28/11/2024

Thi THPT quốc gia: Có đảm bảo công bằng?

Dù chỉ vài ngày nữa hơn 1 triệu thí sinh sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia nhưng dư luận xã hội, trong đó có nhiều thí sinh, vẫn băn khoăn về mức độ công bằng của kỳ thi, đặc biệt về đề thi và cách tổ chức thi, chấm thi.

 

Thi THPT quốc gia: Có đảm bảo công bằng?

 

 

Dù chỉ vài ngày nữa hơn 1 triệu thí sinh sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia nhưng dư luận xã hội, trong đó có nhiều thí sinh, vẫn băn khoăn về mức độ công bằng của kỳ thi, đặc biệt về đề thi và cách tổ chức thi, chấm thi.

 

 

Lo lắng đề thi mới, chưa có nhiều trải nghiệm, học sinh lớp 12 Trường THPT tư thục Hồng Đức (TP.HCM) ôn tập ngày 3 ca, kéo dài đến 10 giờ tối Lo lắng đề thi mới, chưa có nhiều trải nghiệm, học sinh lớp 12 Trường THPT tư thục Hồng Đức (TP.HCM) ôn tập ngày 3 ca, kéo dài đến 10 giờ tối – Ảnh: Lam  Ngọc

Chọn 60% hay 40% ?

Theo nhiều giáo viên lớp 12, làm cách nào để có kết quả tốt nhất trong kỳ thi khi thí sinh (TS) chưa bao giờ được tiếp cận đề thi thực tế là băn khoăn chủ yếu hiện nay của học sinh (HS). Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, giáo viên Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội), cho biết trong thời gian qua từng ra nhiều đề có độ khó tương tự đề mẫu nhưng chưa em nào làm được trọn vẹn trong 180 phút. “HS cứ thắc mắc làm được 60% cơ bản mà không đủ thời gian để làm tiếp 40% phân hoá thì điểm số có ổn để xét vào ĐH không? Hoặc chúng em làm được 40% nâng cao nhưng không đủ thời gian để làm 60% cơ bản thì đến khi xét sẽ thế nào? 6 điểm thì cao hơn 4 điểm, nhưng những em làm được phần nâng cao lẽ ra xứng đáng được xét vào ĐH hơn những em chỉ làm được phần cơ bản?”, bà Nga chia sẻ.

HS Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng đặt ra vấn đề này với PGS Văn Như Cương. Ông Cương phân tích: “Số làm xong hoàn toàn sẽ rất ít. Hầu hết các em sẽ làm bài dở dang. Trong 180 phút, giả sử thí sinh A chỉ kịp làm được 60% câu dễ, thí sinh B chỉ kịp làm được 40% câu khó. Nếu xét điểm thì em A cao hơn, nhưng xét về năng lực học ĐH thì em B trội hơn hẳn em A. Tuyển sinh ĐH để đào tạo thì phải tuyển những em có năng lực. Nếu đã lấy điểm số để đo năng lực của HS thì cần phải có bộ đề thi sao cho những em như thí sinh B có thể thể hiện được khả năng tư duy của mình trên điểm số”. Về vấn đề này, nhiều sinh viên cho rằng nguyên tắc làm bài thi là dễ trước khó sau. Mục tiêu của thi để xét tuyển ĐH là đạt điểm cao chứ không phải là làm được bài khó, vì vậy TS cần cân nhắc thời gian để làm bài đạt điểm cao.

Thí sinh thành phố sẽ thiệt hơn?

Nhiều HS và giáo viên còn lo ngại sự không đồng đều về mức độ nghiêm túc ở khâu coi thi giữa các cụm thi.

Bà Mã Thị Tới, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội), cho biết HS trường này được bố trí thi ở cụm do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì. Đây là một trường ĐH uy tín không chỉ về chất lượng đào tạo mà còn nổi tiếng về sự khắt khe trong công tác sàng lọc. HS cho biết đã dự thi ở đây thì không thể nào “ngọ nguậy” nổi. “Vì thế các em lo rằng mình sẽ phải chịu sự bất công khi mà có thể các cụm thi khác, đặc biệt là những cụm thi do các trường ĐH nhỏ ở xa các TP lớn người ta coi thi “dễ” hơn. Thắc mắc của các em cũng có lý, khi mà với những môn xã hội chỉ cần coi thi lỏng một chút là TS đã có thể ngó ngoáy quay cóp được, từ đó kết quả có thể được cải thiện 1 – 2 điểm, trong khi chỉ cần chênh nhau 0,5 điểm số phận các em sẽ khác nhau lắm rồi”, bà Tới chia sẻ.

Nguyễn Thị Hiền, HS Trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm (Hà Nội), cũng bày tỏ mối lo ngại về sự thiếu công bằng cho TS ở các TP lớn. “Các bạn em đọc danh sách 38 cụm thi do 38 trường ĐH chủ trì rồi trêu nhau, chỉ những ai thật giỏi, thi điểm thật cao mới chọn vào các trường tốp trên chứ bạn nào học kha khá thì làm sao địch nổi HS các tỉnh miền núi phía bắc dự thi ở các cụm ĐH Tây Bắc, Tân Trào, Hùng Vương… Nhiều bạn còn dẫn lời họ hàng ở quê kể thi cử ở quê thế nào khiến bọn em càng hoang mang”.

Một giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho biết HS của cô tỏ ra lo lắng về năng lực chấm thi không đồng đều, khi mà hầu hết các trường ĐH chủ trì cụm thi sẽ phải sử dụng giáo viên phổ thông. “Các em nói môn toán thì không đáng lo lắm vì nhiều trường ĐH sẽ có người của mình trực tiếp chấm thi, nhưng các môn xã hội như văn, sử, địa thì rất ít trường tự chấm được. Những bạn dự thi ở TP lớn, nơi tập trung nhiều trường phổ thông nổi tiếng, có nhiều giáo viên giỏi chắc chắn các thầy cô sẽ chấm “chặt” hơn”, giáo viên này nói.

Bà Lê Thị Thu Hương, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Vinh, Nghệ An), cho biết: “HS của tôi cũng xác định có thể sẽ có sự không đồng đều về mức độ nghiêm túc giữa 38 cụm thi do ĐH chủ trì trong toàn quốc, chưa nói tới các cụm thi do địa phương chủ trì”.       

Khuyến khích các trường tìm giải pháp chọn thí sinh có năng lực

Trong một kỳ thi, việc ra một đề thi hoàn hảo để điểm số thể hiện đúng hoàn toàn năng lực của thí sinh là rất khó. Vì thế, khi tuyển sinh ĐH, để chọn được đúng những em thực sự có kiến thức, có năng lực thì không thể chỉ hoàn toàn dựa vào một kỳ thi mà cần phải kết hợp nhiều yếu tố. Chính vì vậy mà từ nhiều năm nay Bộ đã đặt vấn đề trường ĐH tự chủ trong vấn đề tuyển sinh.

Năm nay, ngoài việc dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ cũng khuyến khích các trường tổ chức tuyển sinh riêng để nâng cao chất lượng đầu vào. Một số trường ngoài việc dựa vào kết quả kỳ thi này còn phỏng vấn thêm hoặc có những bài kiểm tra riêng phù hợp với từng ngành đào tạo. Bộ rất khuyến khích các trường tìm ra giải pháp để chọn được những thí sinh có năng lực thực sự.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Quý Hiên