28/11/2024

Dân Hy Lạp đổ xô rút tiền ngân hàng

Trước nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ và từ bỏ đồng euro, người dân nước này đã đổ xô rút tiền khỏi ngân hàng trong những ngày qua.

 

Dân Hy Lạp đổ xô rút tiền ngân hàng

 

 

Trước nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ và từ bỏ đồng euro, người dân nước này đã đổ xô rút tiền khỏi ngân hàng trong những ngày qua.

 

 

Bức tranh Cái chết của đồng euro vẽ trên một bức tường ở thủ đô Athens của Hy Lạp - Ảnh: AFP

Bức tranh Cái chết của đồng euro vẽ trên một bức tường ở thủ đô Athens của Hy Lạp – Ảnh: AFP

Theo tờ Le Figaro, chỉ trong vòng một ngày đêm từ ngày 17 đến 18.6 (giờ địa phương), người dân Hy Lạp đã rút khoảng 2 tỉ euro, tương đương 1,5% tổng số tiền gửi tại các ngân hàng nước này. Trước đó, trong hai ngày 15 và 16.6, số tiền bị rút ra là 850 triệu euro.

 
Những tuần gần đây, trung bình dân Hy Lạp rút tổng cộng 250 triệu euro/ngày. Nếu tình trạng rút tiền ồ ạt tiếp diễn sẽ dẫn đến khủng hoảng thanh khoản và làm chao đảo hệ thống ngân hàng. Tại cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế – tài chính EU (Eurogroup) hôm qua, quan chức Benoît Coeuré của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nói ông không chắc các ngân hàng Hy Lạp có thể mở cửa vào đầu tuần sau hay không.
Ngày 19.6, giới chức EU tiếp tục họp khẩn để thảo luận việc nâng mức trần của Quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho Hy Lạp. Chỉ mới 2 ngày trước đó, ECB đã phải tăng thêm 1,1 tỉ euro cho mức trần của ELA, đạt mức 84,1 tỉ euro.
Theo tờ Süddeutsche Zeitung, nhiều khả năng EU sẽ đưa ra một kế hoạch khẩn cấp để giải quyết khủng hoảng thanh khoản và tránh nguy cơ dòng vốn tại Hy Lạp chảy ồ ạt ra nước ngoài, bao gồm những biện pháp như kiểm soát chặt chẽ các dòng chảy tài chính; tạm đóng cửa các ngân hàng để thiết lập hệ thống hạn chế trao đổi tiền tệ.
Tình trạng nói trên xuất phát từ hàng loạt thất bại trong các cuộc đàm phán từ nhiều tháng qua giữa Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế. Theo tờ La Tribune, các chủ nợ kỳ vọng áp lực lên các ngân hàng trong những ngày gần đây có thể làm Athens phải lùi bước và chấp nhận áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc để được cứu trợ tài chính. Hiện Hy Lạp không có nhiều lựa chọn vì nếu không được hỗ trợ, nước này khó có khả năng thanh toán các khoản nợ 1,6 tỉ euro cho Quỹ tiền tệ quốc tế (đáo hạn ngày 30.6) và 3,5 tỉ euro cho ECB (đáo hạn vào ngày 20.7).
Giới quan sát nhận định nếu vỡ nợ, Hy Lạp sẽ lại rơi vào thời kỳ khủng hoảng đen tối như giai đoạn 2010 – 2011, đối diện nguy cơ phải từ bỏ đồng tiền chung euro và trở về với đồng drachma.
Thậm chí, Ngân hàng Trung ương Hy Lạp cảnh báo nước này có thể sẽ phải ra khỏi EU nếu vỡ nợ, theo AFP. Đây là viễn cảnh cực kỳ u ám đối với số phận đồng euro lẫn uy tín và kết cấu của EU, nhất là trong bối cảnh tại Anh vào năm 2017 sẽ diễn ra trưng cầu ý dân về việc có tiếp tục là thành viên EU hay không.
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 19.6 khẳng định vẫn tin tưởng vào khả năng đạt được thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 22.6 để tránh được “một thảm hoạ”.

Lan Chi