10/01/2025

Môn toán: Đừng để thiếu sót chi tiết nào

Một số kinh nghiệm giúp thí sinh ôn tập ở nhà tốt hơn và trong khi thi có thể tự lựa chọn, tự phân hoá những câu trong đề thi toán phù hợp

 

Môn toán: Đừng để thiếu sót chi tiết nào

 

Một số kinh nghiệm giúp thí sinh ôn tập ở nhà tốt hơn và trong khi thi có thể tự lựa chọn, tự phân hoá những câu trong đề thi toán phù hợp


 

Một buổi học ôn môn toán của học sinh lớp 12A2 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh: Như Hùng
Một buổi học ôn môn toán của học sinh lớp 12A2 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia – Ảnh: Như Hùng

Đến thời điểm này, các thí sinh đã được thầy cô hoàn thiện những khối kiến thức cần thiết. Các em đang tích cực ôn tập và rà soát tất cả những gì đã học để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi cuối cùng khép lại quãng đời học sinh, quãng đời hồn nhiên, tươi đẹp nhất.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 sẽ kết hợp xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học. Tuy có hai giai đoạn như thế nhưng ở mỗi môn thi chỉ có một đề thi duy nhất, vì thế trong đề thi sẽ có sự phân hoá để phù hợp với cả hai đối tượng: hoặc chỉ tham gia thi tốt nghiệp THPT hoặc tiếp tục tham gia tuyển vào đại học.

Tôi xin được tổng hợp các ý kiến đóng góp của đồng nghiệp và đưa ra một số kinh nghiệm giúp thí sinh ôn tập ở nhà tốt hơn và trong khi thi có thể tự lựa chọn, tự phân hoá những câu trong đề thi toán một cách phù hợp:

Trong đề thi phải có sự phân hoá, nhưng theo bộ đề mẫu của bộ thì sự phân hóa đó không được phân chia một cách rõ ràng theo từng phần, các câu trong đề cũng không được sắp xếp từ dễ đến khó. Cho nên việc đầu tiên của thí sinh khi đọc một đề thi là phải nhận biết ra ngay những câu nào có thể làm được một cách dễ dàng, có lời giải ngắn gọn, những câu nào có lời giải tương đối dài hơn và cuối cùng là những câu đòi hỏi phải có một suy luận phức tạp mà thí sinh cần phải có thời gian suy nghĩ

* Các dạng toán của lớp 12: như khảo sát hàm số, hình học không gian, tích phân, số phức… thí sinh nên ôn tập thật kỹ những dạng toán này. Trong đề thi tốt nghiệp THPT hằng năm các dạng toán này thường ở mức độ cơ bản, tương tự sách giáo khoa (SGK), đây là những bài toán chỉ yêu cầu thí sinh nhận biết, thông hiểu, áp dụng. Thí sinh cần nắm vững định nghĩa, các dạng toán, phương pháp và từng bước thực hiện. Đây là những dạng toán thí sinh có thể lựa chọn đầu tiên và cần phải làm một cách thuần thục, đừng để thiếu sót chi tiết nào trong khi trình bày lời giải.

* Các câu ở mức độ vận dụng thấp: các bài toán lượng giác như chứng minh một đẳng thức, tính giá trị một biểu thức, giải phương trình lượng giác; các bài toán phương trình mũ – logarit; các bài toán xác suất, thống kê… Đối với các dạng toán này thí sinh bắt buộc phải thuộc công thức (khá nhiều), biết cách áp dụng công thức, phải dành thời gian để rèn luyện kỹ năng giải toán, ôn lại những bài toán tương tự SGK rồi sau đó tìm hiểu thêm những bài toán khó hơn tương tự các đề thi THPT tuyển sinh đại học hằng năm. Đây là những dạng toán thí sinh cần phải cân nhắc thật kỹ, nên lựa chọn những bài toán quen thuộc, nắm được cách giải và cuối cùng là hết sức cẩn thận đừng để sai sót.

* Các câu hỏi khó: giải phương trình, bất phương trình, hệ phương trình có chứa căn, mũ, logarit; các bài toán bất đẳng thức, giá trị nhỏ nhất, giá trị lớn nhất; các bài toán hình học phẳng. Đây là những bài toán khó đòi hỏi vận dụng, tư duy cao, phải có kinh nghiệm tích luỹ trong suốt quá trình học toán. Thí sinh phải nắm vững một số kỹ thuật riêng mang tính đặc thù để giải toán, thí sinh phải biết vận dụng những kiến thức từ năm học trước, phải biết tự đặt ra và tự giải quyết những bài toán phụ, thí sinh phải biết cách vẽ thêm đường phụ, hình phụ trong hình học. Thí sinh nên tham khảo các đề thi tuyển vào đại học của những năm gần đây để tổng hợp những kỹ thuật giải toán và nhờ thầy cô phân tích các đáp án để thấy được các kỹ thuật giấu ý trong một bài toán. Thí sinh chỉ quan tâm đến các bài toán khó này khi đã hoàn chỉnh các bài toán còn lại và đã kiểm tra lời giải không có sai sót.

* Một vài chú ý khác: thí sinh phải có thời gian tự rèn luyện lại những bài toán đã học; giải phương trình bậc hai, hệ phương trình bằng máy tính và ngay cả bằng phương pháp thủ công; vận dụng được định lý Viète vào giải toán; xem lại các bài toán liên quan đến tâm đường tròn ngoại tiếp, nội tiếp, bàng tiếp, tam giác cân, tam giác đều. Trong bài toán hình giải tích, thí sinh nhớ ghi đầy đủ lời giải, ví dụ: véctơ chỉ phương của đường thẳng (∆) là hay hay ; véctơ pháp tuyến của mặt phẳng () là hay …

Trên đây là những lưu ý cần thiết cho thí sinh trong giai đoạn ôn tập cuối và giúp thí sinh có thêm kinh nghiệm chọn lựa các câu để làm trong khi thi. Chúc các em nhiều sức khoẻ, tinh thần thật thoải mái để ôn tập thật tốt, bước vào kỳ thi đầy tự tin và gặt hái được nhiều “hoa thơm, quả ngọt” mà mình đã tốn 12 năm vun trồng.

 

HUỲNH KHƯƠNG ANH DŨNG (Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TP.HCM)