10/01/2025

Môn hoá: điểm lý thuyết cao hơn bài toán

Đề thi môn hoá thường gồm câu hỏi lý thuyết chiếm 5,5 – 6,5 điểm và tính toán chiếm 3,5 – 4,5 điểm. Nội dung đề bám sát sách giáo khoa: lớp 10, 11 chiếm 40%, lớp 12 chiếm 60%.

Môn hoá: điểm lý thuyết cao hơn bài toán

 

Đề thi môn hoá thường gồm câu hỏi lý thuyết chiếm 5,5 – 6,5 điểm và tính toán chiếm 3,5 – 4,5 điểm. Nội dung đề bám sát sách giáo khoa: lớp 10, 11 chiếm 40%, lớp 12 chiếm 60%.

 

 

Một buổi ôn thi môn hóa của học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1, TP.HCM) chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh: Như Hùng
Một buổi ôn thi môn hóa của học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1, TP.HCM) chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia – Ảnh: Như Hùng

Những câu yêu cầu biết kiến thức (chiếm khoảng 10%), thông hiểu (chiếm khoảng 30%), vận dụng (chiếm khoảng 30%) và nâng cao kiến thức (chiếm khoảng 30%), dự đoán sẽ có 7 – 10 câu khó để phân loại học sinh.

Hiện nay câu hỏi lý thuyết thường cho cực kỳ ngắn gọn, chủ yếu gắn liền với thực tiễn thí nghiệm, ứng dụng trong đời sống (phân bón hóa học; hoá học và vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, môi trường…). Nếu theo cấu trúc đề thi năm 2014 và đề thi thử của bộ năm nay sẽ có một câu về hình vẽ thí nghiệm, học sinh nên xem lại các hình vẽ trong sách giáo khoa lớp 10, 11, 12. Ngoài ra có thể cho câu lý thuyết về nhìn bảng dữ liệu để nhận xét và phân tích tính chất.

Thí sinh phải học tốt phần lý thuyết

Lý do: phần lý thuyết có số điểm cao hơn phần bài toán, ngoài ra trong phần bài toán nếu không nắm tốt các kiến thức lý thuyết, không viết đúng các phương trình phản ứng thì cũng không giải bài toán được.

– Hệ thống hoá kiến thức bằng cách lập sơ đồ mối quan hệ giữa các chất, học kỹ các phương trình phản ứng và hiện tượng xảy ra.

– Học tính chất vật lý, trạng thái tự nhiên, ứng dụng của các chất: dự đoán sẽ có một số câu hỏi về các phần này trong khi học sinh thường bỏ qua, chỉ tập trung học tính chất hoá học.

– Cần nắm vững các lý thuyết chung: thành phần nguyên tử, cấu hình electron, định luật tuần hoàn, bảng tuần hoàn, lý thuyết về liên kết hoá học, lý thuyết về phản ứng hoá học, phản ứng oxy hoá khử, sự điện ly, thuyết cấu tạo hoá học, tốc độ phản ứng và cân bằng hoá học…

– Học kỹ các kiến thức cơ bản thường gặp trong cấu trúc đề thi: hiđrocacbon, ancol, phenol, anđehit, axit cacboxylic, este, chất béo, cacbohiđrat, amin, aminoaxit, peptit, protein, polime, các kim loại (IA, IIA, nhôm, sắt, crom) và hợp chất của chúng, các phi kim (oxy, lưu huỳnh, halogen, nitơ, photpho, cacbon, silic) và hợp chất của chúng.

– Phần lý thuyết của môn hoá trong đề thi chiếm tỉ lệ khá nhiều và câu hỏi đa dạng, nên để ghi nhớ học sinh cần soạn riêng những kiến thức tiêu biểu (phản ứng thuỷ phân; tráng gương; lưỡng tính; phân loại polime; kim loại phản ứng với nước, axit, dung dịch muối …), công thức (hiđrocacbon, ancol, phenol, anđehit, axit, este, cacbohiđrat, amin, aminoaxit, polime, nước cứng, thạch cao, phèn chua, criolit, boxit, hematit, manhetit, pirit sắt, xiđerit…), số lượng đồng phân (hiđrocacbon, ancol, anđehit, axit, este, amin, aminoaxit, peptit …), tính chất vật lý chung của kim loại (kim loại nào dẻo nhất, cứng nhất, mềm nhất; dẫn điện và dẫn nhiệt tốt nhất? …).

– Một số câu tổng hợp đòi hỏi phải hiểu và vận dụng nhiều kiến thức (ví dụ: cho dãy các chất, có bao nhiêu chất tác dụng với…? hoặc cho một số phát biểu, có bao nhiêu phát biểu đúng?). Học sinh cần phải hệ thống hoá nội dung ôn tập với các phần kiến thức có liên quan khác (ví dụ: ôn tập về oxit và hiđroxit nhôm có tính chất lưỡng tính → mở rộng cho các chất có tính lưỡng tính là: muối axit của axit yếu; muối tạo bởi bazơ yếu và axit yếu; oxit và hiđroxit của crom (III), kẽm, thiếc, chì; aminoaxit…).

Bài toán: Phải biết suy luận và tính toán nhanh

Câu hỏi về bài tập tính toán đòi hỏi học sinh phải có kiến thức về các phản ứng hoá học, biết suy luận và có kỹ năng tính toán nhanh. Dự đoán có một số câu dạng tính toán quen thuộc dễ có điểm không phải tư duy nhiều, phù hợp cho học sinh thi tốt nghiệp không xét tuyển đại học – cao đẳng.

– Học sinh cần biết các phương pháp như lập sơ đồ phản ứng; phương pháp tăng giảm khối lượng; M trung bình; các định luật bảo toàn: khối lượng, số mol nguyên tố, số mol electron trao đổi trong ứng oxy hoá khử, điện tích …

– Rèn luyện các kỹ năng giải bài tập tính toán từ cơ bản đến nâng cao, từ dễ đến khó. Nắm vững các phương pháp giải nhanh hiệu quả, phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm: đường chéo, quy hỗn hợp về công thức trung bình, nguyên tố đại diện, tăng giảm khối lượng, giải các dạng toán theo phương pháp đại số (công thức giải nhanh) hoặc thực nghiệm hoặc đồ thị… Có dạng toán tìm giá trị gần nhất để học sinh nếu không giải mà thử nghiệm (đưa đáp án thế vào đề) cũng không tìm được.

– Rèn luyện kỹ năng bấm máy tính.

– Một số dạng toán khó: peptit, nhiều kim loại phản ứng với dung dịch nhiều muối, kim loại hoặc oxit kim loại phản ứng với dung dịch (chứa H+ và NO3) tạo nhiều sản phẩm, đốt hỗn hợp nhiều chất hữu cơ, cộng hiđro… Học sinh đọc kỹ đề đối với câu toán khó xem phản ứng hoàn toàn hay không hoàn toàn, từ đó dự đoán các chất sau phản ứng.

Cách làm bài thi môn hoá

– Học sinh nên mang đồng hồ canh giờ vào phòng thi, dành mấy phút đầu đọc lướt qua đề, chọn câu lý thuyết và dạng quen làm trước để tạo tâm lý tự tin thoải mái.

– Phải đọc cả bốn đáp án vì nhiều trường hợp nhìn vào đáp án có thể giới hạn câu hỏi, dùng phương pháp loại suy giúp tìm nhanh câu trả lời.

– Nếu làm bài toán mất nhiều thời gian (khoảng năm phút) vẫn chưa tìm được hướng giải quyết nên chuyển sang câu hỏi khác, sau đó nếu còn thời gian quay lại làm tiếp, có khi phát hiện chỗ mình đã sai lầm và giải được bài toán. Ngoài ra có thể dùng phương pháp thế đáp án lên đề, chọn đáp án phù hợp với đề yêu cầu.

– Nếu gặp câu khó hoặc dạng khác lạ thì bỏ qua rồi quay lại sau. Những câu bỏ qua nên viết số thứ tự câu vào giấy nháp để tránh quên khi chưa tô đáp án.

– Khi gần hết thời gian (còn khoảng 15 phút), nếu nhiều câu chưa làm nên dừng lại. Nhìn lại những câu chưa làm, đọc đề từ trên xuống dưới, ưu tiên câu lý thuyết trước, làm câu dễ trước, câu khó chọn đại đáp án để kịp thời gian nộp bài. Nếu còn thời gian tiếp tục suy nghĩ câu khó hơn.

– Lưu ý: nếu không biết làm học sinh cần phải lựa chọn đáp án theo cảm tính, không nên bỏ trống câu trả lời.

 


THS TRẦN THỊ PHƯƠNG THẢO, (GIáO VIêN Trường THPT 
Gia Định, TP.HCM)