một trong nhiều loại vũ khí “khủng” Matxcơva đang triển khai để chặn bước tiến về phía đông của NATO. Mỹ và các nước NATO cũng không chịu kém cạnh khi đang đưa đến Đông Âu hàng loạt khí tài hiện đại.

Tập trận ồ ạt

Giới quan sát nhận định bầu không khí châu Âu đang trở nên căng thẳng không khác mấy so với thời kỳ chiến tranh lạnh. Sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ kế hoạch triển khai vũ khí hạng nặng ở các nước Baltic và Đông Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin lập tức tuyên bố bổ sung 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân trong năm 2015.

Bên cạnh những màn đấu khẩu, cả NATO và Nga liên tục tập trận quy mô lớn ồ ạt. Theo báo Telegraph, hồi tháng 3 quân đội Nga tiến hành một cuộc tập trận với tình huống giả định phương Tây giật dây các thế lực thù địch lật đổ chính quyền ông Putin, bạo động nổ ra ở Matxcơva, buộc lực lượng Nga trả đũa.

Hơn 33.000 binh sĩ Nga diễn tập phương án chiếm bắc Na Uy, quần đảo Aland của Phần Lan, đảo Gotland của Thuỵ Điển và đảo Bornholm tại Đan Mạch. Tất cả đều là những trọng điểm quân sự chiến lược ở vùng Baltic.

Ngược lại, NATO cũng tiến hành hàng loạt cuộc tập trận nhắm vào Nga. Mới đây nhất là cuộc tập trận BALTOPS 2015 trong tháng 6 với sự tham gia của 49 tàu chiến từ 14 nước NATO và 300 xe tăng do Mỹ cung cấp, hoạt động diễn tập trải khắp sáu nước Đông Âu và Baltic.

Trước đó, Lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao của NATO đã khoe sức mạnh tại Ba Lan, rồi máy bay ném bom B-52 của Mỹ lần đầu tiên bay trên bầu trời Latvia kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Mới đây, các bộ trưởng quốc phòng NATO nhất trí tăng lực lượng phản ứng nhanh từ 13.000 lên 40.000 lính, chủ yếu đóng ở các nước Baltic và Đông Âu. Sau hai thập kỷ hoà bình, ngân sách quốc phòng các nước châu Âu đều bị cắt giảm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đề xuất các nước NATO tăng chi tiêu quân sự lên mức tối thiểu là 2% GDP so với mức 1,5% hoặc dưới 1% như hiện nay.

Vũ khí tối tân

NATO và Nga đều đang triển khai hàng loạt hệ thống vũ khí cực kỳ hiện đại ở gần đường biên giới của nhau. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter, Washington sẽ đưa đến Đông Âu 1.200 phương tiện quân sự, bao gồm 250 xe tăng M1-A2 mạnh mẽ và xe chiến đấu Bradley cùng pháo tự hành có sức công phá lớn. Quân đội Anh cũng triển khai xe tăng thiết giáp Challenger 2 có thể đạt vận tốc 40 km/h dù nặng tới 63 tấn.

Ở biển, NATO trông cậy vào tàu ngầm lớp 212 của Đức nặng 1.500 tấn, lặn lâu hơn và có tốc độ nhanh hơn các tàu ngầm khác, được trang bị nhiều loại ngư lôi và tên lửa mạnh mẽ, có thể tấn công hàng loạt mục tiêu trên không, trên bộ và dưới biển.

Trên không, NATO không chỉ dựa vào máy bay F-22 của Mỹ. Do sự gần gũi về địa lý, các máy bay Typhoon của Anh và Đức sẽ đóng vai trò chủ lực nếu xung đột xảy ra.

Các tướng lĩnh NATO cũng rất tự tin với tên lửa Spike do Israel sản xuất, chỉ nặng 14kg nhưng cực kỳ hữu hiệu trong các chiến dịch chống tăng. Có phần lép vế về các loại vũ khí thông thường, Nga tập trung nhiều hơn cho các khí tài có tính chất răn đe như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Tên lửa Iskander-M với tầm bắn 400km và khả năng mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới hầu hết thành phố lớn ở châu Âu khi được đặt tại Kaliningrad.

Trên bầu trời, Nga đủ sức cạnh tranh với NATO bằng máy bay 
Su-30 chiến đấu đa chức năng, 
Su-33 chuyên dùng cho tàu sân bay, S-34 chiến đấu kết hợp với ném bom, S-35 nhấn mạnh vận tốc và khả năng tàng hình.

Ngoài biển, các tàu ngầm Akula là lực lượng chủ đạo của Nga. Tàu ngầm Akula có thể mang nhiều loại vũ khí đa dạng gồm ngư lôi và tên lửa hành trình, có thể nhắm vào cả các mục tiêu trên biển và trên bộ.

Bóng ma hạt nhân

Theo tạp chí Der Spiegel, các quan chức Mỹ đang xem xét khả năng đưa tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân trở lại châu Âu. Thời gian qua, Washington liên tục cáo buộc Matxcơva vi phạm Hiệp ước hạt nhân tầm trung (INF).

Trong khi đó, phía Nga đã tuyên bố sẽ tính toán việc triển khai vũ khí hạt nhân ở bán đảo Crimea. Một cuộc chạy đua hạt nhân đồng nghĩa với việc chiến tranh lạnh 2.0 thật sự bắt đầu.

 

HẢI MINH