10/01/2025

Doanh nghiệp vẫn khó với thủ tục

Nhiều quy định mới rất thông thoáng nhưng khi đi vào thực hiện lại tắc vì thiếu hướng dẫn, vì tư duy cũ ăn sâu trong một bộ phận cán bộ hải quan, thuế gây phiền hà cho doanh nghiệp…

 

Doanh nghiệp vẫn khó với thủ tục

 

 

Nhiều quy định mới rất thông thoáng nhưng khi đi vào thực hiện lại tắc vì thiếu hướng dẫn, vì tư duy cũ ăn sâu trong một bộ phận cán bộ hải quan, thuế gây phiền hà cho doanh nghiệp…


 

Doanh nghiệp vẫn khó với thủ tục  - ảnh 1Đại diện doanh nghiệp phát biểu về các vướng mắc tại buổi gặp gỡ – Ảnh: Ng.Ng
Đó là những vấn đề được phản ánh tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) với lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM và Cục Hải quan TP.HCM ngày hôm qua.
Đầu xuôi đuôi… mắc lại
 
 
Doanh nghiệp vẫn khó với thủ tục  - ảnh 2
Thực tế, các thông tư lần lượt ra đời với mục đích tháo gỡ, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong khai thuế, nộp thuế. Tuy nhiên chưa có thông tư nào tồn tại được 2 năm trong giai đoạn 2013 – 2015, thời điểm nền kinh tế trong nước có nhiều thay đổi, biến động
Doanh nghiệp vẫn khó với thủ tục  - ảnh 3
 
Ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó phòng Tuyên truyền – Cục Thuế TP.HCM
 

Theo quy định mới tại Thông tư 38 của Bộ Tài chính, kể từ ngày 1.4.2015, DN xuất hàng đi không phải làm thủ tục khai báo định mức, khai báo hợp đồng gia công, không phải thanh khoản theo từng hợp đồng gia công như trước mà chờ đến khi kết thúc hợp đồng, làm công văn xin xử lý thanh khoản một lần luôn và làm báo cáo quyết toán theo năm tài chính. Các DN sản xuất gia công tự xây dựng định mức và tự chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, khi làm thủ tục hoàn thuế, cơ quan hải quan lại cho rằng, không có cơ sở dữ liệu để hải quan đối chiếu với số liệu DN xin hoàn thuế.

Ông Nguyễn Văn Xuân, đại diện Công ty CP dệt may Thành Công, phản ánh giải pháp “tình thế” mà bộ phận hải quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM sử dụng là đề nghị DN về… khai định mức, truyền số liệu lên cho cơ quan hải quan. “Thế là gần 3 tháng nay kể từ ngày áp dụng quy định tháo gỡ các thủ tục hải quan giúp DN làm hàng xuất khẩu, chúng tôi vẫn phải làm động tác truyền dữ liệu định mức này để làm thủ tục hoàn thuế. Và có khoảng 300 tờ khai lại định mức mà chúng tôi phải thực hiện bởi cần đồng tiền để quay vòng vốn. Vì vậy, chúng tôi chấp nhận giải pháp “tình thế” đó của cơ quan hải quan”, ông Xuân nói.
Như vậy, nếu tính trung bình một tháng, Thành Công phải thực hiện 100 tờ khai định mức, với con số DN đang làm gia công xuất khẩu tại TP.HCM hiện nay, mỗi tháng đang có hàng triệu tờ khai kiểu “tạm thời” này được thực hiện.
Tương tự, bà Trần Thị Định, đại diện Công ty TNHH điện tử viễn thông Hải Đăng, phản ánh theo quy định tại Thông tư 26 của Bộ Tài chính, DN nhập khẩu các thiết bị đánh bắt xa bờ dùng cho tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên làm nghề khai thác hải sản hoặc dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản sẽ được hưởng 0% thuế. Công ty Hải Đăng đã nhập khẩu các loại máy thu vệ tinh, máy dò cá, ra đa, máy tầm ngư… phục vụ cho tàu công suất 90 CV, song không tìm thấy danh mục các loại thiết bị này được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nào nên buộc lòng phải khai chịu 10% thuế GTGT, vì… sợ bị truy thu và phạt sau này. “Chúng tôi đã “lục tung” các thông tư hướng dẫn của Bộ NN-PTNT để tìm danh mục quy định các thiết bị đánh bắt xa bờ nhưng không tìm thấy thông tin nào cả. Để chứng minh các thiết bị nhập về phục vụ cho tàu công suất trên 90 CV, chúng tôi phải dựa vào đâu để áp dụng. Và với các trường hợp chúng tôi đã khai và đóng 10% thuế GTGT rồi, sau này có được hoàn thuế không?”, bà Định bức xúc.
Nhiều quy định không tồn tại được quá 2 năm
Với trường hợp của Công ty Hải Đăng, ông Nguyễn Quốc Toản – Phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP.HCM, trả lời ngay: “Các thiết bị đã xác định phục vụ cho tàu công suất trên 90 CV đánh bắt xa bờ là miễn thuế. DN đã khai thuế GTGT 10% rồi thì hãy đến gặp tôi để làm thủ tục hoàn thuế vào ngày mai”. Và ông Toản cũng “trách” DN sao để tình trạng này kéo dài, không phản ánh lên Cục Hải quan để có ý kiến với bên quản lý thủy sản cùng phối hợp xử lý rốt ráo.
Trường hợp của Công ty dệt may Thành Công, theo ông Toản, “cái này liên quan đến tư duy của đơn vị thực thi luật, không chịu vứt bỏ cái cũ để áp dụng cái mới một cách linh hoạt”. Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cũng cho rằng, hải quan không đồng ý về việc công chức của một chi cục hải quan gọi DN lên yêu cầu làm lại định mức không đúng tinh thần thông tư mới quy định.
Với các thắc mắc về thuế, đại diện Cục Thuế TP.HCM, ông Đỗ Quốc Tuấn – Phó phòng Tuyên truyền, thừa nhận: “Nhiều thông tư được ban hành, nhưng DN chưa kịp thực hiện đã có những sửa đổi bổ sung. Thực tế, các thông tư lần lượt ra đời với mục đích tháo gỡ, giúp DN thuận lợi hơn trong khai thuế, nộp thuế. Tuy nhiên chưa có thông tư nào tồn tại được 2 năm trong giai đoạn 2013 – 2015, thời điểm nền kinh tế trong nước có nhiều thay đổi, biến động”.
“Chưa có ý kiến chỉ đạo từ trên, cứ 25% mà nộp”
Đại diện Trường cao đẳng Công nghệ thông tin TP.HCM  phản ánh, từ năm 2008 đến nay trường chuyển từ mô hình dân lập sang tư thục. Theo quy định của TP.HCM về xã hội hóa giáo dục, DN đầu tư vào lĩnh vực giáo dục được hưởng thuế thu nhập là 10%. Tuy nhiên, cuối năm 2013, thanh tra thuế cho rằng trường đóng thuế theo doanh thu là không đúng mà phải theo khấu trừ. Theo đó, từ 10% trường phải đóng 25%. “Chúng tôi biết nhiều trường hợp tương tự trường của chúng tôi sau thời gian kiến nghị, đã được Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng là áp dụng mức thuế 10%. Nghĩa là hiện chưa có một hướng dẫn chung nào cho các trường hợp tương tự nên cứ mỗi trường phải có văn bản kiến nghị lui tới năm lần bảy lượt, được Bộ Tài chính chỉ đạo, Cục Thuế mới áp mức thuế 10%, còn lại, chưa có ý kiến chỉ đạo từ trên, cứ 25% mà nộp”, ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch HĐQT nhà trường trình bày.

Nguyên Nga