28/11/2024

TPP mắc kẹt ở Hạ viện Mỹ

Tương lai của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trở nên mờ mịt, sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu cản trở việc trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Barack Obama.

 

TPP mắc kẹt ở Hạ viện Mỹ

 

Tương lai của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trở nên mờ mịt, sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu cản trở việc trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Barack Obama.

 

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến đồi Capitol vận động các nghị sĩ Dân chủ nhưng bất thành - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến đồi Capitol vận động các nghị sĩ Dân chủ nhưng bất thành – Ảnh: Reuters

Sáng 12-6 (giờ Mỹ), Tổng thống Obama và Bộ trưởng Lao động Thomas Perez đã đến đồi Capitol vận động các nghị sĩ Đảng Dân chủ bỏ phiếu thông qua việc trao quyền xúc tiến thương mại (TPA), hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh, cho chính phủ. Phải có TPA thì Washington mới có thể hoàn tất đàm phán TPP với 11 quốc gia Thái Bình Dương, bao gồm Úc, Nhật và Việt Nam. Tuy nhiên, nỗ lực của ông Obama đã công cốc.

Điều trớ trêu là Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua TPA cho ông Obama với tỉ lệ 
219 – 211, nhưng không thể chuyển gói Hỗ trợ điều chỉnh thương mại (TAA) từ đồi Capitol tới Nhà Trắng. Bởi hàng loạt hạ nghị sĩ Dân chủ đã phản pháo tổng thống của đảng mình khi bỏ phiếu phản đối chương trình TAA hỗ trợ công nhân bị mất công ăn việc làm vì thương mại quốc tế. Phương án “luồn lách” của các lãnh đạo Đảng Cộng hoà tại Hạ viện đã thất bại thảm hại.

Đảng Dân chủ đã bắt giữ chính con đẻ của mình làm con tin. Chắc chắn cuộc bỏ phiếu này làm tổn thương Tổng thống Obama, nhưng 
còn làm nước Mỹ tổn thương nhiều hơn

Hạ nghị sĩ Cộng hoà Charlie Dent

Chịu áp lực từ công đoàn

Gói dự luật thương mại được Thượng viện thông qua trước đó bao gồm hai phần là chương trình TAA và TPA. Do lo ngại sự phản đối của các nghị sĩ Dân chủ đối với TPP, các lãnh đạo Đảng Cộng hoà tại Hạ viện quyết định tổ chức từng cuộc bỏ phiếu riêng cho mỗi phần, thay vì chỉ một lần bỏ phiếu như ở Thượng viện. Theo báo Wall Street Journal, trước đó Đảng Cộng hoà và ông Obama đã vận động đủ sự ủng hộ để thông qua TPA.

Còn chương trình hỗ trợ công nhân TAA là sản phẩm do Đảng Dân chủ tạo ra từ nhiều năm qua, do đó phía Cộng hòa hi vọng nó cũng sẽ được thông qua thuận lợi. Tuy nhiên, các hạ nghị sĩ Dân chủ quyết chống đối TPP đã quyết định bỏ phiếu phản đối TAA.

“Đáng buồn là việc chống lại chương trình này là cách duy nhất để chúng tôi làm chậm lại đàm phán nhanh” – hạ nghị sĩ Dân chủ Nancy Pelosi tuyên bố. Bà là lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện và từng là một đồng minh thân cận của ông Obama.

Tổng cộng 144 hạ nghị sĩ Dân chủ đã bỏ phiếu chống lại chương trình TAA và nó bị đánh bại với tỉ lệ phiếu 126 – 302 (Đảng Cộng hoà có truyền thống chống lại chương trình này, nhưng cũng có tới 86 nghị sĩ Cộng hoà bỏ phiếu ủng hộ).

Vì vậy, dù TPA đã được Hạ viện thông qua nhưng ông Obama vẫn không thể sử dụng quyền đàm phán nhanh. Bởi TPA và chương trình hỗ trợ công nhân nằm trong một gói dự luật thương mại chung. Chỉ cần một trong hai bị bác bỏ là cả gói dự luật bị mắc kẹt ở Hạ viện.

Một nghị sĩ Dân chủ giấu tên cho biết các công đoàn ủng hộ Đảng Dân chủ đã đe doạ sẽ trả đũa bất kỳ nghị sĩ Dân chủ nào ủng hộ TPA.

Cuộc chiến tuần tới

Thất bại này cũng cho thấy ảnh hưởng suy giảm của Tổng thống Obama ở nhiệm kỳ hai, đặc biệt trong một vấn đề mà rất nhiều nghị sĩ Dân chủ cho rằng sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tái đắc cử của họ. Vị nghị sĩ Dân chủ giấu tên trên bình luận: “Nhiệm kỳ của Tổng thống Obama chỉ còn vỏn vẹn 18 tháng nữa, trong khi các công đoàn từng ủng hộ Đảng Dân chủ nhiều năm qua sẽ còn hoạt động trong nhiều năm tới”.

Ông Obama từng cam kết sẽ hỗ trợ các nghị sĩ Dân chủ bị các công đoàn tấn công, nhưng một số cho rằng lời hứa của tổng thống là không đủ.

Thất bại của ông Obama tại Hạ viện có thể ảnh hưởng tai hại đến TPP. Các nước tham gia TPP đều đã ngừng đàm phán để chờ Chính phủ Mỹ có TPA (điều kiện để Quốc hội Mỹ không can thiệp vào các thoả thuận sau cùng của TPP). Chính phủ Nhật đã tuyên bố rất rõ nước này khó có khả năng thực hiện các nhượng bộ chính trị cần thiết để ký TPP nếu Quốc hội Mỹ có quyền chỉnh sửa các thoả thuận sau cùng.

Báo Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia Daniel Price, cố vấn kinh tế của cựu tổng thống George W. Bush, dự báo các nước đối tác TPP sẽ không nối lại đàm phán một cách nghiêm túc nếu Hạ viện Mỹ không nhanh chóng thông qua TPA.

Tất nhiên đây không phải là hồi kết đối với TPP. Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố sẽ tổ chức lại một cuộc bỏ phiếu về TPA vào ngày 16-6. Dự báo vài ngày tới các cuộc vận động sẽ diễn ra dữ dội trên đồi Capitol. Một số nhà quan sát dự báo ông Obama và các đồng minh về TPP trong Đảng Cộng hòa có thể có cơ hội nếu đạt thoả thuận với Đảng Dân chủ về dự luật đường hạ tầng cao tốc áp dụng trong nhiều năm mà phía Dân chủ đã theo đuổi từ lâu.

“Tổng thống cần phải làm việc thêm với đảng của ông ấy để hoàn tất tiến trình bỏ phiếu. Kết quả hôm nay không phải là dấu chấm hết” – nghị sĩ Cộng hoà Paul Ryan, chủ tịch Uỷ ban Tài chính và thuế vụ Hạ viện Mỹ, khẳng định.

Không để Trung Quốc đặt quy tắc kinh tế toàn cầu

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner khẳng định Mỹ và các nước cần hoàn tất đàm phán TPP, bởi “nếu Mỹ không lãnh đạo thì đồng nghĩa với việc chúng ta mời Trung Quốc nhảy vào đặt ra các quy định mới đối với nền kinh tế toàn cầu”. Tổng thống Barack Obama cũng nhấn mạnh thông điệp tương tự: “TPP đảm bảo Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, là nước viết ra các quy tắc kinh tế thế giới”.

 

HIẾU TRUNG