Nhận em nuôi mùa thi
Trường THCS&THPT Hoà Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đang áp dụng một phong trào phụ đạo để kịp thời tiếp sức những học sinh có nguy cơ dừng chân ngay ngưỡng cửa kỳ thi THPT quốc gia.
Nhận em nuôi mùa thi
Trường THCS&THPT Hoà Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đang áp dụng một phong trào phụ đạo để kịp thời tiếp sức những học sinh có nguy cơ dừng chân ngay ngưỡng cửa kỳ thi THPT quốc gia.
Cô Nguyễn Đông Thảo hướng dẫn học sinh giải bài tập môn vật lý – Ảnh: Thuý Hằng |
Đó là phong trào nhận em nuôi.
Như thường lệ, cứ đến kỳ ôn thi tốt nghiệp là có gần 30 học sinh “vinh dự” được làm em nuôi của các giáo viên. Anh, chị và em nuôi đã có buổi ra mắt chính thức với nhau từ giữa tháng 5. Mỗi nhóm thường có bốn học sinh và hai giáo viên. Đến nay, họ đã cùng nhau đi qua hơn một nửa chặng đường của đợt ôn tập.
Em có tính hay quên lắm nên học bài chậm hơn các bạn. Hổm rày vô trường cho các cô dò bài, phần nào em quên thì các cô lại nhớ, rồi bắt em học tới học lui. Học vài ngày thì các cô lại ôn tập các kiến thức cũ nữa nên em không quên được. Giờ em học được hơn phân nửa rồi, cố gắng để đạt điểm khá hơn lúc thi thử |
Em NGUYỄN PHƯƠNG ANH (lớp 12/8) |
“Nuôi” em nào cũng đậu
Không tiếng trống, không lớp học, không bảng đen… nhưng cứ đúng giờ hẹn là thầy Nguyễn Quang Hưng và bốn học sinh có mặt ở băng ghế đá, ngay dưới góc cây bã đậu của trường. Là giáo viên dạy thể dục nhưng đã sáu năm nay từ ngày trường áp dụng phong trào nhận em nuôi, thầy Hưng đã nhiệt tình “làm anh” của hàng chục học sinh.
Thầy Hưng cho biết lúc mới được làm anh nuôi cũng ngại lắm vì sợ dạy môn phụ, không giúp được gì, nhiều khi lại làm các em thiệt thòi. Nhưng càng làm càng hiệu quả và trở nên “ghiền” công việc này. Thầy kể từng làm anh nuôi của một em chỉ thích tự học, không thích bị kìm kẹp. Rồi một hôm hẹn giờ trả bài nhưng chờ mãi không thấy em này. Biết học trò thích chơi game nên thầy lầm lũi đi tìm. Đến nơi gặp học trò, hỏi vì sao hẹn mà không đến, thầy Hưng nhận được câu trả lời lạnh tanh: “Tại không thích”.
“Lúc đó mình giận lắm nhưng kịp kiềm chế rồi nói với học trò: Vậy thôi em chơi game chút nữa rồi về nghỉ nhé, mai học xong thầy mời em đi uống nước. Thế là sau đó hai thầy trò có buổi nói chuyện riêng. Rồi từ đó em chịu học, hẹn giờ nào là có mặt giờ đó. Cũng may lúc đó không nóng tính” – thầy Hưng vui vẻ nói.
Công việc của thầy Hưng cũng như những anh, chị nuôi khác trong trường chính là ngồi cạnh bên “canh” các em học bài, rồi dò bài hoặc hướng dẫn các em giải bài tập. Thầy Hưng nói: “Những cái đó thì vừa sức, mình không dạy bộ môn thì chỉ dò bài, còn bài tập thì nhờ giáo viên hướng dẫn cách giải. Cái khó là tiếp xúc với các em. Nhiều khi mình chưa dạy ngày nào mà vô dò bài thì các em bỡ ngỡ nên ban đầu phải làm công tác tư tưởng nhiều lắm. Rồi trong lúc ôn tập mình phải vui vẻ với các em. Khi mệt thì cho ra ngoài chơi, hết mệt trở vô học tiếp. Chủ yếu tạo tâm lý thoải mái, chứ ép quá nhiều khi có tác dụng ngược”.
Sáu năm gắn bó với công việc chệch chuyên môn này, thầy Hưng nói về thành tích của mình cùng nụ cười vui: “Nuôi em nào cũng đậu”.
Hết lòng vì học trò
Một trong những anh, chị nuôi “có tiếng” ở Trường THCS&THPT Hoà Bình chính là cô Nguyễn Đông Thảo. Cô Thảo là giáo viên dạy môn vật lý, cũng là giáo viên chủ nhiệm của lớp 12/3. Cô Thảo cho biết đã làm công tác này năm năm rồi. Mỗi năm tích lũy một ít kinh nghiệm nên cô Thảo cho biết cũng phần nào “trị” được các cô, cậu học trò.
Trong các tuần lễ ôn tập cô gần như có mặt suốt ở trường, buổi tối không vào trường thì cũng yêu cầu học sinh về nhà tập thể để cùng nhau ôn bài. “Tan học ra cho ăn cơm, giải lao thêm chút thì mình gom các em lại vì các em hay lang thang lắm. Còn những buổi không có tiết cũng phải ở lại để “rình” xem học trò có ngoan không. Học hành thì nghiêm túc vậy đó nhưng mình cũng không gây áp lực cho các em. Thấy các em mệt thì mình đi pha nước chanh, pha sữa cho mấy đứa uống, rồi mua trái cây đãi ăn là các em hết mệt liền”.
Nếu như thầy Hưng, cô Thảo có đến 5-6 năm kinh nghiệm thì cô giáo trẻ Nguyễn Ngọc Đan Thanh chỉ mới tập tễnh vào nghề, nhưng cũng nhiệt tình giúp học trò lội ngược dòng. Cô Thanh và một giáo viên khác được giao nhiệm vụ làm chị nuôi cho bốn em và mỗi em có nhược điểm khác nhau nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận.
Gõ nhẹ tay lên mặt bàn ngay chỗ một học sinh đang nằm ườn ra, cô Thanh vui vẻ kể: “Sự cố chính là nhân vật này đây. Ngày đầu vào bạn ấy dạ, thưa rất ngọt, hứa với nhau nhiều lắm. Ai dè cả tuần sau lặn mất tăm. Mình phải dùng nhiều cách mới liên hệ được, sau đó là những cuộc nói chuyện riêng, giao kèo đủ thứ và cuối cùng mình cũng tìm ra điểm yếu của bạn ấy”.
Thầy Trịnh Văn Ngoãn, hiệu trưởng Trường THCS&THPT Hòa Bình, chia sẻ: “Ở đây còn khó khăn lắm, học sinh đi học về còn phải phụ giúp cha mẹ nên những năm trước tỉ lệ đỗ tốt nghiệp không cao. Nhận thấy những khó khăn của học trò, chúng tôi mới đề xuất phong trào nhận em nuôi để hỗ trợ vì để các em “tự bơi” sẽ rất khó theo kịp các bạn. Từ ngày áp dụng, tỉ lệ học sinh rớt tốt nghiệp ngày càng giảm và hai năm nay không còn em nào rớt nữa. Nhìn vào bảng điểm của những đứa em nuôi, thầy cô nào cũng thấy hài lòng vì các em đã đạt được mức điểm cao nhất so với sức học của mình. Mong là năm nay các em cũng làm tốt”.
Hỗ trợ tối đa học trò nghèo Thầy Trịnh Văn Ngoãn cho biết ngoài những học sinh được nhận làm em nuôi còn có 23 học sinh được chi đoàn giáo viên phân công dò bài thường xuyên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng hỗ trợ tiền ăn trưa cho 40 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày ôn tập; hỗ trợ tiền xe, tiền ăn uống và chỗ ở cho các em trong những ngày diễn ra kỳ thi. “Những năm trước thi tại trường, các anh, chị nuôi nào không đi gác thi là túc trực tại trường, đợi các em vô phòng thi hết, không bỏ lọt em nào. Thi xong thì kéo ra đi ăn, dò bài, căn dặn trong giờ nghỉ trưa. Năm nay thi ở trường khác nên phải bố trí một số giáo viên theo “hộ tống” các em mới an tâm được” – thầy Ngoãn nói. |