11/01/2025

Đối thoại Mỹ – Trung đầy mâu thuẫn

Giới quan sát dự báo Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ – Trung (S&ED) sẽ diễn ra đầy căng thẳng và quyết liệt bởi Washington và Bắc Kinh có quá nhiều bất đồng sâu sắc, từ vấn đề Biển Đông đến an ninh mạng.

 

Đối thoại Mỹ – Trung đầy mâu thuẫn

 

Giới quan sát dự báo Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ – Trung (S&ED) sẽ diễn ra đầy căng thẳng và quyết liệt bởi Washington và Bắc Kinh có quá nhiều bất đồng sâu sắc, từ vấn đề Biển Đông đến an ninh mạng. 


 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Bắc Kinh hồi tháng 5. Dự báo cuộc đàm phán giữa hai ông tại Washington sẽ diễn ra gay gắt - Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Bắc Kinh hồi tháng 5. Dự báo cuộc đàm phán giữa hai ông tại Washington sẽ diễn ra gay gắt – Ảnh: AFP

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm nay Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ tiếp đón Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó thủ tướng Uông Dương. S&ED sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 23-6 và kéo dài trong hai ngày.

Những ngày qua, Bộ Ngoại giao và truyền thông Trung Quốc liên tục nhấn mạnh về “lợi ích chung” giữa hai quốc gia và phớt lờ mọi căng thẳng, bất đồng giữa đôi bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Trung Quốc Nhật Báo cùng mô tả S&ED là “cơ hội để hai nước đạt tiến bộ trong việc xây dựng một mô hình mới về quan hệ giữa các cường quốc”.

Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận là “mô hình” này, nếu tồn tại, chứa quá nhiều rạn nứt. Trong những tháng qua, quan hệ Mỹ – Trung xấu đi trầm trọng do căng thẳng trên Biển Đông và hàng loạt bất đồng khó giải quyết khác.

Lo Trung Quốc đưa vũ khí tới đảo nhân tạo

Mới đây, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã thẳng thắn tuyên bố Washington sẽ không che giấu các bất đồng. “Chúng tôi không phớt lờ các vấn đề. Chúng tôi sẽ thảo luận và giải quyết chúng một cách trực tiếp” – ông Russel nhấn mạnh. Đầu tiên là vấn đề Biển Đông. Các quan chức Mỹ từng nhiều lần phản đối Trung Quốc lấn biển, xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông. Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã yêu cầu Bắc Kinh dừng hành vi trái phép này.

Tuần trước ông Russel cũng bày tỏ lo ngại Bắc Kinh sẽ quân sự hoá các đảo nhân tạo bất hợp pháp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết tại S&ED, Ngoại trưởng Kerry sẽ nêu bật các mối lo ngại này bởi “các hành vi của Trung Quốc chỉ khiến căng thẳng leo thang trong khi không ai muốn xung đột xảy ra”.

Vài ngày trước Bắc Kinh tuyên bố sẽ sớm hoàn tất xây đảo nhân tạo, do đó các nhà quan sát dự báo ông Kerry sẽ “truy” tới nơi về vấn đề Trung Quốc sẽ xây dựng các cơ sở quân sự gì trên những đảo này.

Tiền đề cho chuyến thăm của ông Tập

Mỹ và Trung Quốc lập cơ chế đối thoại S&ED từ năm 2009 để duy trì hợp tác song phương bất chấp các bất đồng. S&ED 2015 diễn ra ba tháng trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ.

Do đó giới quan sát dự báo các quan chức Trung Quốc sẽ tìm cách “câu giờ”, tạm hạ nhiệt căng thẳng nhằm đảm bảo chuyến đi của ông Tập diễn ra tốt đẹp. 

Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) nhận định Chính phủ Mỹ đặc biệt lo ngại nguy cơ Trung Quốc triển khai vũ khí tới các đảo nhân tạo bất hợp pháp này.

Đến nay Bắc Kinh vẫn chưa hề có phản ứng cụ thể nào với việc Bộ trưởng Carter kêu gọi nước này ngừng ngay hành vi quân sự hoá các đảo nhân tạo.

“Nguy cơ Trung Quốc đưa vũ khí tấn công tới các đảo nhân tạo sẽ gây bất ổn lớn trên Biển Đông” – bà Glaser nhấn mạnh.

Dự báo tranh cãi về Biển Đông sẽ rất nóng bỏng bởi chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc lùi bước trước phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế.

Hôm 19-6, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Trịnh Trạch Quang cứng rắn tuyên bố tại S&ED rằng các quan chức nước này “sẽ xử lý các khác biệt về tranh chấp hàng hải một cách xây dựng”, nhưng “sẽ quyết liệt bảo vệ lợi ích của Trung Quốc”.

Cáo buộc gián điệp mạng

Chuyên gia Glaser dự báo sau Biển Đông, an ninh mạng sẽ là chủ đề tranh cãi gay gắt nhất giữa Washington và Bắc Kinh. Hồi đầu tháng 6, các quan chức Mỹ cho biết một nhóm tin tặc đã xâm nhập hệ thống vi tính của chính phủ nước này, đánh cắp dữ liệu cá nhân của 4 triệu nhân viên liên bang, bao gồm các nhân viên quân sự và tình báo. Washington cáo buộc Bắc Kinh đứng sau dàn dựng vụ tấn công gây chấn động này.

Báo New York Times dẫn lời một quan chức Nhà Trắng mô tả đây là vụ gián điệp mạng “kinh điển” và có quy mô “lớn chưa từng có”. Hàng loạt nghị sĩ và chuyên gia Mỹ kêu gọi chính phủ cần phải cứng rắn với Trung Quốc về an ninh mạng.

Năm ngoái, Bắc Kinh đình chỉ một nhóm công tác song phương về an ninh mạng sau khi Washington truy tố năm sĩ quan quân sự Trung Quốc vì tội tấn công hệ thống mạng Mỹ để ăn cắp bí mật nhà nước và bản quyền sở hữu trí tuệ thương mại.

Về phương diện kinh tế, Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết Bộ trưởng Lew sẽ gây sức ép với các quan chức Trung Quốc về vấn đề chính sách tiền tệ. Mỹ vẫn đánh giá Trung Quốc dìm giá đồng nhân dân tệ để kiếm lợi thế thương mại bất công.

Trước S&ED, các doanh nghiệp Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc tiếp tục dựng những rào chắn bảo hộ dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết cải cách kinh tế.

Trợ lý ngoại trưởng Russel cũng cho biết Mỹ sẽ trao đổi một cách thẳng thắn với Trung Quốc về những bất đồng khác như vấn đề nhân quyền, bầu cử ở Hong Kong, những hạn chế Bắc Kinh đề ra đối với các tổ chức phi chính phủ và giới truyền thông…

Dù vậy, AFP dẫn lời chuyên gia David Dollar thuộc Viện Brookings nhận định các bất đồng về an ninh sẽ không cản trở Mỹ – Trung tăng cường hợp tác về kinh tế và chống biến đổi khí hậu.

HIẾU TRUNG