10/01/2025

Để con thoải mái vào kỳ thi

Có con trai sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia, anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ một phòng giáo dục tại TP.HCM, cho biết đã huỷ chuyến du lịch nước ngoài, gác lại mọi công việc để đưa đón con đi thi dù điểm thi không quá xa nhà.

 

Để con thoải mái vào kỳ thi

 

 

Có con trai sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia, anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ một phòng giáo dục tại TP.HCM, cho biết đã huỷ chuyến du lịch nước ngoài, gác lại mọi công việc để đưa đón con đi thi dù điểm thi không quá xa nhà.

 

Ba mẹ đứng ngoài đợi khiến con thêm áp lực trong phòng thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ba mẹ đứng ngoài đợi khiến con thêm áp lực trong phòng thi – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

“Mình phải làm tròn trách nhiệm. Nếu đi công tác, du lịch trong lúc con đi thi, lỡ con thi không đạt quay sang trách tại ba không quan tâm nên con mới như vậy. Thế thì kẹt lắm”, anh Hùng tâm sự.
Chẳng những lo từ miếng ăn, giấc ngủ, các bậc phụ huynh còn hộ tống con đến các tỉnh, thành để thi… Hình ảnh cha mẹ đứng, ngồi, thậm chí nằm ngoài vỉa hè hoặc đội nắng dầm mưa để chờ con thi đã trở nên quá quen thuộc.
Trước sự quan tâm quá mức như vậy, liệu các con có thật sự thích?
“Năm ngoái ba đưa mình từ Long Khánh, Đồng Nai lên TP.HCM thi. Có ba là yên tâm lắm. Từ ăn gì, ngủ nghỉ ở đâu, đi lại… ba lo hết. Đến lúc thi môn đầu tiên ra, thấy ba ướt nhẹp vì sáng đó trời mưa, mình xót ruột vô cùng. Hỏi thì ba nói đứng vỉa hè đợi mình, ở đó không có chỗ trú mưa. Thế là mình nhất định thoả thuận với ba phải vô quán gần đó ngồi hoặc về lại khách sạn, tới giờ đến đón, không được đứng đợi ngoài cổng nữa, như thế mình mới yên tâm mà thi”, Nguyễn Hải Yến, sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, kể.
“Thời gian thi mình đã cho mẹ biết rồi, đến giờ đón là được vậy mà mẹ có yên tâm đâu, cứ xem như mình là con nít, phải đứng ngoài đợi mới chịu khiến mình thi ở trong mà cũng sốt ruột”, Võ Hữu Dũng, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tâm sự.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Hội Tâm lý học xã hội VN, cho biết có sự quan tâm, động viên từ ba mẹ, các thí sinh sẽ vững vàng về tâm lý trong kỳ thi quan trọng của đời mình. Tuy nhiên, sự quan tâm cần đúng, đủ, đừng làm quá lên sẽ vô tình tạo một áp lực không đáng có, dễ gây tác dụng ngược.
Ông Hoà An nói thêm: “Phụ huynh đừng tự làm khổ mình khi đứng vỉa hè đợi con. Điều đó chẳng giúp gì cho con mà vô tình khiến con cảm thấy lo lắng hơn. Tốt nhất, sau khi đưa con an toàn vào trường thi phụ huynh nên đến một quán cà phê, thậm chí có thể làm các công việc khác. Đúng giờ đến đón con. Điều này vừa bảo đảm sức khoẻ cho phụ huynh, vừa không tạo áp lực cho con trong phòng thi. Con đã vào trường thi, nếu có trục trặc gì đã có hội đồng thi, tình nguyện viên giúp đỡ, ba mẹ không còn vai trò gì ở đây nữa”.
Ông An chỉ ra sự quan tâm quá mức của phụ huynh nhiều khi còn vô tình thể hiện ở các câu hỏi dồn dập sau khi gặp con vừa thi xong, như: “Con làm bài được không? Tại sao không làm được? Ba đã nói con học cái đó mà không chịu học giờ nó ra đúng cái đó…”. Điều này dễ tạo nên sự khủng hoảng cho thí sinh nếu làm bài không tốt. “Thí sinh dễ bị xuống tinh thần, lo lắng cho môn thi sau. Tốt nhất là chúc mừng con vừa hoàn thành xong môn thi, đưa con rời khỏi trường, đi ăn uống nạp năng lượng để chuẩn bị tiếp với những môn thi sau. Chuyện làm bài được hay không, điểm số thế nào khi thi xong tất cả sẽ tính”, thạc sĩ Hòa An khuyên và tư vấn: “Hãy để mọi việc diễn ra bình thường như những kỳ thi bình thường, như những ngày thường. Chỉ nên quan tâm nhỉnh hơn tí xíu để con thấy rằng kỳ thi này không chỉ quan trọng với con mà ba mẹ cũng rất quan tâm. Như vậy con thấy thoải mái hơn để bước vào kỳ thi”.

Thanh Đông