11/01/2025

Sẽ cấp lại cho thí sinh

Trong những ngày đầu nhận giấy báo dự thi, nhiều thí sinh phản ảnh phiếu dự thi bị điền thiếu môn thi.

 

Giấy báo dự thi sai sót về môn thi: Sẽ cấp lại cho thí sinh

 

Trong những ngày đầu nhận giấy báo dự thi, nhiều thí sinh phản ảnh phiếu dự thi bị điền thiếu môn thi. 


 

Thí sinh và phụ huynh nhận giấy báo dự thi THPT quốc gia tại văn phòng Bộ GD-ĐT ở TP.HCM - Ảnh: N.Hùng
Thí sinh và phụ huynh nhận giấy báo dự thi THPT quốc gia tại văn phòng Bộ GD-ĐT ở TP.HCM – Ảnh: N.Hùng

Một số sở GD-ĐT cũng cho biết đã nhận được những phản hồi này từ thí sinh nhưng hiện tại các sở GD-ĐT không thể chỉnh sửa hồ sơ vì không truy cập được dữ liệu từ 
Bộ GD-ĐT.

Thí sinh đang rất hoang mang vì có thông tin cho rằng sai sót về môn thi – bất luận lỗi tại ai – thì đến thời điểm này cũng không thể chỉnh sửa được. Vậy quyết định cuối cùng của Bộ GD-ĐT là thế nào?

Ngày 17-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) – cho biết: Việc giấy báo dự thi điền thiếu môn thi mà thí sinh đăng ký dự thi trước đó có thể do lỗi từ các đơn vị tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi nhập dữ liệu của thí sinh vào cơ sở dữ liệu không chính xác.

Tuy nhiên, tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, sau khi hoàn tất đăng ký dự thi, thí sinh cũng đã được trao cho mật khẩu truy cập thông tin đăng ký dự thi trên hệ thống để kiểm tra nội dung đăng ký dự thi của mình. Dù vậy, vẫn còn có những thí sinh không kịp phát hiện nhầm lẫn, sai sót để báo với đơn vị đăng ký dự thi nhằm chỉnh sửa đúng thời hạn quy định.

 
 

 

Có thể đính chính khi làm thủ tục dự thi

Theo ông Trinh: “Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đã gia hạn một lần thời gian điều chỉnh sai sót, bổ sung hồ sơ đăng ký dự thi kéo dài đến trước ngày 27-5. Hiện tại các sở GD-ĐT không còn có quyền can thiệp thông tin để chỉnh sửa vì dữ liệu đã chuyển về các đơn vị chủ trì cụm thi để thực hiện việc bố trí phòng thi, sắp xếp số báo danh. Thực tế, việc điều chỉnh môn thi cũng sẽ khiến các đơn vị chủ trì cụm thi gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp lại số báo danh, điều chỉnh phòng thi, điểm thi.

Tuy nhiên, với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các sở GD-ĐT, các cụm thi khắc phục khó khăn để điều chỉnh các sai sót cho thí sinh. Đồng thời, bộ sẽ hướng dẫn để không xảy ra các xáo trộn trong sắp xếp phòng thi ở các cụm thi.

Như vậy, với trường hợp phát hiện phiếu báo dự thi bị nhầm lẫn về thông tin, nhất là thông tin về môn thi, thí sinh cần phản ảnh ngay với đơn vị trả phiếu báo dự thi, cũng chính là nơi đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của các em để các đơn vị này tập hợp thông tin chuyển cho sở GD-ĐT tổng hợp gửi cho các trường ĐH chủ trì cụm thi để điều chỉnh kịp 
thời cho thí sinh.

Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) vừa có hướng dẫn thống nhất đến tất cả các sở GD-ĐT trong xử lý những sai sót này. Theo đó, cục đã yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị đăng ký dự thi, các điểm tiếp nhận hồ sơ tập hợp thông tin báo sai sót của thí sinh, đối chiếu với hồ sơ gốc (phiếu đăng ký dự thi số 1) đến hết ngày 19-6, lập báo cáo theo mẫu để gửi về sở.

Từ đây, các sở GD-ĐT sẽ có trách nhiệm tập hợp báo cáo từ các đơn vị đăng ký dự thi, hoặc trực tiếp từ thí sinh, phân loại theo cụm thi (hội đồng thi) đến hết ngày 20-6 để gửi về các hội đồng chỉnh sửa thông tin đăng ký dự thi cho thí sinh.

Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các sở GD-ĐT, các cụm thi để cho phép các cụm thi sửa đổi thông tin trên hệ thống phần mềm quản lý thi THPT quốc gia, đảm bảo cho thí sinh dự thi theo đúng nguyện vọng mà các em đã đăng ký trong phiếu đăng ký dự thi.

Các em thí sinh còn có những sai sót trên giấy báo dự thi không quá lo lắng, hoang mang, khẩn trương đến điểm đăng ký dự thi để tiến hành đính chính sai sót. Thí sinh sẽ được cấp giấy báo dự thi mới sau khi chỉnh sửa thông tin môn thi đúng như các em đăng ký ban đầu.

Một số thông tin không liên quan đến môn thi, cụm thi thì các em có thể đính chính khi làm thủ tục dự thi vào ngày 30-6, các chế độ ưu tiên thì các em còn có thể bổ sung khi đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ”.

Phải phản ảnh với điểm thu nhận hồ sơ

* Ngoài sai sót có phần khó sửa về môn thi, trên một số phiếu báo dự thi cũng xuất hiện sai sót về số chứng minh nhân dân, in nhầm ảnh… Một số ý kiến cho rằng đây là hậu quả của sự phức tạp phần mềm năm nay khi ảnh không được tự dán như trước mà lại scan rồi mới in để đính vào 
phiếu báo dự thi…

– Cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước kia, để hạn chế việc thi hộ, thi kèm, các phòng thi phải có danh sách ảnh của thí sinh để đối chiếu. Trong kỳ thi THPT quốc gia, tại mỗi phòng thi sẽ có danh sách ảnh, chính vì vậy phải có file ảnh đi kèm theo dữ liệu của mỗi thí sinh, điều này còn hỗ trợ việc đối chiếu thí sinh nhập học và thí sinh dự thi sau này.

Để đảm bảo không nhầm lẫn khi quét ảnh các thí sinh, ảnh của thí sinh được đặt riêng rẽ vào trong từng túi hồ sơ. Bộ đã có hướng dẫn các bước cụ thể để các điểm thu nhận hồ sơ thực hiện nhập ảnh của thí sinh.

Phần mềm đã vận hành tốt trong quá trình đăng ký dự thi của thí sinh, trong đó có khâu nhập ảnh của thí sinh. Nếu làm đúng theo hướng dẫn sẽ rất khó xảy ra sai sót, phần mềm sẽ nhận đúng ảnh của thí sinh do cán bộ thu nhận hồ sơ nhập vào máy tính. Phần lớn các điểm nhận hồ sơ dự thi đã làm tốt việc này. Tuy nhiên, nếu còn có xảy ra sai sót về nhập ảnh, thí sinh phải phản ảnh với điểm thu nhận hồ sơ để sở GD-ĐT phối hợp với trường ĐH chủ trì cụm thi sửa chữa.

* Có ý kiến băn khoăn về phương án bố trí phòng thi của Bộ GD-ĐT khi quy chế cho phép mỗi phòng thi của kỳ thi THPT quốc gia được bố trí tối đa 40 thí sinh/phòng, nên ở một số cụm thi địa phương có hiện tượng bình thường lớp học chỉ có hai thí sinh ngồi một bàn, nay để 40 thí sinh/phòng thì có thể bố trí đến bốn thí sinh/bàn, dễ nảy sinh tiêu cực trong phòng thi…

– Quy chế thi THPT quốc gia quy định mỗi phòng thi có tối đa 40 thí sinh, đồng thời trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2m theo hàng ngang. Đây là hai nguyên tắc các hội đồng thi phải đảm bảo thực hiện đồng thời trong bố trí phòng thi, chứ không phải là chọn một trong hai, không phải chỉ đảm bảo nguyên tắc hoặc tối đa 40 thí sinh/phòng, hoặc hai thí sinh có khoảng cách chiều ngang tối thiểu 1,2m.

Ngoài tiêu chuẩn hai thí sinh ngồi cách nhau 1,2m theo chiều ngang, Bộ GD-ĐT phải đưa ra quy định mỗi phòng thi tối đa không quá 40 thí sinh vì ở các trường ĐH có huy động giảng đường làm phòng thi, nếu chỉ đảm bảo khoảng cách 1,2m thì mỗi giảng đường có thể bố trí đến 70 – 80 thí sinh, không đảm bảo chất lượng coi thi.

Riêng các trường THPT, với các phòng học tiêu chuẩn thì để đảm bảo khoảng cách 1,2m giữa hai thí sinh, mỗi phòng thi thường bố trí tối đa không quá 24 thí sinh/phòng thi, chứ không bố trí đến 40 thí sinh/phòng thi vì như vậy sẽ không bảo đảm khoảng cách giữa hai thí sinh như quy chế đã quy định.

Còn nhiều băn khoăn

Dù Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy và nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh nhưng nhiều trường tham gia hội nghị tập huấn nghiệp vụ và phần mềm xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 17-6 tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM vẫn còn nhiều băn khoăn.

Đại diện một trường ĐH cho rằng bộ khuyến khích các trường tạo điều kiện thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến nhưng hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện điều này.

“Thí sinh có quyền đăng ký xét tuyển trực tuyến hay không và nếu như thế dữ liệu nhập vào hệ thống của trường, làm sao đổ dữ liệu vào hệ thống của bộ để chạy trên phần mềm? Chúng tôi có được quyền sử dụng phần mềm do chúng tôi tự phát triển? Nếu chúng tôi được phép sử dụng phần mềm của mình thì cấu trúc dữ liệu của bộ như thế nào để chúng tôi đổ dữ liệu của chúng tôi vào hệ thống của bộ vẫn đảm bảo tính đồng bộ?”, đại diện một trường nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, nhiều trường cũng cho rằng việc đăng ký xét tuyển trực tuyến sẽ dẫn đến thí sinh ảo rất nhiều, gây khó khăn cho khâu xét tuyển của các trường.

TRẦN HUỲNH

 

NGỌC HÀ thực hiện