28/11/2024

Đà Nẵng: ôn thi ở nhà, lò luyện thi

Đại diện một số trường THPT cho biết việc ôn thi ở đâu là quyền của học sinh. Trường mở lớp, cử giáo viên nhưng cũng tùy thuộc thái độ “tự nguyện” của người học.

 

Đà Nẵng: ôn thi ở nhà, lò luyện thi

 

 Đại diện một số trường THPT cho biết việc ôn thi ở đâu là quyền của học sinh. Trường mở lớp, cử giáo viên nhưng cũng tùy thuộc thái độ “tự nguyện” của người học. 


 

Sau khi kết thúc năm học, việc ôn thi ở trường, ở nhà hay lò luyện thi là quyền của học sinh, nhà trường chỉ ôn thi nếu học sinh tự nguyện đăng ký, không được ép buộc. Trong ảnh: một tiết ôn văn của học sinh Trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng) trong năm học - Ảnh: Phan Thành
Sau khi kết thúc năm học, việc ôn thi ở trường, ở nhà hay lò luyện thi là quyền của học sinh, nhà trường chỉ ôn thi nếu học sinh tự nguyện đăng ký, không được ép buộc. Trong ảnh: một tiết ôn văn của học sinh Trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng) trong năm học – Ảnh: Phan Thành

Mặc dù nhiều trường vẫn mở lớp, huy động đội ngũ giáo viên ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia cho học sinh lớp 12, thế nhưng đa số học sinh trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn chọn hình thức tự ôn tại nhà hoặc đến trung tâm bồi dưỡng, luyện thi.

Đại diện một số trường THPT cho biết việc ôn thi ở đâu là quyền của học sinh. Trường mở lớp, cử giáo viên nhưng cũng tuỳ thuộc thái độ “tự nguyện” của người học. Nếu học sinh không đến ôn thi thì nhà trường cũng không ép buộc.

Ít học sinh ôn tại trường

Tại Trường THPT Trần Phú (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) sau khi tổng kết năm học không khí khá im ắng. Theo thống kê của trường, năm nay trường có hơn 950 học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Khác với các năm về trước, do kỳ thi “hai trong một” khá mới mẻ nên trường cũng đã định hướng, lên kế hoạch ôn thi từ nhiều tháng trước. Theo đại diện nhà trường, dự tính sau khi tổng kết năm học trường vẫn sẽ mở lớp, huy động giáo viên ôn thi từng môn theo danh sách đăng ký cho đến ngày các em “vượt vũ môn”.

Tuy nhiên, sau khi tổng kết năm học không có em nào đăng ký ôn thi ở trường. Lý giải về vấn đề này, thầy Nguyễn Huy Bính, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết do việc ôn thi ở trường sau khi kết thúc năm học là tự nguyện nên học sinh có quyền chọn ôn hoặc không. “Trong thời gian học, trường tổ chức ôn đều, ôn các môn tự chọn rất đầy đủ. Thế nhưng khi kết thúc năm học, hầu hết học sinh ở trường không có ai đăng ký học. Các em chủ yếu chọn hình thức ôn thi ở nhà hoặc đến các lò luyện thi” – thầy Bính cho hay.

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.Liên Chiểu) năm nay có 581 học sinh dự thi kỳ thi “hai trong một”. Ngay sau khi kết thúc năm học, trường đã thông báo đến phụ huynh, học sinh đăng ký ôn thi tại trường trong thời gian chờ đến kỳ thi. Tuy nhiên, chỉ có một vài học sinh đăng ký lẻ tẻ các môn như sử, địa nên nhà trường không thể mở lớp.

Thầy Nguyễn Thành Lễ, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, cho biết từ đầu năm trường đã có kế hoạch ôn tập chắc chắn ba môn thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và mở lớp ôn riêng theo từng môn đăng ký tự chọn. Khi đã tổng kết năm học, trường chỉ thông báo ôn thi trên tinh thần tự nguyện, còn đăng ký học hay không là quyền của các em.

“Do trường chỉ mới phát động việc ôn thi tại trường trong thời gian gần đây, trong khi tụi em đã theo học ở các lò luyện thi từ 2-3 năm nay và cũng quen cách ôn thi tại lò nên không ai chịu ôn ở trường. Một số bạn còn thuê gia sư kèm riêng từ lâu” – một học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.Liên Chiểu) nói.

Quyền của học sinh

Đại diện một số trường cho rằng khác với các năm trước kỳ thi tốt nghiệp diễn ra đầu tháng 6, nên việc ôn thi đến cận kề ngày thi rất dễ dàng. Riêng kỳ thi “hai trong một” năm nay kéo dài ra gần một tháng (đầu tháng 7), trong thời gian đó việc ôn tập ở đâu là quyền của các em.

Thầy Nguyễn Thành Lễ cho rằng có hai nguyên nhân mà học sinh không chọn ôn thi tại trường: “Thứ nhất, các em đã chọn học kèm ở một thầy, cô hoặc một trung tâm nào đó từ lâu nay. Thứ hai, từ đầu năm đến nay trường đã ôn tới ôn lui quá kỹ nên còn một tháng cuối cùng trước khi bước vào kỳ thi các em dành thời gian tự ôn tập”.

Ông Lê Trung Chinh, giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết sở đã chỉ đạo các trường ôn tập cho học sinh trên tinh thần tự nguyện, không được ép buộc. “Tháng 6 các trường hết trách nhiệm dạy, nhưng nếu học sinh có nhu cầu cần ôn thi thì trường vẫn phải đáp ứng. Bên cạnh đó, các trường luôn có người trực để hỗ trợ các vấn đề hồ sơ, thủ tục và tạo điều kiện cho học sinh mượn phòng để học ôn” – ông Chinh nói.

Kiên Giang hỗ trợ thí sinh khó khăn

Ông Ninh Thành Viên – phó giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang – cho biết tỉnh An Giang cam kết bố trí đầy đủ chỗ ở, chỗ ăn cho các thí sinh từ Kiên Giang sang dự thi. Sở sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí dự thi đối với các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn về phương tiện đi lại, nơi ăn ở… Ông Viên cho biết thêm các thí sinh thi tại cụm thi An Giang có thể vào trang web http://www.agu.edu.vn/ts2015/ để được cung cấp về: địa điểm thi, sơ đồ phòng thi, sơ đồ đường đi đến điểm thi (trên Google Map) cũng như tên, địa chỉ, sơ đồ đến các nhà trọ, khách sạn, quán ăn gần điểm thi…

NHƯ NGỌC

Thầy trò Trường THPT Nguyễn Huệ (Đắk Lắk) trong một giờ ôn tập - Ảnh: Lĩnh Hồng
Thầy trò Trường THPT Nguyễn Huệ (Đắk Lắk) trong một giờ ôn tập – Ảnh: Lĩnh Hồng

Đắk Lắk: mở lớp ôn thi theo nguyện vọng học sinh

“Học sinh được lựa chọn giáo viên ôn thi cho mình nhằm tạo điều kiện thoải mái nhất cho các em” – thầy Mai Quốc Tuấn, hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Krông Pắk), cho biết. Theo thầy Tuấn, nhà trường tổ chức ôn thi khoảng 16 tiết/môn. Bên cạnh việc củng cố kiến thức, các thầy cô sẽ chia từng phần theo cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT để ôn tập.

“Từ ngày 15 đến 20-6, nhà trường sẽ tổ chức phổ biến thật kỹ một lần nữa quy chế thi, giải đáp mọi thắc mắc để các em bước vào kỳ thi một cách tự tin nhất” – thầy Tuấn nói thêm.

Trong khi đó, tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buôn Hồ), không khí ôn tập cũng “nóng” lên từng ngày. Học sinh của trường sẽ ôn tập vào tất cả các buổi chiều trong tuần. Trường có 345 thí sinh thì có gần 200 bạn đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Thầy Phạm Văn Châm – hiệu trưởng – cho biết: “Nhà trường tạo điều kiện ôn tập cho học sinh đến sát ngày thi vì sợ các em nghỉ sẽ dễ quên kiến thức. Những buổi ôn thi cuối cùng, thầy cô dành để củng cố một lần nữa kiến thức từng môn cho các em. Năm nay đổi mới kỳ thi hoàn toàn khiến các em lo lắng. Nhà trường tạo điều kiện để các em ôn thi một cách thoải mái nhất”.

LĨNH HỒNG

 

PHAN THÀNH