11/01/2025

Hành trình bắt cướp biển của Cảnh sát biển Việt Nam

Sau hơn 3 ngày truy đuổi, các chiến sĩ thuộc 2 tàu cảnh sát biển (CSB) số hiệu 2002 và 2004 – Hải đội 401 của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đóng tại thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã tóm gọn 8 nghi phạm cướp biển.

 

Hành trình bắt cướp biển của Cảnh sát biển Việt Nam

 

Sau hơn 3 ngày truy đuổi, các chiến sĩ thuộc 2 tàu cảnh sát biển (CSB) số hiệu 2002 và 2004 – Hải đội 401 của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đóng tại thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã tóm gọn 8 nghi phạm cướp biển. 


 

 

Áp giải các đối tượng về BTL Vùng CSB 4 - Ảnh: Minh Tuấn - Thanh Nghị
Áp giải các đối tượng về BTL Vùng CSB 4 – Ảnh: Minh Tuấn – Thanh Nghị

Tám người này được cho là đã thực hiện vụ cướp tàu chở xăng Orkim Harmony của Malaysia (Tuổi Trẻ ngày 18, 19-6 đã đưa tin).

Nỗ lực phối hợp giữa CSB VN và Hải quân Malaysia

Đại tá Lê Văn Minh - Tư lệnh Vùng CSB 4 - cho biết theo thông báo từ cơ quan thực thi pháp luật biển Malaysia, tàu Orkim Marmony trọng tải 7.300 tấn, chở 6.000 tấn xăng không pha chì xuất phát từ Singapore.

Đến ngày 11-6, khi cách đích đến là cảng Johor của Malaysia khoảng 30 hải lý thì bị cướp biển khống chế, lúc này trên tàu có 22 thuyền viên.

Từ ngày 14-6, Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 đã chỉ đạo các đội tàu đang làm nhiệm vụ trên biển chủ động nắm tình hình, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan thông qua trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (RECCAP).

17g ngày 17-6, lực lượng CSB VN nhận được thông tin từ trung tâm điều phối cứu nạn hàng hải và thực thi pháp luật Malaysia về hướng đi và vị trí của tàu Orkim Harmony nhiều khả năng đang đi qua vùng biển Tây Nam của VN.

Từ thông tin này, Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 đã cử biên đội 2 tàu tuần tra cao tốc 2002 và 2004 xuất phát từ căn cứ tại đảo Phú Quốc triển khai đội hình tìm kiếm mục tiêu và truy đuổi.

Thượng úy Đào Duy Thành - thuyền trưởng tàu 2002 - cho biết trong suốt thời gian truy tìm toán cướp biển, thời tiết trên biển rất xấu, tầm nhìn hạn chế. Cả 2 tàu đều chạy hết công suất máy và sử dụng tất cả các thiết bị tìm kiếm trong đêm hiện đại nhất.

Đến 18g ngày 18-6, 2 tàu 2002 và 2004 tiếp tục nhận thông tin tàu Orkim Harmony (lúc này đã được bọn cướp sơn lại mang tên Kim Harmon) đang ở cách đảo Thổ Chu 23 hải lý về phía Tây Nam.

Cả 8 nghi phạm đều quốc tịch Indonesia

8g ngày 19-6, CSB VN nhận được thông tin các nghi phạm cướp biển đã rời tàu Harmony. Trước lúc tẩu thoát bằng xuồng cứu sinh, bọn chúng đã dùng sơn đen che đi biển số gốc, thay đổi số hiệu và số IMO (số đăng ký hàng hải quốc tế) của chiếc xuồng để dễ dàng trốn thoát.

Đến 9g30 phút sáng 19-6, Đồn Biên phòng Thổ Chu phát hiện 1 xuồng cứu sinh chở 8 người di chuyển vào gần đảo và xin lánh nạn với lý do đi câu bị chìm tàu. Ngay lập tức, Bộ tư lệnh CSB 4 nhận định đây chính là xuồng của bọn cướp biển bỏ chạy nên ra lệnh cho 2 tàu 2002 và 2004 nhanh chóng tiếp cận đảo Thổ Chu.

Sau khi đấu tranh khai thác, Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 quyết định di lý 8 nghi phạm cướp biển cùng toàn bộ tang vật, xuồng cứu sinh và các tài sản khác về đảo Phú Quốc an toàn vào lúc 23g ngày 19-6. Cả 8 nghi phạm đều được chăm sóc sức khoẻ và đối xử trên tinh thần nhân đạo của pháp luật VN.

Theo Đại tá Lê Văn Minh, chiến công lần này của Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 có được do CSB VN đã tham gia tìm kiếm tích cực khi có yêu cầu từ phía Malaysia. Điều này thể hiện CSB VN rất có trách nhiệm trước tình hình cướp biển đang diễn biến phức tạp.

Đồng thời thể hiện VN tôn trọng và chấp hành nghiêm Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết.

Trước mắt, Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 xác định 8 nghi phạm cướp biển có tên: Hendry A (39 tuổi), Ruslan (61 tuổi), Kurniawan (41 tuổi), Faoji (27 tuổi), Randi Andilya (19 tuổi), Anjas (27 tuổi), Jhon Danyel Despol (38 tuổi) và Abnet (28 tuổi) đều mang quốc tịch Indonesia. Trong đó, nghi phạm Ruslan được cho là kẻ giữ vai trò cầm đầu.

Vụ việc hiện vẫn đang được Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 tiếp tục điều tra.

Tang vật thu giữ gồm nhiều loại tiền mặt của các quốc gia: Mỹ, Indonesia, Malaysia, Singapore, hơn 50 điện thoại di động hiệu Iphone 6 và Samsung, cùng rất nhiều dây chuyền vàng, trang sức, nữ trang đắt tiền khác.

*Thông tin mới nhất từ Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, khoảng 1giờ30 ngày 20-6, biên đội tàu CSB 2002, CSB 2004 thuộc Hải đội 401 - BTL Vùng CSB 4 đã cập cảng An Thới (Phú Quốc - Kiên Giang).

Lực lượng chức năng của BTL Vùng CSB 4 đã đưa toán nghi phạm về Phú Quốc để tiếp tục đấu tranh và phối hợp với Cảnh sát biển Malaysia, Trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển tại châu Á (Reecap) điều tra.

Hiện 8 nghi phạm đã bị cách ly và đang được lực lượng Cảnh sát biển lấy lời khai.

“Dù các cán bộ chiến sĩ trên tàu đều mệt mỏi do nhiều ngày quần thảo trên biển truy tìm các đối tượng trong điều kiện sóng gió hết sức phức tạp nhưng với ý chí quyết tâm cao và tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng CSB 4 đã đưa các đối tượng lên bờ an toàn về người và tang vật”, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - cho biết.

Các đối tượng đã xóa số IMO của xuồng khi chạy trốn - Ảnh: Minh Tuấn - Thanh Nghị
Các đối tượng đã xoá số IMO của xuồng khi chạy trốn – Ảnh: Minh Tuấn – Thanh Nghị
Lực lượng chức năng BTL Vùng CSB 4 đang khai thác lấy lời khai các đối tượng
Lực lượng chức năng BTL Vùng CSB 4 đang khai thác lấy lời khai các đối tượng
KHOA NAM – DUY KHÁNH – MY LĂNG – THANH TUẤN – MINH NGHỊ