11/01/2025

Dân Nicaragua phản đối kênh đào do Trung Quốc xây dựng

Rừng cờ xanh trắng tràn ngập những con đường ở thành phố Juigalpa của Nicaragua cuối tuần qua khi hàng ngàn người, xuống đường phản đối dự án kênh đào xuyên qua quốc gia Trung Mỹ này.

 

Dân Nicaragua phản đối kênh đào do Trung Quốc xây dựng

 

 Rừng cờ xanh trắng tràn ngập những con đường ở thành phố Juigalpa của Nicaragua cuối tuần qua khi hàng ngàn người, xuống đường phản đối dự án kênh đào xuyên qua quốc gia Trung Mỹ này.

 

 

Biểu tình chống đào kênh mới ở thành phố Juigalpa, hôm 13-6 - Ảnh: Reuters
Biểu tình chống đào kênh mới ở thành phố Juigalpa, hôm 13-6 – Ảnh: Reuters
Không ai muốn con kênh này vì nó không có ý nghĩa với chúng tôi. Nó chỉ có lợi cho nhà đầu tư
Lời một nông dân tên Luis Blandón Pineda

Theo tờ Costa Rica Star, khoảng 15.000 người trên khắp cả nước đổ về Juigalpa phản đối dự án xây dựng kênh đào Nicaragua khiến họ mất đất và gây ảnh hưởng đến môi trường.

Các nông dân cho biết đạo luật liên quan đến dự án buộc người dân dọc dự án phải bán đất cho nhà thầu Trung Quốc theo giá mà công ty này đề nghị. Chỉ có một số xô xát nhỏ với cảnh sát khiến một người bị thương do cảnh sát hầu như không can thiệp.

Bán đất cho Trung Quốc

Đây đã là lần thứ 47 người dân Nicaragua xuống đường phản đối dự án kênh đào nhưng những tiếng nói phản đối ngày càng mạnh mẽ hơn. Tờ Tico Timesmô tả những người biểu tình vẫy cờ, hô khẩu hiệu cáo buộc Tổng thống Daniel Ortega bán nước và đòi hủy bỏ dự án.

“Trước hết, chúng ta phải bảo vệ chủ quyền của Nicaragua, thứ hai là đất của nông dân và thứ ba là hồ Nicaragua thuộc về tất cả chúng ta” – nông dân tên Raúl Oporta, đến từ khu vực Nueva Guinea, nhấn mạnh.

Dự án kênh đào Nicaragua trị giá 50 tỉ USD do Tập đoàn Hong Kong Nicaragua Development (HKND) là nhà thầu chính với nguồn tín dụng chủ yếu từ Trung Quốc. Dự án được khởi công từ cuối năm ngoái nhưng việc thi công sẽ bắt đầu từ năm sau và dự kiến hoàn tất vào năm 2019.

Có độ dài 280km, dự kiến sẽ sâu và dài hơn con kênh đào Panama huyền thoại, con kênh sẽ chia Nicaragua làm hai và nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Một phần ba con kênh đi qua hồ Nicaragua và dự án mới sẽ nạo vét lòng hồ, các khu đầm lầy, rừng rậm đủ sâu để các con tàu chở hàng lớn có thể đi qua.

Môi trường và người dân trả giá

Siêu dự án này cũng bao gồm hai cảng mới, một sân bay và một đập thủy điện. Theo Wall Street Journal, Tập đoàn HKND cho biết cần hơn 1.660km2 đất đai để xây dựng các con đường, cảng, các khu thương mại tự do, du lịch…

Các nhà hoạt động cáo buộc dự án sẽ khiến người dân tại 40 ngôi làng bị mất đất và ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 120.000 người.

Tại thủ đô Managua, nhà thầu HKND đã tổ chức họp báo để làm rõ “một số hiểu lầm” và khẳng định dự án sẽ giúp bảo vệ rừng và không làm ô nhiễm hồ Nicaragua. Công ty này khẳng định chỉ có khoảng 300 gia đình phải tái định cư và khoảng 7.000 gia đình bị ảnh hưởng.

Chính quyền Nicaragua khẳng định dự án kênh đào mới sẽ giúp tạo ra hơn 50.000 việc làm và giúp nước này thúc đẩy kinh tế. Chính quyền nước này đã cho HKND quyền khai thác con kênh trong 50 năm. Tuy nhiên người dân không tin vào lời cam kết của chính phủ.

“Không ai muốn con kênh này vì nó không có ý nghĩa với chúng tôi. Nó chỉ có lợi cho nhà đầu tư” – một nông dân tên Luis Blandón Pineda nói.

Các nhóm môi trường và xã hội cáo buộc chính quyền đã gây áp lực bằng cách quân sự hoá khu vực dọc dự án xây kênh đào và buộc truyền thông đưa tin tích cực về dự án. Hồi đầu năm, Mỹ đã chỉ trích về sự mơ hồ và thiếu thông tin của dự án kênh đào.

Hai tháng sau đó, tháng 3-2015, các chuyên gia thuộc 18 viện nghiên cứu khắp châu Mỹ đã bày tỏ quan ngại về việc dự án có thể huỷ hoại hệ thống sinh thái của hồ Nicaragua, vốn là nguồn nước ngọt chính của khu vực Trung Mỹ.

Quốc gia láng giềng Costa Rica tuần trước tiếp tục lên tiếng đòi Nicaragua cung cấp thông tin về ảnh hưởng của dự án lên môi trường.

Ngày 6-8 khánh thành kênh đào Suez mới

Theo Reuters, ông Mohab Mameesh, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Ban quản lý kênh đào Suez của Ai Cập, vừa thông báo kênh đào Suez mới sẽ hoạt động vào ngày 6-8: “Ngay khi Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi phát lệnh khánh thành kênh đào thì tàu thuyền có thể đi lại qua đây được ngay”.

Kênh đào Suez mới có tổng chiều dài 72km, song song với tuyến kênh hiện tại, có phí đầu tư đến 8 tỉ USD. Theo tính toán ban đầu, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, kênh đào mới sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của tàu bè từ 11 giờ còn 3 giờ, nhờ đó tăng gấp bốn lần lưu lượng vận chuyển tàu container.

Dự án kênh đào Suez mới là một trong các công trình trọng điểm quốc gia được chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi tập trung triển khai nhằm vực dậy nền kinh tế quốc gia sau nhiều năm bất ổn chính trị.

Vào ngày 18-10-2014, Chính phủ Ai Cập đã ký hợp đồng đào kênh Suez mới với sáu doanh nghiệp quốc tế gồm: Công ty Nạo vét đường biển quốc gia của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Công ty Royal Boskalis Westminster, Công ty Van Oord của Hà Lan, Tập đoàn Jan de Nul, Tập đoàn Deme của Bỉ và Công ty Great Lakes Dredge & Dock của Mỹ.

Theo ban quản lý, các doanh nghiệp này tham gia đào kênh tại năm khu vực, trong khi khu vực còn lại sẽ do các công ty của Ai Cập đảm nhận.

Ai Cập kỳ vọng nâng doanh thu từ kênh Suez lên 13,5 tỉ USD vào năm 2023. Bên cạnh việc mở rộng cảng Suez và hệ thống cơ sở vận chuyển hàng hoá, dự án còn hướng tới việc nâng cao vị thế quốc tế của Ai Cập trong vai trò là trung tâm công nghiệp và hậu cần lớn của thế giới, thông qua việc phát triển khu vực hành lang có tổng diện tích hơn 76.000km2 nằm dọc tuyến đường thuỷ chiến lược này.

TÚ ANH

 

TRẦN PHƯƠNG