28/11/2024

Trung Quốc tăng tốc xây đảo nhân tạo phi pháp

Bất chấp phản đối mạnh mẽ từ quốc tế, Trung Quốc vẫn tăng tốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông.

 

Trung Quốc tăng tốc xây đảo nhân tạo phi pháp

 

 

Bất chấp phản đối mạnh mẽ từ quốc tế, Trung Quốc vẫn tăng tốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông.

 

 

Trung Quốc tăng tốc xây đảo nhân tạo phi pháp - ảnh 1Hàng ngàn người Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc ngày 12.6 – Ảnh: AFP
Đó là kết quả phân tích những hình ảnh giám sát trên không tại khu vực các đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc xây đắp trên 7 bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Tờ The Sydney Morning Herald (SMH) ngày 12.6 dẫn các nguồn tin từ chính phủ và quân đội Úc khẳng định những hình ảnh được chụp từ trên không ngày 10.6 cho thấy một đội tàu nạo vét Trung Quốc đã chuyển từ vành đai bên ngoài các đảo nhân tạo sang tập trung vào khu vực bên trong. “Vòng bên ngoài gần như đã lấp đầy và có bằng chứng rõ ràng cho thấy khoảng không gian bên trong cũng đang được bồi lấp”, một nguồn tin tiết lộ với SMH về tình hình ở đá Xu Bi. “Trung Quốc đang chuyển động quá nhanh trong việc thiết lập các khu vực quân sự có thể kiểm soát Biển Đông”, Giám đốc Chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Mỹ Patrick Cronin nhận định với SMH.
 
 
Công ty nạo vét muốn lên sàn
Theo tờ Financial Times, Trung Quốc vừa cho thành lập Công ty nạo vét CCCC Dredging bằng cách sáp nhập 3 công ty khác. Trong số này có Công ty nạo vét Thiên Tân vận hành hầu hết các sà lan cỡ lớn thực hiện hoạt động nạo vét, bồi đắp phi pháp ở Trường Sa. Một số nguồn tin cho hay ban lãnh đạo CCCC Dredging đang muốn đưa công ty này niêm yết ở sàn chứng khoán nước ngoài hoặc tại Thượng Hải nhưng chưa cung cấp chi tiết. Theo các chuyên gia, động thái này nhằm tìm kiếm nguồn vốn cho các hoạt động chiến lược của Trung Quốc và có thể mở rộng hạm đội nạo vét.
 

Trước tình trạng trên, khi tiếp Phó chủ tịch Quân uỷ trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long vào hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và kêu gọi ngưng ngay các dự án bồi đắp, quân sự hoá để tìm giải pháp hoà bình cho tranh chấp theo luật pháp quốc tế, AFP dẫn thông cáo từ Lầu Năm Góc viết.

Cũng trong ngày 12.6, hàng ngàn người Philippines biểu tình trước Văn phòng lãnh sự thuộc Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila để “lên án tình trạng Trung Quốc hung hăng củng cố tuyên bố chủ quyền” ở Biển Đông thông qua các hoạt động nạo vét và bồi đắp. Theo tờ The Philippine Star, người biểu tình cầm các biểu ngữ với khẩu hiệu như “Ngưng hoạt động bồi đắp của Trung Quốc”, “Hung hăng ở Trường Sa”, “Trung Quốc rút đi”…
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines cho công chiếu phim tài liệu truyền hình gồm 3 phần nhằm phản đối sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Đài GMA News. Động thái này cũng được cho là nhằm phản ứng việc kênh CCTV4 của Trung Quốc chiếu phim tài liệu 8 tập quảng bá các hoạt động phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước đó, tờ The Philippines Star dẫn lời cựu Bộ trưởng Môi trường Philippines Angel Alcala cảnh báo nước ông và VN là những quốc gia đầu tiên hứng tác động tiêu cực đối với môi trường từ hoạt động bồi đắp của Trung Quốc ở Trường Sa. Ông Alcala chỉ ra những hành động này có thể dẫn đến mất đa dạng sinh học và ảnh hưởng nguồn thuỷ sản ở khu vực.
Trong bối cảnh căng thẳng dâng cao trên Biển Đông, Trung Quốc lại mập mờ về thông tin tập trận trên biển. Hải quân Trung Quốc hôm qua thông báo tàu sân bay Liêu Ninh cùng các chiến đấu cơ tập trận ở “vùng biển liên quan”, nhưng không cung cấp chi tiết, theo Reuters.

Văn Khoa