73 nhân viên sân bay Mỹ dính khủng bố, lỗ hổng chết người
Dù được cho là đã giăng kỹ lưới chống khủng bố lọt vào Mỹ, các cơ quan chức năng tại Mỹ liên tiếp bị phát hiện đã để nhiều lỗ hổng chết người.
73 nhân viên sân bay Mỹ dính khủng bố, lỗ hổng chết người
Dù được cho là đã giăng kỹ lưới chống khủng bố lọt vào Mỹ, các cơ quan chức năng tại Mỹ liên tiếp bị phát hiện đã để nhiều lỗ hổng chết người.
Các nhân viên TSA kiểm tra một hành khách ở sân bay San Francisco, California – Ảnh: Reuters |
Sau 14 năm thành lập, với chức năng đảm bảo an ninh cho giao thông hàng không kể từ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, Cơ quan An ninh vận tải Mỹ (TSA) lần đầu tiên đã bị “tuýt còi” về độ tin cậy sau khi một báo cáo được công bố cho thấy cơ quan này không phát hiện hàng chục nhân viên có liên hệ với khủng bố.
Tại cuộc điều trần trước Uỷ ban an ninh nội địa của Thượng viện và Ủy ban các vấn đề an ninh của Chính phủ Mỹ ngày 9-6, tổng thanh tra thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ John Roth tiết lộ TSA đã không phát hiện ít nhất 73 người làm việc ở các sân bay Mỹ có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố.
Bộ An ninh nội địa đang xử lý chuyện này giống như xử lý một khủng hoảng truyền thông thay vì như với một mối đe doạ đối với an ninh nội địa |
Thượng nghị sĩ Mỹ BEN SASSE |
Do thiếu thông tin
Hãng tin AFP dẫn báo cáo từ văn phòng tổng thanh tra liên bang khẳng định: “TSA đã có hạn chế trong quá trình kiểm tra, do đó thiếu sự đảm bảo rằng cơ quan này đã xem xét kỹ càng tất cả đơn xin việc”. Nguyên nhân do TSA không được tiếp cận đầy đủ thông tin liên quan đến khủng bố.
“TSA không nhận diện được những cá nhân này bằng các hoạt động thẩm tra của mình là vì họ không có quyền nhận tất cả mọi thông tin liên quan đến khủng bố, theo chính sách theo dõi liên cơ quan hiện nay của Mỹ” – báo cáo trên cho biết.
Hậu quả là TSA không nhận diện được ít nhất 73 cá nhân từng có tên trong danh sách đối tượng tình nghi có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố và những người này đã làm việc ở nhiều sân bay của Mỹ.
Theo dữ liệu của TSA, số người trên từng làm việc cho các hãng hàng không lớn, bán hàng trong sân bay và làm việc cho các hãng khác tại sân bay. Tuy nhiên, báo cáo này không cho biết cụ thể tình trạng làm việc hiện tại cũng như nghề nghiệp hay chức vụ mà những người này đang nắm giữ.
Thậm chí, báo cáo này còn tiết lộ rằng các cuộc kiểm tra cơ bản về tiền án tội phạm trong số nhân viên của 467 sân bay ở Mỹ đều “thiếu hiệu quả”.
Các nhà điều tra còn phát hiện hàng ngàn hồ sơ nhân viên hàng không do TSA ghi nhận có thông tin và tiểu sử không hoàn chỉnh. Trong một số trường hợp, người xin việc cũng không điền đầy đủ số bảo hiểm và họ theo quy định.
Nhiều lỗ hổng an ninh
Bản báo cáo này được công bố sau khi có một báo cáo nội bộ kết luận rằng các nhân viên kiểm soát an ninh tại một số sân bay của Mỹ có khả năng không phát hiện được chất nổ và vũ khí do hành khách mang theo.
Hãng tin ABC cho biết các nhân viên an ninh thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ đã cải trang thành hành khách mang theo các gói chất nổ giả và các loại vũ khí cấm đến làm thủ tục ở các cửa khẩu hàng không của Mỹ. Kết quả, trong 70 lần kiểm tra an ninh thì có đến 67 lần (tức 95%) họ đã lọt qua cửa kiểm tra an ninh tại các sân bay một cách dễ dàng.
Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson cho biết ông đã yêu cầu TSA xem lại các quy trình quét kiểm tra an ninh đối với hành khách. Ông nhấn mạnh các khâu kiểm tra này cho thấy nhiều lỗ hổng trong vấn đề an ninh tại các sân bay Mỹ.
Tại cuộc điều trần, bà Rebecca Roering – trợ lý giám đốc TSA tại sân bay quốc tế Minneapolis – St. Paul – thừa nhận đội ngũ nhân viên của TSA đang có tinh thần “cảnh giác” thấp. Bà Roering lý giải do cơ cấu ban lãnh đạo TSA hiện nay gồm quá nhiều cựu giám đốc điều hành của các hãng hàng không thương mại.
Những người này thường coi trọng việc phục vụ và rút ngắn thời gian chờ đợi cho hành khách hơn các vấn đề liên quan tới an ninh. Bà Roering cảnh báo thêm vào đó là “văn hoá sợ hãi và thiếu tin tưởng” đang ăn sâu trong nội bộ TSA, khiến nhân viên của cơ quan này không dám nói thẳng những điều mà họ muốn góp ý.
Trong cuộc điều trần cùng ngày, tổng thanh tra John Roth cho rằng Chính phủ Mỹ cần điều chỉnh luật theo hướng trao thêm cho cơ quan này quyền truy cập tất cả thông tin của người xin việc, kể cả danh sách khủng bố mà Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang theo dõi.
Ông Roth cho rằng Bộ An ninh nội địa từng nêu ra những quan ngại trên. Song cho tới nay TSA dường như vẫn “từ chối thực hiện các khuyến nghị của bộ này” và chưa hiểu được “chiều sâu” của các nguy cơ về an ninh. “Tôi lo lắng về điều này” – Hãng Fox News dẫn lời ông Roth nói.
“Bộ An ninh nội địa đang xử lý chuyện này giống như xử lý một cuộc khủng hoảng truyền thông thay vì như với mối đe dọa đối với an ninh nội địa” – thượng nghị sĩ Ben Sasse ở bang Nebraska phản ứng với cách giải thích của ông Roth.
Ông Sasse cũng kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama công khai điều tra của tổng thanh tra Roth và tất cả những “thất bại” khác của TSA trong quá trình giải quyết vấn đề an ninh vận tải.