11/01/2025

Thúc đẩy hợp tác ​Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam

Ngày 22-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam lần 7 (CLMV 7), diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar).

 

Thúc đẩy hợp tác ​Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam

 

Ngày 22-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam lần 7 (CLMV 7), diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar).


 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh chung với các trưởng đoàn tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 7 (CLMV 7) tại Myanmar - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh chung với các trưởng đoàn tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam lần thứ 7 (CLMV 7) tại Myanmar – Ảnh: TTXVN

Hội nghị đã tập trung rà soát tình hình hợp tác trong hai năm qua và thảo luận phương hướng hợp tác trong giai đoạn tới. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao những kết quả đạt được trong tất cả các lĩnh vực hợp tác, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN và đóng góp tích cực cho tiến trình hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.

Hội nghị đánh giá cao chương trình học bổng hằng năm mà Việt Nam dành cho học sinh các nước Campuchia, Lào và Myanmar và đề nghị Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình này trong những năm tới.

Thúc đẩy hợp tác CLMV

Tại hội nghị, lãnh đạo bốn quốc gia tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ truyền thống, láng giềng hữu nghị và cùng có lợi giữa các nước CLMV và thúc đẩy hơn nữa hợp tác CLMV vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á. Lãnh đạo các nước cũng đã nhất trí thông qua chương trình hành động CLMV trong lĩnh vực kinh tế thương mại cho các năm tới.

Chương trình nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư thông qua các thoả thuận song phương và đa phương, phát huy tối đa tiềm năng của các hành lang kinh tế liên quốc gia như hành lang kinh tế Đông – Tây và hành lang kinh tế phía Nam.

Nhấn mạnh để khai thác tốt cơ hội này, điều quan trọng hàng đầu là nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế CLMV, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất một số ưu tiên hợp tác giữa bốn nước trong thời gian tới.

Theo đó, thứ nhất là tăng cường kết nối về chính sách và hạ tầng cơ sở. Cụ thể là sớm chuyển đổi các hành lang giao thông thành hành lang kinh tế thông qua các chính sách tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại xuyên biên giới; thực hiện nghiêm túc Hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hoá qua biên giới giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS CBTA) và các thỏa thuận song phương và đa phương liên quan.

Đẩy nhanh thực hiện cơ chế một cửa và quá cảnh hải quan ASEAN. Hoàn thiện và nhân rộng mô hình kiểm tra “một cửa một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu quốc tế trong tiểu vùng Mekong.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh và thực hiện nghiêm túc các thoả thuận, cam kết song phương và đa phương về tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Nghiên cứu xây dựng kết nối trong lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, tài chính. Phối hợp vận động đầu tư cho các công trình kết nối hạ tầng cứng.

Thứ hai là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá và hội nhập các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực hiện có.

Chủ động tăng cường các chương trình liên kết đào tạo với các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển. Thúc đẩy hợp tác về di chuyển thể nhân, bảo đảm nguồn cung nhân lực cho doanh nghiệp và các khu công nghiệp cũng như quyền lợi của người lao động.

Thứ ba là cần làm tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của các nước CLMV, những cơ hội kinh doanh mới từ các chương trình cải cách đang được thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với hợp tác CLMV và mong muốn bốn nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai thành công hơn nữa các chương trình hợp tác vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực.

Thông qua tuyên bố chung

Các nhà lãnh đạo đã thông qua tuyên bố chung của hội nghị và nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao CLMV lần 8 tại Việt Nam vào năm 2016. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đảm nhận vai trò điều phối hợp tác CLMV giai đoạn tới vừa là vinh dự, song cũng là trách nhiệm lớn đối với Việt Nam.

Đây là thời điểm quan trọng mà bốn nước cần đẩy mạnh hợp tác để nắm bắt và tận dụng các cơ hội phát triển mới, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong ASEAN.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, các bên sẽ đặt trọng tâm vào việc thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường liên kết kinh tế giữa các nước CLMV. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết Việt Nam sẽ hết sức nỗ lực để thực hiện thành công trọng trách này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua, hợp tác CLMV đã đạt kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực như kinh tế – thương mại, du lịch, hải quan, kết nối giao thông và các hành lang kinh tế.

Sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN và dịch chuyển cơ cấu của các nền kinh tế lớn trong khu vực mở ra không gian phát triển rộng lớn với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Nằm trên giao lộ kết nối giữa Đông Nam Á với các thị trường rộng lớn Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, với lực lượng lao động ở độ tuổi vàng, nguồn tài nguyên dồi dào và quy mô thị trường gần 190 triệu dân, các nước CLMV có tiềm năng lớn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và trở thành một động lực tăng trưởng mới của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Myanmar

Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam lần 7 (CLMV 7), chiều 22-6 tại thủ đô Nay Pyi Taw, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng thống Myanmar Thein Sein.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn hết sức coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Myanmar. Tổng thống Myanmar Thein Sein khẳng định coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước thời gian qua, đặc biệt là việc kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng và đạt 480,6 triệu USD năm 2014 và Việt Nam đã trở thành nước đầu tư lớn thứ 8 tại Myanmar với 33 dự án có tổng trị giá hơn 580 triệu USD. Hai bên phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều 500 triệu USD trong năm 2015.

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, thúc đẩy duy trì đoàn kết và tiếng nói chung của ASEAN trong các vấn đề an ninh quan trọng ở khu vực.

TTXVN

 

THEO TTXVN