10/01/2025

Bài thi 3 điểm có thể xem như đạt yêu cầu cơ bản ở mức trung bình

Với 60% kiến thức cơ bản trong đề thi THPT quốc gia, để xét tốt nghiệp THPT, thí sinh được 6 điểm có thể xem như tương đương với điểm 10 của bài thi tốt nghiệp THPT các năm trước.

 Thi THPT quốc gia:

Bài thi 3 điểm có thể xem như đạt yêu cầu cơ bản ở mức trung bình

 

 

Với 60% kiến thức cơ bản trong đề thi THPT quốc gia, để xét tốt nghiệp THPT, thí sinh được 6 điểm có thể xem như tương đương với điểm 10 của bài thi tốt nghiệp THPT các năm trước. Như vậy, vì khác nhau về hệ quy chiếu, nên có thể hiểu rằng trong kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh được 3 điểm có thể xem như là đạt yêu cầu cơ bản ở mức trung bình.


Đó là thông tin mới nhất mà ông Mai Văn Trinh (ảnh), Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, đưa ra khi trao đổi với báo chí về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Đề thi có câu hỏi từ dễ đến khó

* Đề thi chính thức sẽ ra theo hướng nào và có những điều chỉnh gì so với đề minh hoạ, thưa ông?

– Sau khi thông báo đề minh hoạ, Bộ đã có một bộ phận chuyên trách tổng hợp, phân tích các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà giáo và học sinh về đề thi minh hoạ. Trong đó, có những ý kiến nhận xét một số nội dung kiến thức mà đề minh họa đưa ra còn khó… Trên cơ sở đó, chúng tôi đã cân chỉnh để làm sao đề thi chính thức bảo đảm được mục tiêu của kỳ thi. Đề minh hoạ trộn ngẫu nhiên câu hỏi dễ và khó nhưng qua góp ý thì đề thi chính thức sẽ sắp xếp các câu hỏi từ dễ đến khó để tạo thuận lợi cho thí sinh trong quá trình làm bài.

* Kỳ thi có 2 mục đích. Vậy cách ra đề và tính điểm như thế nào để thí sinh có thể biết mức độ yêu cầu tốt nghiệp THPT và phần xét tuyển sinh ĐH, CĐ?
– Năm nay kỳ thi có 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH. Nói một cách định tính thì đề thi có khoảng 60% nội dung để xét tốt nghiệp THPT, 40% phân hoá dần để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Có thể hình dung như thế này: Nếu bài thi tốt nghiệp THPT năm trước 10 điểm thì năm nay trong kỳ thi này sẽ tương đương với 6 điểm. Như vậy có thể hiểu rằng, nếu năm trước, bài thi 5 điểm là đạt tốt nghiệp THPT thì năm nay nếu các em được 3 điểm có thể xem như đạt yêu cầu cơ bản ở mức trung bình. Như vậy, theo chúng tôi là hợp lý về mặt khoa học của kỳ thi 2 mục đích và logic về mặt cấu trúc của đề thi. Ngoài điểm thi thì điểm học lực lớp 12 còn chiếm 50% trong số điểm xét tốt nghiệp THPT..
Thí sinh nhận giấy báo dự thi ở cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM chiều qua Thí sinh nhận giấy báo dự thi ở cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM chiều qua – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

* Như vậy, thí sinh thuộc diện ưu tiên thì 2,5 điểm cũng có thể đạt tốt nghiệp?
– Cũng có thể. Thi tốt nghiệp THPT 4 môn thì môn nọ “gánh” môn kia, miễn sao các em đạt điểm trung bình tốt nghiệp và không có môn nào bị điểm liệt.
* Với 40% kiến thức nâng cao trong đề thi thì có phân biệt bao nhiêu phần trăm kiến thức dùng để phân hóa học sinh vào các trường ĐH tốp trên không, thưa ông?
– Về mặt khoa học của việc ra đề thì một đề thi tốt là có tính phân hoá tốt, đáp ứng được tính đa dạng. Việc phân hoá phải đảm bảo các trường tốp trên có thể lọc ra những học sinh thực sự khá giỏi. Chứ đề thi mà “giật cục” phần câu hỏi dễ – khó thì không phải là đề thi tốt.
Chấm thi nhiều vòng
* Điều dư luận vẫn tiếp tục quan tâm là làm sao để 2 cụm thi đều phản ánh đúng chất lượng và đảm bảo công bằng, chính xác? Thậm chí có ý kiến lo ngại tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở các cụm thi do địa phương chủ trì sẽ cao hơn so với cụm thi do ĐH chủ trì?
– Đây là vấn đề đã được đặt ra không phải một lần. Năm nay, dù 2 loại cụm thi nhưng Bộ vẫn yêu cầu đưa các trường ĐH về giám sát việc tổ chức thi các cụm do địa phương chủ trì. Bên cạnh việc coi thi nghiêm túc thì một khâu nữa không kém phần quan trọng là chấm thi. Ngoài chấm 2 vòng độc lập, còn chấm kiểm tra theo tiến độ, chấm thẩm định… Giả sử hội đồng nào có điểm thi cao bất thường thì việc chấm thẩm định sẽ giúp rà soát lại quá trình coi thi, chấm thi có nghiêm túc hay không. Đến thời điểm này, công tác phối hợp giữa các địa phương và các trường ĐH đã diễn ra rất suôn sẻ. Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã họp bàn cụ thể với các trường ĐH chủ trì cụm thi trên địa bàn của mình để căn cứ vào tình hình cụ thể, đưa ra các giải pháp tổ chức thi tốt nhất với tinh thần trách nhiệm chung. Các trường ĐH đã tính toán, huy động một bộ phận giáo viên THPT và sinh viên năm cuối của chính các trường tham gia coi thi.
* Khâu chấm thi sẽ được tiến hành ra sao, thưa ông?
– Đến thời điểm này, các trường đều đã biết chính xác có bao nhiêu thí sinh dự thi, việc đăng ký môn thi thế nào để có thể tính toán được sẽ chấm bao nhiêu bài thi toán, văn… và trên cơ sở đó tính toán hiệu suất chấm thi của giáo viên, số lượng giáo viên chấm thi… ra sao để đảm bảo tiến độ. Năm nay, việc chấm thi kỳ thi THPT quốc gia sẽ khác. Mọi năm các trường ĐH phải làm việc “đơn tuyến” trong chấm thi ĐH, CĐ. Năm nay, dưới sự phối hợp của trường ĐH và sở GD-ĐT thì sẽ có sự điều động giáo viên THPT đủ phẩm chất, đủ năng lực tham gia quá trình chấm thi. Ngay sau 4 ngày thi, sẽ tập trung bắt tay ngay vào việc chấm thi để đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
* Khi giao việc chấm thi cho cả giáo viên THPT, nhiều ý kiến lo ngại rằng chất lượng giáo viên trên cả nước không đồng đều. Liệu việc chấm thi có đảm bảo tính chính xác, khách quan hay không?
– Chất lượng giáo viên của chúng ta hiện nay mặt bằng chung đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Những người được huy động chấm thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ phải là những người đạt yêu cầu về phẩm chất, năng lực và có kinh nghiệm thực tế chấm thi quốc gia. Hơn nữa, việc chấm thi có hướng dẫn chấm rất cụ thể, barem điểm rõ ràng.

 

Tuệ Nguyễn – Quý Hiên (thực hiện)