11/01/2025

Ai chịu trách nhiệm hơn 3.000 điều kiện kinh doanh trái luật?

Cải thiện môi trường kinh doanh đang có nguy cơ “khựng lại” trước 3.299 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trái thẩm quyền nhưng vẫn được thực hiện… Vì sao?

 

Ai chịu trách nhiệm hơn 3.000 điều kiện kinh doanh trái luật?

 

Cải thiện môi trường kinh doanh đang có nguy cơ “khựng lại” trước 3.299 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trái thẩm quyền nhưng vẫn được thực hiện… Vì sao?

 

 

Ảnh: Việt Dũng
Ảnh: Việt Dũng

Hàng loạt điều kiện kinh doanh vẫn được các bộ, ngành, UBND ban hành ở các văn bản khác như thông tư, quyết định, chỉ thị… Theo tôi, đó là những quy định ban hành trái thẩm quyền và không có hiệu lực thi hành

Ông Nguyễn Đình Cung

Chính phủ đã ban hành liên tiếp hai nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, yêu cầu giảm thời gian nộp thuế… Tuy nhiên, cải cách đang có nguy cơ “khựng lại” trước 3.299 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trái thẩm quyền nhưng vẫn được thực hiện… Vì sao?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Cung – viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), một trong các đơn vị trực tiếp tham gia soạn thảo nghị quyết này – lý giải:

– Chính phủ đã liên tiếp ban hành hai nghị quyết 19 với những mục tiêu, chỉ tiêu và yêu cầu rất cụ thể, như cải cách toàn diện các quy định về ĐKKD; năm 2015 phải giảm thời gian nộp thuế xuống còn không quá 171 giờ/năm (mức hiện tại là hơn 400 giờ/năm), giảm thời gian tiếp cận điện năng với lưới trung áp không quá 36 ngày (mức đang được Ngân hàng Thế giới đánh giá là 135 ngày); thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu còn 13 – 14 ngày (hiện là 21 ngày)…

Để đạt được các mục tiêu trên là thách thức lớn, thậm chí một số ý kiến nêu là khó khả thi nếu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không bám sát nội dung của nghị quyết, không triển khai quyết liệt đúng theo yêu cầu của nghị quyết, trong đó có bãi bỏ hàng nghìn ĐKKD không còn hợp pháp.

* Từ đâu ra con số 3.299 ĐKKD trái thẩm quyền, thưa ông?

– Để thực hiện Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và nghị quyết 19 của Chính phủ, thực hiện phân công của bộ trưởng, CIEM đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tập hợp, phân loại và rà soát các quy định về ĐKKD.

Theo kết quả sơ bộ mà chúng tôi thống kê được, trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được luật quy định, có 6.475 ĐKKD (mỗi ngành nghề có thể có nhiều ĐKKD).

Trong đó, có 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ. Đứng đầu danh sách bộ có số ĐKKD nhiều nhất là Bộ Tài chính (497 ĐKKD), tiếp theo là Bộ Công thương (488), Bộ Y tế (466), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (398), Bộ Giao thông vận tải (319)…

Trên thực tế, Luật doanh nghiệp năm 2000 (điều 6) đã quy định doanh nghiệp chỉ phải đáp ứng các ĐKKD khi nó có trong các luật, pháp lệnh, nghị định. Nhưng hàng loạt ĐKKD vẫn được các bộ, ngành, UBND ban hành ở các văn bản khác như thông tư, quyết định, chỉ thị… Theo tôi, đó là những quy định ban hành trái thẩm quyền và không có hiệu lực thi hành.

* Bộ Tư pháp là cơ quan phải thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng vẫn có những ĐKKD trái quy định như thế. Theo ông, ai chịu trách nhiệm?

– Trước thực trạng nhiều ĐKKD trái thẩm quyền như thế, Luật đầu tư 2014 đã quy định lại rất rõ: ĐKKD chỉ được quy định trong luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế. Để rõ hơn, luật “quàng” thêm một câu: các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp, các cơ quan khác… không có quyền ban hành ĐKKD, điều kiện đầu tư.

Trách nhiệm đối với việc ban hành không đúng thẩm quyền các quy định về ĐKKD trước hết thuộc về các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, quận, huyện có liên quan.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và nhất quán Hiến pháp 2013, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp 2014, lần này Bộ Kế hoạch – đầu tư tiếp tục kiến nghị Chính phủ bãi bỏ 3.299 ĐKKD không còn hợp pháp quy định trong các thông tư, quyết định của các bộ, cơ quan ngang bộ và tất cả quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh do các cấp chính quyền địa phương ban hành kể từ ngày 1-7-2016.

* Nhưng chưa cơ quan nhà nước nào chuẩn bị cho việc hàng loạt ĐKKD của họ bị bãi bỏ, dù thời điểm ngày 1-7 đã đến rất gần. Thậm chí có ý kiến nêu không thể bãi bỏ, nếu không sẽ “loạn”. Vậy theo ông sẽ xử lý thế nào?

– Việc này không chỉ bây giờ mới nói, mới thảo luận mà đã bàn đến nó chục năm nay, đặc biệt trong quá trình soạn thảo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và các nghị định hướng dẫn thi hành hai luật nói trên. Vì vậy, tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý nhà nước liên quan từ trung ương đến địa phương đã hiểu và nhận biết được các vấn đề có liên quan, kể cả thẩm quyền quản lý nhà nước của họ.

Ở đây tôi xin lưu ý là Hiến pháp 2013, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan không hạn chế thẩm quyền quản lý nhà nước của các bộ, UBND các cấp; nhưng yêu cầu họ thực hiện chức năng, nhiệm vụ đúng pháp luật, đúng thẩm quyền.

Việc một số bộ, UBND các cấp ban hành các quy định về ĐKKD và sử dụng làm công cụ quản lý nhà nước như xảy ra trong thời gian qua là không đúng pháp luật và không đúng thẩm quyền. Luật đầu tư 2014 đã khẳng định rất rõ ràng: ĐKKD, đầu tư chỉ được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế.

Có nghĩa chỉ có Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới có quyền ban hành các quy định về ĐKKD. Vì vậy, các ĐKKD do các bộ, UBND ban hành (gồm thông tư, quyết định…) là trái thẩm quyền. Mà trái thẩm quyền, trái luật thì không thể có hiệu lực được.

Theo tôi, các bộ, ngành, UBND địa phương căn cứ nhu cầu quản lý, có thể muốn giữ các ĐKKD. Tuy nhiên họ cần rà soát, sau đó kiến nghị để được soạn thảo, đưa những ĐKKD đó vào các nghị định, pháp lệnh hoặc luật.

Các ĐKKD này sẽ phải qua quá trình thẩm định, góp ý và quyết định theo quy trình của các văn bản pháp luật có giá trị cao kể trên. Nguyên tắc để ban hành ĐKKD thật ra Hiến pháp đã quy định. Cụ thể, Hiến pháp 2013 nêu ĐKKD chỉ được ban hành để đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức và sức khoẻ cộng đồng.

Nhân đây tôi cũng xin hỏi và bàn về “loạn” như ý kiến của ai đó đã nêu. Phải chăng giảm rủi ro, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp để phát triển đất nước là “loạn”; phải chăng việc buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình một cách hợp pháp, đúng thẩm quyền là “loạn”; phải chăng bãi bỏ đi các quy định không còn hợp pháp là “loạn”?

Tôi nghĩ rằng đó không phải là “loạn”, mà là thiết lập đúng trật tự và thẩm quyền quản lý nhà nước của các bộ, UBND các cấp trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

* Là cơ quan trực tiếp soạn Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp 2014, theo ông, có khả năng bãi bỏ được 3.299 ĐKKD trái thẩm quyền?

– Theo tôi, bất cứ quy định pháp luật nào ban hành trái thẩm quyền đương nhiên không có hiệu lực thi hành. Luật đầu tư 2014 đã quy định và khẳng định lại rất rõ là các quy định về ĐKKD do các bộ, UBND các cấp đương nhiên hết hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016; đồng thời luật cũng khẳng định thêm là các quy định về ĐKKD do các bộ, UBND các cấp ban hành sau ngày 1-7-2015 đương nhiên không có hiệu lực thi hành.

Vì vậy, hơn 3.000 ĐKKD không còn hợp pháp đương nhiên bị bãi bỏ và tôi nghĩ rằng không một cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền duy trì các ĐKKD được ban hành ở các thông tư, quyết định của các bộ, các nghị quyết, quyết định của UBND các cấp.

Nhiều ĐKKD trong diện phải bãi bỏ

Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng CIEM, có những ĐKKD trong thông tư nhưng vẫn đang có hiệu lực như: thông tư số 14/2014 của Bộ Công thương về ĐKKD than; thông tư 72/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc đăng ký và quản lý nghề kế toán và điều kiện đăng ký hành nghề kế toán; quyết định số 51/2011 của UBND Thừa Thiên – Huế về quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế tại địa bàn; quyết định số 25/2014 của UBND Bà Rịa – Vũng Tàu về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và dịch vụ trò chơi điện tử công cộng…

 

CẦM VĂN KÌNH thực hiện