11/01/2025

Rối loạn tâm lý do áp lực học thi

Chuyên gia y tế nhận định câu chuyện học sinh bị stress, rối loạn tâm lý do áp lực học hành, thi cử đang có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn là vấn đề “nóng” vào mỗi mùa thi.

 

Rối loạn tâm lý do áp lực học thi

 

Chuyên gia y tế nhận định câu chuyện học sinh bị stress, rối loạn tâm lý do áp lực học hành, thi cử đang có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn là vấn đề “nóng” vào mỗi mùa thi.

 

Thí sinh vui vẻ ra về sau khi kết thúc môn thi ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Trường THCS Trương Công Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Thí sinh vui vẻ ra về sau khi kết thúc môn thi ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Trường THCS Trương Công Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: Quang Định

Vụ việc một học sinh lớp 11 trường chuyên tại Hà Nội tự tử trong khi em vốn là niềm tự hào của cha mẹ xảy ra gần đây khiến nhiều người không khỏi xót xa… Thực tế nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng lớn nhưng lại không đánh giá đúng khả năng của trẻ hoặc không quan tâm nên vô tình tạo áp lực khiến con trẻ bị rối loạn, khủng hoảng tâm lý có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Ép học, dọa dẫm

Chị N.T.H., 33 tuổi, làm nghề kinh doanh ở Thụy Khuê, Hà Nội, kể chị có con trai 15 tuổi chuẩn bị thi vào lớp 10 nhưng dạo này con chị có biểu hiện rất lạ: hay cáu gắt, khó bảo, ngại tiếp xúc… Con trai chị cũng thường than phiền rất tự ti, xấu hổ với các bạn mỗi khi vào giờ kiểm tra, chỉ cần đọc đề bài là mồ hôi toát ra, tay chân run rẩy không thể kiểm soát.

Chị H. lo ngại con trai bị khủng hoảng tâm lý vì trước đó chị liên tục ép con học, dọa nếu con không đậu vào lớp 10 sẽ cho đi xuất khẩu lao động với bố ở nước ngoài. “Sau khi bị tôi dọa, con tôi không thích nên phản ứng rất dữ dội, nói tôi ác khi bắt nó như vậy…” – chị H. kể lại.

Đưa con đi khám tâm lý, chị H. vừa ngỡ ngàng vừa hối hận khi bác sĩ cho hay con trai chị bị rối loạn tâm lý vì áp lực học hành nhưng nguyên nhân sâu xa là do chị ít quan tâm đến con.

Chị H. kể chị lấy chồng, sinh con từ rất sớm, lúc đó chưa biết gì nên mọi việc chăm sóc con trai do ông bà nội đảm nhiệm. Vài năm sau vợ chồng chị ly dị, con trai càng ít gần gũi mẹ khi chị đi bước nữa, để con cho ông bà nội nuôi.

Bé ở với ông bà nội rất nghiêm khắc, thường bắt học và kiểm soát gắt gao hoạt động vui chơi, nên khi cuối tuần hai mẹ con gặp nhau chị H. thường cho con đi chơi “thả phanh”, có lúc đến tận đêm mới về.

Tuy nhiên, khi được hỏi bạn thân của con là ai, con thích cái gì… thì chị H. không biết. Bác sĩ tâm lý cho rằng chị H. quan tâm con không đúng mực, cần tìm cách vui chơi cùng, chia sẻ với con nhiều hơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn – trưởng khoa khám bệnh H, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội – cho biết nhiều phụ huynh không doạ dẫm hay ép buộc con nhưng lại thể hiện sự kỳ vọng lớn, đưa ra các hình mẫu thành công cũng vô tình khiến con trẻ ngầm hiểu phải học giỏi, phải thành công. Từ đó khiến trẻ tạo sức ép cho bản thân, gắng sức hoàn thành mục tiêu, đến khi không thực hiện được thì trẻ suy sụp tinh thần.

Dễ suy sụp, khó vực dậy

Theo bác sĩ Tuấn, rối loạn tâm thần do thi cử có thể xảy ra trước, trong và sau kỳ thi với rất nhiều biểu hiện. Trước thi, do học hành căng thẳng trẻ có thể mất ngủ, đau đầu; trong lúc thi thì hồi hộp, tim đập nhanh, chân tay run, vã mồ hồi, lo lắng quá mức; sau khi thi có thể bị buồn chán, trầm cảm, rối loạn hành vi, ngôn ngữ…

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (thuộc Sở Y tế Hà Nội), cho biết cứ đến thời điểm vào mùa thi, số lượng học sinh, sinh viên đến thăm khám, điều trị các rối loạn về tâm thần gia tăng thấy rõ.

Trong số này nhiều nhất là các em ở độ tuổi cấp II, cấp III, đặc biệt là học sinh giỏi nhưng bị thi trượt một kỳ thi nào đó như học sinh giỏi, thi chuyển cấp. Có em đang khoẻ mạnh, học giỏi tự nhiên trở thành người ngơ ngẩn, cười nói vu vơ suốt ngày hoặc bị câm đột ngột, trầm cảm không thích tiếp xúc với ai, thậm chí chán sống, tự tử vì những áp lực không đáng có từ chuyện học hành, thi cử.

Bác sĩ Hùng khuyến cáo trẻ ở lứa tuổi học sinh có sức chịu đựng kém, dễ bị áp lực, kích động do hệ thần kinh chưa thật sự hoàn thiện; tâm sinh lý có nhiều biến động, chỉ cần một thất bại nhỏ thì khả năng suy sụp tinh thần rất lớn.

Không những vậy, chính vì tâm sinh lý còn chưa ổn định nên khi được gia đình, nhà trường đặt kỳ vọng lớn, các em sẽ xem việc thực hiện kỳ vọng đó là mục tiêu sống còn của cuộc đời mình, do đó có thể học hành quên ăn quên ngủ dẫn đến bị kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần, nên khi gặp thất bại sẽ không còn “sức” để vực dậy.

Ông Hùng chia sẻ dù chưa có nghiên cứu, khảo sát nhưng ghi nhận trên thực tế, tình hình trẻ bị áp lực học hành, thi cử dẫn đến các rối loạn tâm thần trong vài năm gần đây có xu hướng giảm hơn trước. Ngay ở thời điểm mùa thi – đỉnh của các ca rối loạn tâm lý do học thi – tuy có nhiều học sinh, sinh viên đến khám, điều trị nhưng không rầm rộ như trước đây.

“Có thể do quan niệm về việc học, thi đậu vào đại học đã cởi mở hơn, nhiều lựa chọn cho các sĩ tử hơn. Một số bạn trẻ năng động, nhanh nhạy đã tìm hướng đi mới cho cuộc đời mình chứ không nhất thiết học đại học… do đó áp lực thi cử không còn nặng nề như trước” – bác sĩ Hùng nhận định.

Trẻ chịu nhiều áp lực xã hội

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, trẻ em ngày nay chịu nhiều áp lực xã hội hơn. Một loạt dạng tâm thần mới ở trẻ xuất hiện như: nghiện game, nghiện ma tuý đá, rối loạn giới tính… do đó đòi hỏi cha mẹ, nhà trường cần quan tâm đến trẻ hơn, giám sát nhưng cũng chia sẻ để hiểu trẻ hơn.

 

QUỲNH LIÊN