Môn sử: nắm vững kiến thức cơ bản
Cấu trúc đề thi môn lịch sử năm nay dự kiến có bốn câu hỏi lớn, trong đó phần sử thế giới chiếm 30% với một câu, sử Việt Nam chiếm 70% với ba câu hỏi.
Môn sử: nắm vững kiến thức cơ bản
Cấu trúc đề thi môn lịch sử năm nay dự kiến có bốn câu hỏi lớn, trong đó phần sử thế giới chiếm 30% với một câu, sử Việt Nam chiếm 70% với ba câu hỏi.
Cô Bùi My Thuý ôn thi môn sử cho học sinh lớp 12D5 Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng |
Trong mỗi câu hỏi sẽ có những câu hỏi nhỏ với bốn yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nội dung đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12 là chủ yếu.
Có thể nói trong các môn thi THPT quốc gia năm 2015 thì môn sử bị học sinh coi là “dễ sợ” và “đáng ngán” nhất. Do vậy, trong những môn tự chọn để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH năm nay thì môn lịch sử có lượng thí sinh đăng ký thi thấp nhất so với các môn còn lại.
Tuy nhiên, với những em đã lựa chọn môn sử thì phải có quyết tâm để vượt qua tâm lý nói trên. Nếu biết cách ôn tập và làm bài thi môn lịch sử, các em có thể dễ dàng đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới.
Cách làm bài
Dù cho các em đã hiểu bài, thuộc bài nhưng nếu không biết cách làm bài thì cũng ảnh hưởng không tốt đến kết quả thi. Do đó, các em phải nắm thật vững kiến thức cơ bản thuộc phạm vi đề thi đòi hỏi. Các em phải bình tĩnh đọc thật kỹ từng câu chữ và xác định mục đích, yêu cầu của đề. Kiến thức của các câu hỏi thuộc phần nào trong chương trình? Liên quan đến sự kiện, giai đoạn lịch sử nào? Có hiểu đề thì mới tránh tình trạng làm bài lạc đề, lan man, dài dòng, không đi đúng yêu cầu của đề thi.
Soạn dàn bài (theo dạng đề cương chi tiết) có cấu trúc gồm ba phần: đặt vấn đề (nêu rõ vấn đề cần trình bày), giải quyết vấn đề và kết thúc vấn đề (chốt lại các ý quan trọng nhất đã trình bày ở trên).
Khi làm bài: đối với đề thi gồm nhiều câu hỏi như hiện nay, một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công trong khi thi là khả năng phân bố và làm chủ thời gian quy định.
Thí sinh nên trả lời thẳng vào từng câu hỏi, không nhất thiết phải làm theo thứ tự câu hỏi trong đề thi. Câu nào dễ, nắm vững thì làm trước; câu nào khó, chưa hiểu kỹ thì làm sau. Khi làm, các em nên lưu ý đã làm phần nào, câu nào thì phải làm cho xong, tránh hiện tượng “nhảy cóc” bỏ ý trong bài làm, câu này chưa xong lại làm sang câu khác. Sự chắp vá về kiến thức giữa các câu trong bài thi sẽ tạo nên cảm giác khó chịu cho giám khảo trong quá trình chấm.
Một số lưu ý: trong đề minh họa và các đề gợi ý ôn tập của bộ có nhiều đề thi thường có những câu hỏi về mối quan hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam (chủ yếu rơi vào giai đoạn từ 1919 – 1945). Chính vì vậy, các em cần chú ý đến mối liên hệ giữa lịch sử Việt Nam với các kiến thức lịch sử thế giới có liên quan trong sách giáo khoa.
Với cấu trúc mới của đề thi năm nay, đặc biệt là các em lấy kết quả thi để xét tuyển ĐH, thì đề năm nay đòi hỏi kỹ năng vận dụng, liên hệ thực tế nhiều hơn so với các năm trước. Do đó, muốn đạt điểm cao, ngoài phần học thuộc các em phải xem thêm tin tức thời sự, cập nhật các thông tin mới cả trong và ngoài nước để có kiến thức vận dụng vào bài thi, ví dụ như vấn đề tranh chấp biển đảo, đại hội Đảng toàn quốc…
Khi làm bài thí sinh nên chú ý các cụm từ để hiểu được mức độ yêu cầu của đề, ví dụ ở mức độ nhận biết kiến thức thường sẽ gặp các từ, cụm từ như: trình bày, nêu…; ở mức độ thông hiểu thì thường gặp các cụm từ như: lý giải, giải thích, tại sao…; ở mức độ vận dụng thường gặp như: phân tích, chứng minh, so sánh…; ở mức độ vận dụng cao như: đánh giá, nhận xét, liên hệ…
Những sai lầm thường gặp, dễ mất điểm 1– Yêu cầu tối quan trọng cho các em khi làm bài là cần đi thẳng vào vấn đề, không viết lan man, dài dòng, tránh vòng vo dẫn đến mất nhiều thời gian, xa đề và lạc đề. Đây là lỗi phổ biến của nhiều học sinh khi làm bài thi môn sử, vì nhiều em có một quan điểm rất sai lầm là: làm bài càng nhiều chữ, nhiều trang thì càng được nhiều điểm, “thà thừa hơn thiếu”, “thà viết nhầm hơn bỏ sót”… Tuy không bị trừ điểm ở phần trình bày thừa kiến thức, nhưng các em đã tự đánh mất thời gian làm bài thi của mình. 2– Sử là môn thi tuyệt đối kỵ với những hiểu biết ngây ngô, các khái niệm mơ hồ và sự sai sót, nhầm lẫn, thậm chí “viết lại” đến mức xuyên tạc, bóp méo về kiến thức và sự kiện lịch sử. Ví dụ: thí sinh không được nhớ nhầm các khái niệm, thuật ngữ cơ bản giữa “Cương lĩnh chính trị” (2-1930) với “Luận cương chính trị” (10-1930), “Mặt trận dân tộc thống nhất” với “Mặt trận thống nhất dân tộc”… Hiểu và viết lẫn lộn từ “đấu tranh” với “chiến đấu”, “khởi nghĩa” với “chiến tranh”, “đại hội” với “hội nghị”, “hiệp ước” với “hiệp định”… Đối với những sự kiện điển hình của lịch sử dân tộc, đánh dấu thắng lợi mang tính bước ngoặt của tiến trình lịch sử, các em không được nhầm hoặc suy đoán theo kiểu ước lượng “khoảng” ví dụ như các sự kiện: 3-2-1930, 2-9-1945, 19-12-1946, 7-5-1954, 30-4-1975… hay nhầm tên các kiến thức, sự kiện lịch sử như: Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) với Nhật đầu hàng quân Đồng minh (15-8-1945); chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) với “Điện Biên Phủ trên không” (12-1972); Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954) với Hiệp định Paris (27-1-1973); Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 với Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975… Trong phần lịch sử thế giới: Khi làm bài các em tránh nhầm lẫn giữa các tổ chức quốc tế như: ASEAN với SEATO, VACSAVA với SEV, EU với UN, APEC với OPEC…, Tây Âu với Đông Âu, Đông Bắc Á với Đông Nam Á, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại ở thập kỷ 40 của thế kỷ XX với cuộc cách mạng khoa học – công nghệ nửa sau thế kỷ XX… 3– Điều cuối cùng xin được lưu ý đặc biệt với các em: trong khi ôn thi dù thi TNPT hay xét tuyển ĐH thì trong quá trình học và ôn tuyệt đối các em không nên học tủ theo kiểu duy tâm, đoán mò phần thi, kiến thức của đề thi năm nay so với năm trước. Có thể vấn đề năm ngoái đã ra rồi, năm nay cũng có thể ra lại, nhưng ở dạng câu hỏi khác mang tính chất liên quan. |