10/01/2025

Thi vì ba mẹ

Mấy năm trước, khi chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, con nói với ba mẹ rằng: “Đại học không hẳn là một lựa chọn tốt đâu ạ. Bởi vì nó chỉ tốt với người này nhưng lại không hợp với người kia”.

 

Thi vì ba mẹ

 

Mấy năm trước, khi chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, con nói với ba mẹ rằng: “Đại học không hẳn là một lựa chọn tốt đâu ạ. Bởi vì nó chỉ tốt với người này nhưng lại không hợp với người kia”. 

 

 

NOPChưa để con nói hết câu, mẹ cắt ngang ngay: “Thế ba mẹ cho con ăn học 12 năm trời để làm gì nếu như không phải là vẽ con đường cho con vào đại học rồi đỗ đạt?”.

Dường như ở nhà mình học không phải để hiểu biết mà học để thi, học để đối phó. Con không hiểu vì đâu mà bao lớp học sinh cứ phải cố vào cho được đại học, cứ xếp chồng lên nhau với quan điểm “đỗ đại học mới thành công”. Con và cả em con sao có thể vui được khi mà niềm đam mê không được theo đuổi?

Con nhỏ nhẹ: “Nhưng cô giáo chủ nhiệm nói với chúng con rằng mỗi người cần phải biết tự lượng sức mình. Nếu như thấy không đủ khả năng đỗ đại học thì có thể thi vào cao đẳng, trung cấp, miễn yêu thích nghề đó là được”.

Mẹ cau mày. Chưa khi nào con thấy mẹ giận như thế. Mẹ nói như quát: “Con không thương mình thì thương lấy ba mẹ. Nếu không đỗ đại học thì đừng có nhìn mặt mẹ nữa”.

Cũng như nhiều người mẹ khác, mẹ gấp rút cho con đến các lò luyện thi “nóng như lửa” trên Hà Nội. Vậy mà sau đó con thi trượt. Năm sau con vẫn trượt. Đến năm thứ ba con đỗ vào một trường đại học. Học xong bốn năm, con cầm tấm bằng đầu quân trong một công ty về may mặc. Điều này có lẽ khiến mẹ rất sốc.

Mẹ bảo: “Mày đúng là không phải con tao”. Bốn năm ngồi mài đũng quần trên giảng đường nhưng cái kết lại là một cô công nhân chăm chỉ, tăng ca để thêm thu nhập. Với mẹ, có bằng đại học mà phải lao động phổ thông như con là một điều nhục nhã khiến ba mẹ không còn mặt mũi nào nhìn bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Nhưng tiếng “kêu cứu” của con trước khi bước chân vào giảng đường đại học có bao giờ mẹ chịu lắng nghe? Sự tuyệt vọng của con với những ngày làm sinh viên mẹ đâu có hiểu?

Không chỉ mình con, nhiều bạn khác nối đuôi nhau vào giảng đường, mù mờ về tương lai, sự định hướng của ba mẹ đôi khi lại bẻ cong ước mơ của con cái để rồi đến khi tốt nghiệp ra trường cũng chẳng biết mình sẽ đi đâu về đâu, làm gì với tấm bằng kia?

Năm nay em trai con lại thi đại học. Cũng như lần trước, ba mẹ lại “đánh phủ đầu” ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng của em, để ép em thi quản trị kinh doanh. Đối với nhiều bạn trẻ khác, họ có nỗi lo trượt đại học nhưng em trai thì khác, nhìn em miệt mài “cày cuốc” những ngày cuối cùng để bước vào kỳ thi quan trọng, tương lai với em cũng mờ mịt như con mấy năm về trước nhưng em không còn cách nào khác ngoài việc phải cố thi đỗ đại học để ba mẹ toại nguyện.

Nghĩ lại sau 12 năm chạy theo những lớp học thêm, học bồi dưỡng, theo đuổi thành tích của ba mẹ, sức ép học sinh giỏi, rồi giờ đây là sức ép đỗ đại học, thành tích em mang về dẫu nhiều nhưng không làm em vui, không làm em hạnh phúc.

Con biết điều đó bởi có lần em tâm sự: “Em sợ phải thi đại học vì ba mẹ, chị ạ”. Nhưng lúc nào mẹ cũng gạt phăng lời chị em con nói bởi trong mắt mẹ chúng con là những đứa trẻ non nớt, “vắt mũi chưa sạch”.

Ngày nào mẹ cũng nói đi nói lại là em phải đỗ vào trường đại học này, trường đại học kia mới mong thành công được. Nhưng khi không hài lòng và không được sống vừa sức mình thì thành công nào có nghĩa lý gì hả mẹ? Sao người ta cứ o ép con cái phải gắng gượng theo đuổi điều mà chúng không thích?

Em trai như đang đi vào vết xe đổ của con, giống như trồng cây mà không biết sau này sẽ thu hoạch quả gì? Còn ba mẹ chẳng khác gì người trồng cây, chăn nuôi nhưng không biết tương lai đầu ra của cây trái, vật nuôi ở đâu? Đừng đặt chúng con vào thế hên – xui nữa ba mẹ ơi…

Đam mê của con mẹ chẳng bao giờ chú trọng, để ý. Khi con muốn theo nghề thiết kế thời trang, mẹ dập tắt ngay bằng những lời mắng: “Con làm gì thì làm chứ mấy cái công việc viển vông ấy thì đừng dại lao đầu vô có ngày hối chẳng kịp con ơi”.

Khi còn là học sinh, thi thoảng con vẫn “cháy” với đam mê của mình, cũng bí mật vẽ, cắt, may. Nhưng một lần mẹ phát hiện đã nói như quát: “Dẹp ngay, đừng làm mấy trò vô bổ ấy nữa, không lo học cho đàng hoàng, trượt đại học thì đừng trách mẹ”.

Con đã chán nghe những lời nửa động viên nửa ra lệnh kiểu như “ráng mà học, mà đỗ cho mẹ, rồi muốn gì được nấy, đừng phí phạm thời gian nhé con”. Nhiều lúc con thấy học cũng chẳng biết rốt cục để làm gì bởi vì niềm đam mê thiết kế thời trang của con đã bị mẹ cấm tiệt, triệt tiêu mất rồi. Vậy thì sự định hướng tương lai kia của mẹ liệu giúp ích gì cho con?

ÁI LINH