Chạy đua với thời gian
Chỉ còn nửa tháng để chuẩn bị kiến thức, sức khoẻ và tinh thần cho kỳ thi THPT quốc gia, vì vậy không khí ôn tập ở các trường tư thục nội trú tại TP.HCM luôn trong tư thế “chạy đua với thời gian”.
Chạy đua với thời gian
Chỉ còn nửa tháng để chuẩn bị kiến thức, sức khoẻ và tinh thần cho kỳ thi THPT quốc gia, vì vậy không khí ôn tập ở các trường tư thục nội trú tại TP.HCM luôn trong tư thế “chạy đua với thời gian”.
Một học sinh nữ sau khi kết thúc ngày ôn thi đã ghi lên bảng số ngày còn lại để đếm ngược tới kỳ thi (ảnh chụp tối 10-6 tại Trường THPT Trí Đức, Q.Tân Phú, TP.HCM) |
Sữa, bánh, yến, thức ăn, thuốc bổ… được phụ huynh gửi vào trường liên tục để con bồi bổ sức khoẻ suốt thời gian ôn thi.
Giáo viên chủ nhiệm, quản nhiệm, giám thị, cấp dưỡng, tạp vụ… được huy động tối đa để phục vụ việc ôn tập, sinh hoạt suốt từ cuối tháng 5 đến tận ngày thi.
Đến thời điểm này, các hoạt động học tập của HS trường tư đã chuyển sang giai đoạn trò tự học, giải đề, thi thử và thầy cô chỉ hướng dẫn, hỗ trợ thêm khi cần.
HS bán trú ở các trường này được chuyển sang dạng “bán nội trú”: ăn tối, học bài buổi tối tại trường, cha mẹ đón về lúc 22g thay vì 17g như trước.
Thời gian biểu của các trường khá giống nhau. HS thức dậy vào 5g30 sáng, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, và tiết học đầu tiên bắt đầu từ 6g30 (gọi là tiết 0, sau đó là tiết 1 lúc 7g15). Suốt một ngày HS ôn tập trên lớp khoảng 9 – 10 tiết học, trong đó chủ yếu làm các dạng đề trong thời gian nhất định để luyện kỹ năng làm bài khi có áp lực thời gian. Đến 18g30, “ca ba” của một ngày học bắt đầu và kéo dài 2 – 3 tiết. Sau đó HS được giải lao, ăn khuya và đi ngủ.
Cô Lý Thục Trang, hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (Tân Phú), cho biết: “Để đảm bảo sức khoẻ HS, nhà trường không khuyến khích các em học bài tới nửa đêm. Cả ngày các em ôn tập đã quá nhiều nên không em nào được mang sách vở vào phòng nội trú, đến khoảng 22g30 các em phải ngưng học và về phòng để nghỉ. Số cán bộ công nhân viên túc trực tại trường trong tháng cao điểm này lên đến gần 80 người. Ban giám hiệu cũng phải động viên học trò thường xuyên rằng các em cố gắng giữ sức khoẻ và dồn sức ôn tập trong một tháng này để có được kết quả như mong đợi”.
Tương tự, ở nhiều trường tư thục khác như Hồng Đức, Ngô Thời Nhiệm, Trí Đức… lịch học buổi tối kéo dài đến 22 – 23g để đảm bảo HS ngủ đủ giấc và tỉnh táo trong buổi học ngày hôm sau diễn ra khá sớm.
Một hiệu trưởng xin giấu tên nói: “Thương tụi nhỏ lắm vì mỗi ngày học mười mấy tiết học, nói là gà công nghiệp cũng không sai, nhiều em thiếu ngủ cứ ngáp và nhìn lờ đờ rất tội. Ngày nào cũng ăn rồi học, học rồi ngủ, thức dậy lại ăn, học. Nhưng thời gian không còn nhiều, nếu không chạy đua lúc này thì rất uổng cho ba năm miệt mài học hành, nhất là kỳ thi này lại mang tính quyết định rất cao chứ không phải chia hai giai đoạn như trước. Biết là vất vả cho các em nên thầy cô phải tìm cách động viên, khích lệ học trò vượt qua thời điểm khắc nghiệt này”.
Trên trang báo này là những hình ảnh do phóng viên Quang Định ghi quá trình ôn thi của các em ở một số trường.
Tiết ôn tập của học sinh Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, Q.9, TP.HCM chiều 11-6 |
Học sinh Trường THPT Thành Nhân, Q.Tân Phú, TP.HCM ăn khuya sau giờ ôn tập buổi tối lúc 22g15 ngày 10-6 |
Một học sinh nữ Trường THPT Trí Đức, Q.Tân Phú, TP.HCM chăm chú ôn thi lúc 21g20 tối 10-6 |
Phụ huynh đón con sau giờ ôn thi buổi tối tại Trường THPT Thành Nhân, Q.Tân Phú, TP.HCM lúc 22g05 tối 10-6 |
Nhật ký học tập của một học sinh Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, Q.9, TP.HCM đánh dấu hết một ngày ôn thi và đếm ngược đến kỳ thi (ảnh chụp tối 11-6) |
Một học sinh Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, Q.9, TP.HCM tranh thủ chợp mắt trong lúc nghỉ giải lao của giờ ôn tập buổi tối (ảnh chụp lúc 20g14 tối 11-6) |