Vung tay xây trụ sở, nợ công sẽ vượt trần
Ông Bùi Đức Thụ, uỷ viên thường trực ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, đã cảnh báo như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội ngày 10-6.
Vung tay xây trụ sở, nợ công sẽ vượt trần
Ông Bùi Đức Thụ, uỷ viên thường trực ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, đã cảnh báo như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội ngày 10-6.
Trụ sở cũ của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương còn được cho thuê làm trung tâm đào tạo – Ảnh: Xuân An |
Ông Bùi Đức Thụ – Ảnh: V.Dũng |
Phân tích vấn đề này, ông Thụ nói:
– Việc xây dựng trụ sở hành chính công đã được phân cấp cho địa phương xem xét quyết định nên triển khai các dự án phải phụ thuộc vào kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, nằm trong kế hoạch năm năm đã được HĐND cấp tỉnh quyết định. Đồng thời phải đảm bảo cân đối nguồn vốn theo đúng chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ (chỉ thị về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, ban hành ngày 15-10-2011 – PV). Và việc xây dựng trụ sở hành chính công cũng phải tuân thủ quy định pháp luật về tiêu chuẩn, chế độ, định mức, diện tích…
Trong thực tiễn những năm gần đây, một số tỉnh đã xây dựng trụ sở quá hoành tráng, vượt tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Tôi cho đó là điều không phù hợp với quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải làm rõ, sớm ngăn chặn tình trạng này.
Đối với việc xây dựng trụ sở mà không đảm bảo nguồn vốn, rõ ràng không tuân thủ theo đúng chỉ thị 1792, cần phải được xem xét làm rõ trách nhiệm. Tuy nhiên ở một số địa phương, qua giám sát chúng tôi thấy rằng việc đầu tư xây dựng cơ bản đó nằm trong vốn đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương và phụ thuộc rất lớn vào việc cấp quyền sử dụng đất.
Theo quy định pháp luật, việc cấp quyền sử dụng đất được để lại cho ngân sách địa phương chỉ để đầu tư, nhưng các năm gần đây do thị trường bất động sản khó khăn, chưa phục hồi, việc thực hiện cấp quyền sử dụng đất không đạt như mong muốn, vì vậy dẫn đến thiếu nguồn, hụt nguồn so với kế hoạch được duyệt.
Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị các cấp chính quyền địa phương trước khi triển khai dự án cần rà soát, đánh giá lại tình hình để bảo đảm thực hiện nghiêm, thực hiện đúng theo tinh thần của chỉ thị 1792, tránh tình trạng mất cân đối gây nợ cho ngân sách địa phương. Nếu tăng nợ của ngân sách địa phương tất yếu sẽ làm tăng nợ công.
Nhất là trong điều kiện nợ công của Việt Nam hiện đang ở mức cao, tiến sát trần. Nếu như không có các giải pháp tốt về tăng cường kỷ luật tài chính, quản lý chặt chẽ các khoản chi, đặc biệt là chi đầu tư xây dựng cơ bản. Nếu để tình trạng chi vượt, vung tay quá trán ở một số địa phương như hiện nay sẽ gây áp lực đối với vấn đề vượt trần nợ công, gây mất ổn định về tài chính ngân sách.
* Liên quan đến dự án xây dựng trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng, trong giai đoạn 2009-2011, do tỉnh không bố trí đủ nguồn vốn theo tiến độ thi công thực tế dẫn đến thời gian thi công kéo dài, làm phát sinh lãi vay phải trả tại dự án là 33,9 tỉ đồng. Ông nghĩ sao?
– Quyết định đầu tư xây dựng các trụ sở phải có nguồn, tôi xin nói xây dựng trụ sở ở đây là trách nhiệm của Nhà nước do vậy phải có nguồn từ ngân sách nhà nước.
Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn, việc huy động như thế nào phải cân nhắc hết sức thận trọng, đảm bảo mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hằng năm của ngân sách cấp tỉnh (đây là hạn mức huy động vốn tối đa trong một năm ngân sách của chính quyền địa phương, theo quy định tại khoản 3 điều 8 Luật ngân sách nhà nước – PV).