10/01/2025

Phương Tây tiếp tục ép kinh tế Nga

Quan hệ Nga với Mỹ và Tây Âu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp tục được tung ra trong bối cảnh các chuyển động quân sự tăng nhiệt.

 

Phương Tây tiếp tục ép kinh tế Nga

 

Quan hệ Nga với Mỹ và Tây Âu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp tục được tung ra trong bối cảnh các chuyển động quân sự tăng nhiệt.


 

Tổng thống Putin tiếp Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras tại Saint Petersburg ngày 19-6. Nga có hướng hỗ trợ tài chính cho Hi Lạp như một cách “trả đũa” phương Tây - Ảnh: Reuters
Tổng thống Putin tiếp Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras tại Saint Petersburg ngày 19-6. Nga có hướng hỗ trợ tài chính cho Hi Lạp như một cách “trả đũa” phương Tây – Ảnh: Reuters

Bên lề Diễn đàn kinh tế tổ chức ở Saint Petersburg (Nga) ngày 19-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại nói về việc bảo vệ quyền lợi kinh tế quốc gia do việc hai nước Pháp và Bỉ vừa phong toả tài sản nhà nước của Nga vì tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các cổ đông thuộc Tập đoàn dầu mỏ Yukos bị phá sản.

Theo AFP, ông Tim Osborne – giám đốc điều hành Tập đoàn GML, cổ đông chính của Yukos – ngày 18-6 cho biết diễn biến trên ảnh hưởng các tài khoản của Nga tại 40 ngân hàng và tám hoặc chín toà nhà ở Pháp. Trước đó, Bỉ đã ra lệnh thu giữ các tài sản nhà nước của Nga đặt tại Bỉ do vụ trên.

Người ta giải thích với chúng tôi rằng Mỹ biết rõ hơn chúng tôi về những thứ chúng tôi cần. Xin hãy để chúng tôi tự quyết định đâu là quyền lợi của chúng tôi

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN

Nga sẽ đáp trả

Yukos là tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Nga và trên cả thế giới, hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí và hóa dầu. Sau khi người sáng lập tập đoàn này, trùm tài phiệt Mikhail Khodorkovsky, bị bắt năm 2003 vì tội rửa tiền và ăn trộm dầu mỏ, năm 2006 tập đoàn này đã bị chính quyền Nga tuyên bố phá sản và thanh lý toàn bộ tài sản. Phía phương Tây và Mỹ vẫn cho rằng nhà tài phiệt bị o ép vì là nhân vật chống đối chính 
quyền Matxcơva.

Năm ngoái, Tòa án trọng tài thường trực (PCA) trụ sở tại thành phố The Hague (Hà Lan) ra phán quyết cho rằng Chính phủ Nga đẩy Yukos vào tình trạng phá sản vì những cáo buộc thái quá về thuế trước khi bán tài sản của tập đoàn này cho các doanh nghiệp nhà nước.

PCA yêu cầu Nga bồi thường 50 tỉ USD cho các cổ đông của Yukos cũng như các cổ đông thuộc các chi nhánh của Tập đoàn Menatep trụ sở ở Gibraltar, vốn là đơn vị điều hành Yukos.

Tại Saint Petersburg, Tổng thống Putin đã nói rõ: “Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi của mình bằng đường pháp lý. Quan điểm của Nga rất rõ: chúng tôi không thừa nhận phiên toà này”. Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Thương mại Nga Vassili Nebenzia cũng tỏ ra cứng rắn: “Những ai đang tính chuyện phong toả tài sản của Nga cần biết rằng sẽ có những biện 
pháp đáp trả”.

Bộ Ngoại giao Nga trong khi đó xác nhận đại sứ quán nước này ở Bỉ và các văn phòng đại diện của Nga tại các trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ở thủ đô Brussels của Bỉ nằm trong số những đơn vị chịu tác động từ diễn biến mới.

Bộ trên cho biết đã triệu đại sứ Bỉ tại Nga đến chất vấn và thông báo Nga coi động thái này của giới chức Bỉ là hành động thù địch công khai.

Matxcơva cảnh báo sẽ trả đũa nhằm vào các tài sản của Bỉ ở Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng có các biện pháp đáp trả “tương đương” với những biện pháp mà các nước phương Tây đang và sắp tiến hành, bởi theo ông “đây là cách duy nhất mà Matxcơva phải hành động trên trường quốc tế”.

Hiện chưa xác định được giá trị các tài sản bị phong toả của Nga, nhưng Bộ trưởng Kinh tế nước này Alexei Ulyukayev thừa nhận là “lớn”.

Ông Ulyukayev tỏ ý lo ngại một số nước khác cũng áp dụng các biện pháp tương tự. Thực tế, theo AFP, ông Tim Osborne khẳng định Anh và Mỹ đang tiến hành các thủ tục pháp lý cho vụ Yukos như Bỉ và Pháp và các nước khác có thể theo chân.

Gia hạn trừng phạt

Ngày 19-6, EU đã nhất trí gia hạn thêm sáu tháng (đến cuối tháng 1-2016) các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga liên quan tới sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga hồi tháng 3-2014.

Quyết định trên được EU đưa ra chỉ vài ngày sau khi thông qua một loạt biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới vai trò của Matxcơva trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Hội đồng châu Âu (EC) cho biết liên minh 28 nước thành viên EU tiếp tục lên án việc Liên bang Nga sáp nhập Crimea và khu vực Sevastopol, đồng thời cam kết duy trì thực hiện đầy đủ chính sách không công nhận tính hợp pháp của sự kiện này.

Dự kiến thỏa thuận được các đại sứ EU nhất trí tại Brussels (Bỉ) này sẽ chính thức được thông qua trong cuộc họp của các ngoại trưởng EU ở Luxembourg ngày 22-6.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế “gia hạn” sẽ nhằm vào các ngành ngân hàng, khí đốt và quốc phòng của Nga.

Quyết định lần này của EU cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt đã được nhất trí hồi tháng 6-2014, trong đó có lệnh cấm các tàu du lịch hoạt động tại các cảng Crimea và hạn chế việc xuất khẩu các thiết bị viễn thông và vận tải ở bán đảo này.

Ngay lập tức, tại Diễn đàn kinh tế tổ chức ở Saint Petersburg, Tổng thống Putin khẳng định: “Nga đã không bị khủng hoảng” như các nước phương Tây mong đợi. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng Nga luôn sẵn lòng làm ăn với phương Tây.

 

ANH THƯ – N.QUÂN