10/01/2025

Ăn muối ớt… ôn thi

Học sinh ở nhiều trường ôn thi rất căng thẳng để chạy đua với thời gian trước khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra đầu tháng 7. Để thức khuya “cày”, có học sinh còn ăn cả… muối ớt.

 

Ăn muối ớt… ôn thi

 

Học sinh ở nhiều trường ôn thi rất căng thẳng để chạy đua với thời gian trước khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra đầu tháng 7. Để thức khuya “cày”, có học sinh còn ăn cả… muối ớt.
 
Học sinh lớp 12 ở ký túc xá Trường THPT An Nghĩa (H.Cần Giờ) ôn luyện trước ngày thi THPT quốc gia - Ảnh: Đăng Nguyên

Học sinh lớp 12 ở ký túc xá Trường THPT An Nghĩa (H.Cần Giờ) ôn luyện trước ngày thi THPT quốc gia – Ảnh: Đăng Nguyên

Thức đến 3 giờ sáng
Những ngày này, có mặt ở một số trường THPT dân lập, tư thục tại TP.HCM, chúng tôi cảm nhận rõ rệt không khí học tập của học sinh (HS) cuối cấp ở giai đoạn “nước rút”. Bà Cao Ngọc Sa, Hiệu trưởng Trường tiểu học, THCS, THPT Đại Việt (Q.Gò Vấp), lo lắng: “Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện kết hợp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH – CĐ. Giáo viên và HS đều chưa có dịp trải qua nên khá bỡ ngỡ, hồi hộp”. Cũng theo bà Sa, để đảm bảo kiến thức cho HS, ngoài việc tổ chức học 2 ca sáng, chiều như mọi năm, thời điểm này trường còn tăng cường ca 3 từ 18 giờ 30 – 21 giờ.
Tay cầm viết, mắt chăm chú nhìn vào một bài toán đang “bí”, Cao An, HS bán trú Trường THPT Đại Việt, chia sẻ: “Thường thì sau giờ học trên lớp em cùng mấy bạn trong lớp tổ chức học nhóm. Trong lúc học sẽ cùng làm bài tập. Mỗi người đưa ra một cách làm, sau đó thống nhất cách nào khoa học nhất để sử dụng… Mấy tháng nay em thường thức tới khoảng 3 giờ sáng học bài. Nhiều khi làm chưa hết bài tập nhưng buồn ngủ quá, em phải pha nước chanh thật chua uống chống buồn ngủ rồi học tiếp…”.
Cùng học với An, Trịnh Thị Phương Thảo tỏ vẻ mệt mỏi: “Ban ngày tụi em học trên trường là chính. Thầy giảng bài, cho bài tập cả lớp cùng làm. Buổi tối sau khi về nhà tranh thủ sinh hoạt cá nhân xong em phải ngồi ôn lại toàn bộ kiến thức học trong ngày”. Thảo nói thêm: “Ngay đầu năm lớp 10 em đã dự định thi 2 khối vào 2 trường (khối A thi vào Trường ĐH Nông Lâm, khối D thi vào Khoa Sư phạm tiểu học Trường ĐH Sư phạm). Từ khi biết Bộ gộp 2 kỳ thi và sau khi có kết quả mới nộp hồ sơ xét tuyển, em thật sự rất lo lắng. Dù đầu tư thời gian vào việc học rất nhiều nhưng em cũng chưa yên tâm. Một ngày chỉ dám ngủ vài tiếng đồng hồ. Nhiều hôm giật mình thức dậy khi đồng hồ báo thức còn chưa reo…”.
Không khí học tập tại Trường THPT tư thục Hồng Đức (Q.Tân Phú) cũng rất sôi nổi. Ở đây 100% HS học nội trú. Hàng chục lớp phân theo môn đang dồn sức ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi. Ông Hoàng Gia Thành, Hiệu phó, cho biết: “Giai đoạn học kiến thức cơ bản trên lớp đã kết thúc, hiện nay HS có lên lớp nhưng tự học là chính, giáo viên giữ vai trò hỗ trợ giám sát”. Ông Thành chia sẻ thêm: “Vì sợ ảnh hưởng tới sức khoẻ của các em, chúng tôi cấm HS thức học quá 23 giờ trong tuần cuối. Tuy nhiên, các em vẫn lén học khuya đồng thời nhiều em còn dậy từ 4 giờ sáng để học bài. Nhìn thấy học trò siêng năng như thế chúng tôi cũng không biết nên mừng hay nên lo”.
Trần Minh Ngọc, HS lớp 12A1, đọc một lèo lịch học sinh hoạt của mình trong một ngày: “6 giờ ngủ dậy vệ sinh cá nhân, học từ 7 giờ tới 11 giờ. Sau giờ nghỉ trưa, học tiếp từ 13 giờ 30 tới 17 giờ. Sinh hoạt cá nhân mất khoảng hơn 1 tiếng rồi vào học tiếp ca 3 tới 22 giờ. Trở về phòng sau 22 giờ, em dành thời gian còn lại để tự học. Để chống buồn ngủ khi học khuya em thường chạy bộ, uống trà…”. Một HS khác tiếp lời: “Ngoài uống trà, cà phê chúng em còn ăn muối ớt để qua cơn buồn ngủ”. Thấy chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên, một HS nói: “Cô có thấy ai vừa hít hà vừa ngủ không ạ? Chúng em thấy phương pháp này rất hay nên đã truyền tai nhau áp dụng và thấy rất hiệu quả…”.
Mặc dù được đánh giá là có lực học tốt nhưng HS Nguyễn Văn Hiền cũng khá căng thẳng. Hiền vạch ra lịch học cụ thể: “Sau 3 ca học trên lớp em sẽ dành 1 giờ buổi khuya để làm bài tập. Sau đó đặt đồng hồ báo thức lúc 4 giờ sáng để ôn lý thuyết và học các công thức”.
 

Học sinh lớp 12 Trường THPT tư thục Hồng Đức (Q.Tân Phú) tập trung ôn bài trước ngày thi - Ảnh: Lam NgọcHọc sinh lớp 12 Trường THPT tư thục Hồng Đức (Q.Tân Phú) tập trung ôn bài trước ngày thi – Ảnh: Lam Ngọc
Học sinh ngoại thành cũng “nước rút”
Chúng tôi có mặt tại ký túc xá của Trường THPT An Nghĩa (H.Cần Giờ) lúc khoảng 18 giờ. Tất cả HS tại đây đang ngồi tại bàn học. Thậm chí có HS còn vừa học vừa… ăn mì tôm, quyết không bỏ phí chút thời gian nào.
H.Cần Giờ có 3 trường THPT thì Trường THPT An Nghĩa là có nhiều HS ở ký túc xá nhất. Hầu hết nhà của những HS này ở xã Lý Nhơn, cách trường gần 30 km. Ký túc xá khá sạch sẽ, hiện đại, có cả căn tin. HS thường về nhà vào cuối tuần để thăm gia đình nhưng những tuần gần đây nhiều em quyết tâm “bám trụ” lại trường để ôn thi nước rút.
Lê Đức Hoàng vừa học vừa chia sẻ: “Năm nay em dự định xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Tụi em khá lo lắng về hình thức thi mới nên cố gắng học. Tuy thầy cô dặn không nên thức khuya quá 12 giờ, nhưng em và các bạn ở đây cũng thường ráng học đến 1 – 2 giờ sáng mới yên tâm ngủ được”.
Môn học mà đa số HS của trường sợ nhất là tiếng Anh vì điều kiện học tập môn này không được như các trường ở trung tâm thành phố. Nhưng vẫn có vài HS quyết tâm xét tuyển khối D1. Châu Thị Hồng Luyến cho biết năm nay dự định xét tuyển khối D1 vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nhưng việc ôn thi tiếng Anh tại trường không được nhiều, chủ yếu là tự ôn luyện. Luyến lên mạng, ôn theo một số clip bài giảng ở các trang luyện thi ĐH trực tuyến.
Đến 19 giờ 30, một nhóm HS lại mang tập vở sang trường để học thêm môn toán. Thầy Lê Văn Bình, giáo viên toán của trường, có đến 2 lớp học song song nên cứ phải chạy qua chạy lại để hướng dẫn. Trong giai đoạn nước rút này, thầy Bình ôn tập cho HS 7 ngày/tuần, bắt đầu từ 19 giờ 30 đến tận 22 giờ.
Tăng thời lượng ôn thi
Các trung tâm luyện thi đều tăng thêm thời lượng ôn thi cho HS. Ông Nguyễn Đức Quốc, Giám đốc Trung tâm luyện thi 60 An Sương, cho biết các lớp cấp tốc mọi năm chỉ ôn trong 3 tuần, năm nay phải tăng lên 4 tuần để trang bị thêm kiến thức. Trung tâm cũng thuê thêm các khách sạn gần đó để tạo điều kiện cho HS ở với giá rẻ. Tuy nhiên, các quản nhiệm ở trung tâm chỉ cho HS học trễ nhất là 22 giờ để đảm bảo sức khoẻ.

Đ.Nguyên – L.Ngọc – B.Thanh