28/11/2024

Nhiều nơi chỉ làm cho có

Nhiều bộ, ngành vẫn chưa có kế hoạch hành động làm giảm thời gian nộp thuế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Cải thiện môi trường kinh doanh: Nhiều nơi chỉ làm cho có

Nhiều bộ, ngành vẫn chưa có kế hoạch hành động làm giảm thời gian nộp thuế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.


 

Người dân nộp hồ sơ đóng tiền thuế đất vẫn còn tốn nhiều thời gian - Ảnh: Hữu Khoa
Người dân nộp hồ sơ đóng tiền thuế đất vẫn còn tốn nhiều thời gian – Ảnh: Hữu Khoa

Chính phủ đã có hai nghị quyết trực tiếp chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Thuế… phải giảm thời gian nộp thuế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thế nhưng nhiều bộ, ngành vẫn chưa có kế hoạch hành động. Nhiều chỉ số của VN vẫn còn xa mới đạt mục tiêu.

Đó là nội dung tại hội thảo đánh giá việc thực hiện nghị quyết 19/2014 và nghị quyết 19/2015 của Chính phủ do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 18-6. Báo cáo đánh giá cho thấy nhiều địa phương đã không thực hiện nghị quyết 19 của Chính phủ.

Đã cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu

Theo bà Nguyễn Minh Thảo – phó Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM, Chính phủ đã liên tiếp có hai nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh nhưng đến nay chỉ có một vài chỉ số đạt mục tiêu. Như giảm thời gian đăng ký kinh doanh xuống còn ba ngày (mục tiêu là sáu ngày); chỉ số bảo vệ nhà đầu tư cải thiện 105 bậc, đạt chỉ tiêu. Tuy nhiên, nghiên cứu của CIEM chỉ rõ chỉ số thời gian nộp thuế giảm được 480 giờ. Số lần nộp thuế và bảo hiểm từ 32 lần/năm nay chỉ còn 22 lần.

Với cải cách của Bộ Tài chính, bà Thảo khẳng định theo tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới, VN đã cải thiện được 21 bậc, từ vị trí thứ 149 lên 122, nhưng “chưa đạt trung bình ASEAN 6 (thứ hạng 67)”. Bà Nguyễn Minh Thảo cũng cho rằng so với chỉ tiêu mà nghị quyết 19/2014 yêu cầu, ngành thuế cần giảm tiếp 35,5 giờ/năm làm thủ tục cho dân, đặc biệt ngành bảo hiểm xã hội cần giảm tới 185 giờ.

Đặc biệt, còn hai tiêu chí mà VN bị đánh giá thấp trong báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (Doing Bussiness) là thời gian giải quyết thủ tục phá sản và thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng… chưa được triển khai gì trong năm 2014. Điều đáng nói là ở nghị quyết 19/2015 đã đề ra 80 giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và yêu cầu trước ngày 30-4-2015 các bộ, ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của CIEM khẳng định đến ngày 17-6-2015, tức đã quá hạn nhưng Bộ Kế hoạch – đầu tư mới nhận được kế hoạch hành động của 11 bộ ngành, 11 UBND các địa phương. Như vậy còn tới 14 bộ ngành, 52 tỉnh thành chưa có kế hoạch hành động theo yêu cầu của Chính phủ, trong đó có các bộ quan trọng như Công an, Y tế, Nội vụ, Giáo dục – đào tạo, Khoa học – công nghệ…

Ngay cả khi có kế hoạch hành động nhưng theo bà Thảo, một số bộ, ngành khi giao nhiệm vụ lại không bám sát nghị quyết 19 của Chính phủ. Chẳng hạn, Bộ Xây dựng có kế hoạch trong năm 2015 làm 43 thông tư nhưng có thông tư không liên quan gì nhiều đến yêu cầu của nghị quyết 19 mà chỉ hướng dẫn công tác… thi đua khen thưởng. Kế hoạch hành động của Bộ Tài nguyên – môi trường lại không ghi lộ trình thời gian thực hiện. Nhiều kế hoạch không nêu rõ dự kiến kết quả đạt được…

Nhiều quy định gây khó

Ông Phạm Thanh Bình – nguyên cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan Tổng cục Hải quan, chuyên gia tư vấn dự án GIG – đánh giá trước nghị quyết 19 của Chính phủ, các cơ quan hải quan mới bắt đầu thoát khỏi sức ì.

Tuy nhiên theo ông Bình, vẫn còn hàng loạt vướng mắc. Như tờ khai hải quan hiện nay chỉ cho không quá 50 dòng trong khi doanh nghiệp nhập hàng chục mặt hàng trong một lô, nên đôi khi cần làm tới cả trăm tờ khai. “Vấn đề là đi kèm hàng trăm tờ khai hải quan là hàng trăm giấy nộp tiền” – ông Bình nói.

Đặc biệt, ông Bình cho biết vẫn “áy náy” với cách thu phí kiểm dịch vì người thì thu theo số mẫu, người thu theo trị giá hàng, người thu theo trọng lượng… không minh bạch.

Ông Bình kể có doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ, cơ quan kiểm dịch không thu theo số mẫu kiểm dịch mà thu theo lô (500 tấn một lô). Một tàu lên tới 40.000 tấn, chia ra 80 lô, phí mỗi lô 500.000 đồng. “Như vậy xuất một chuyến hàng, phí kiểm dịch tới hơn 43 triệu đồng” – ông Bình nói.

Đó là chưa kể chuyện thu phí tính theo mẫu tươi, trong khi nếu mẫu khô sẽ giảm một nửa trọng lượng, nên phí thực chất phải cỡ gấp đôi. “Phí kiểm dịch tương đương 30 tấn dăm gỗ doanh nghiệp xuất đi” – ông Bình nói.

Trong khi đó, có đơn vị thông quan 1.000 lô hàng/ngày, nếu nhân lên thì số tiền không nhỏ. Chưa hết, ông Bình thừa nhận “đi qua cửa nào cũng phải có chút gì đó”. Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng CIEM, băn khoăn “riêng phí kiểm dịch 43 triệu đồng/lô doanh nghiệp còn đâu lợi nhuận?”.

Báo cáo của CIEM cũng cho biết doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khá phi lý. Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Bộ NN&PTNT yêu cầu với thủ tục kiểm dịch thuỷ sản, doanh nghiệp phải “đăng ký kiểm dịch” với Cục Thú y tại Hà Nội trước khi ký hợp đồng với đối tác nước ngoài. Có nghĩa “khi chưa ký được hợp đồng đã phải đăng ký với thú y” – bà Thảo nói.

Ngoài ra còn có quy định rất… tốn tiền. Ví dụ Bộ Khoa học – công nghệ khi lấy mẫu cứ cắt một phần tấm thép, đồng nghĩa tấm thép thành phế phẩm, không thể xuất khẩu nữa. Trong khi đó, một tấm thép cacbon có giá khoảng 5.000 -10.000 USD! Chưa kể doanh nghiệp phải chờ khoảng hai tuần để kiểm định và phải chịu mọi chi phí lưu kho tại cảng.

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng đã có thông tư cải cách, nếu bộ trưởng xắn tay thì chỉ tháng là xong. Nhưng nhiều bộ vẫn triển khai chậm, đồng thời lại chuẩn bị ban hành rất nhiều thông tư khác, trong đó có cái trái với nguyên tắc tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm, tăng cường công nghệ thông tin…

Lấy ví dụ việc báo chí nêu Bộ Xây dựng soạn thông tư hành nghề bất động sản, ông Cung lo rằng việc cải cách theo hướng giảm hồ sơ, giảm thủ tục, giảm thời gian, chi phí… khó đạt được.

Phí xác nhận tờ khai: 200.000 đồng/tờ!

Ông Phạm Thanh Bình cho biết theo quy định của Bộ Công thương, doanh nghiệp phải chịu một loại phí hết sức vô lý là “phí xác nhận khai báo hoá chất” với mức phí lên tới… 200.000 đồng/tờ.

“Nếu mỗi năm phải làm đến 50.000 tờ khai, số tiền mà doanh nghiệp phải chịu sẽ cực lớn” – ông Bình nói, đồng thời đặt câu hỏi doanh nghiệp phải khai, sao lại phải cấp giấy xác nhận khai? Đặc biệt, ông Bình cho rằng tờ khai có thể gửi qua đường Internet, Cục Hoá chất chỉ cần gửi lại là xác nhận đã khai.

“Phí cần tương xứng chi phí bỏ ra thực hiện, chứ không phải cách tính phí làm doanh nghiệp rối loạn như hiện nay” – ông Bình nói.

 

CẦM VĂN KÌNH