11/01/2025

Doanh nghiệp kinh doanh mì lát kêu trời vì thuế

Nhiều doanh nghiệp đồng loạt gửi đơn đến các cơ quan T.Ư kiến nghị về việc triển khai thực hiện tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng mì lát từ 0% lên 5%.

 

Doanh nghiệp kinh doanh mì lát kêu trời vì thuế

 

 

Nhiều doanh nghiệp đồng loạt gửi đơn đến các cơ quan T.Ư kiến nghị về việc triển khai thực hiện tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng mì lát từ 0% lên 5%.


 

Thương lái thu mua mì của nông dân H.Tây Sơn (Bình Định) Thương lái thu mua mì của nông dân H.Tây Sơn (Bình Định) – Ảnh: Hoàng Trọng

Việc tăng thuế này được thực hiện theo Thông tư số 63/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 6.5.2015, có hiệu lực từ ngày 20.6.2015. Theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế xuất khẩu mì lát, nguyên liệu chủ yếu để sản xuất cồn ethanol, là nhằm hỗ trợ, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất cồn ethanol trong nước.

Không thực tế

Hiện cả nước có khoảng 450.000 ha canh tác mì (sắn), sản lượng hằng năm khoảng 9,5 triệu tấn củ tươi. Trong đó, 4 triệu tấn củ tươi làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất tinh bột, số còn lại được chế biến thành mì khô khoảng 2,3 – 2,5 triệu tấn là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, xuất khẩu sang Trung Quốc, làm nguyên liệu cho sản xuất cồn. Năm 2014, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu được hơn 1,9 triệu tấn mì khô, giá trị kim ngạch hơn 158 triệu USD.

Theo Bộ Tài chính, hiện giá thu mua mì lát khô khoảng 4,3 triệu đồng/tấn, giá xuất khẩu trung bình trong 2 năm 2013 và 2014 là 227,5 USD/tấn, tương đương 4,86 triệu đồng/tấn. Với mức thuế 0% như hiện nay, các DN xuất khẩu mì lát lãi 567.570 đồng/tấn, nếu tăng thuế xuất khẩu từ 0% lên 5%, DN sẽ lãi khoảng 324.192 đồng/tấn.

Tuy nhiên, ông  Lê Viết Chín, Giám đốc DNTN Phú Lợi (TP.Pleku, Gia Lai), cho rằng căn cứ mà Bộ Tài chính nêu nói trên không đúng với thực tế. Bởi DN thu mua mì để xuất khẩu còn phải chi phí rất nhiều khoản, như: vay và trả tiền lãi cho ngân hàng; thuê kho để lưu trữ, bảo quản hàng một thời gian khá dài; hao hụt từ 10% đến 15% và các chi phí khác như khử trùng, giám định, các loại phí khi xuất khẩu hàng… Chỉ tính riêng việc hao hụt cũng đã mất khoảng 600.000 đồng/tấn. Nếu áp thuế xuất khẩu mì lát 5% thì DN chỉ có lỗ chứ không thể lãi 324.192 đồng/tấn.

“Chúng tôi mong Thủ tướng Chính phủ xem xét không tăng thuế xuất khẩu mì lát trong năm 2015. Kể từ năm 2016, nếu có tăng cũng chỉ nên tăng từ 0% lên 1% để giúp bà con trồng mì và các DN thu mua mì có lãi để đảm bảo đời sống tối thiểu cho nông dân trồng mì, nhất là vùng Tây nguyên”, ông Chín nói.

Nông dân gánh hết

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH TM Thành Tâm (tại TP.Quy Nhơn), với số hàng đang tồn kho 50.000 tấn của mình, nếu áp thuế 5% thì công ty bị thua lỗ 12 tỉ đồng. “Thời gian tới, các DN xuất khẩu mì lát chỉ còn cách giảm giá thu mua mì của nông dân để giảm chi phí đầu vào, tránh tình trạng thua lỗ. Giá mì trong nước vì thế mà bị ép xuống thấp, chỉ nông dân là người chịu thiệt”, bà Ngọc nói.

Theo ông Trần Vĩnh Long, nguồn mì lát xuất khẩu của VN, Thái Lan, Indonesia… chủ yếu xuất sang Trung Quốc nhưng các nước Thái Lan, Indonesia đều không đánh thuế mà còn trợ giá cho người trồng mì. Nếu VN tăng thuế lên 5% thì giá mì xuất khẩu sẽ không cạnh tranh được với các nước trong khu vực, các DN xuất khẩu mì lát có thể phải dừng hoạt động, hàng ngàn lao động thất nghiệp. Khi đó, nhu cầu mua mì lát sẽ bị giảm xuống, giá mì lát trong nước cũng xuống thấp, gây thiệt hại cho nông dân.           

Nhà nước cần xem xét kỹ

Ông Nguyễn Văn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công thương Bình Định) phân tích: “Mì lát trước đây xuất khẩu chịu thuế 0% nay lại chịu đến 5% là rất lớn. Hiện đang là cuối vụ, nhiều DN thu mua mì với số lượng hàng rất lớn nên việc bất ngờ áp dụng mức thuế mới ở thời điểm này sẽ khiến họ bị thua lỗ. Hơn nữa, cây mì cũng là loại cây xóa đói giảm nghèo, chỉ trồng ở những vùng đất đai cằn cỗi, miền núi, nơi có nông dân nghèo, khó khăn sinh sống. Nếu đánh thuế mà chỉ có nông dân nghèo chịu thiệt thì nhà nước cũng nên xem xét kỹ”.

Sau khi làm việc với các DN để nắm bắt vấn đề, Sở Công thương Bình Định cũng đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lùi thời gian áp dụng mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng mì lát.

Hoàng Trọng