28/11/2024

Giá điện sẽ theo giá thị trường

Sẽ thả nổi giá điện? Sẽ minh bạch lộ trình giá điện? Hàng loạt khúc mắc của nhà đầu tư được đưa ra và nhiều giải pháp đã được cơ quan Chính phủ trả lời…

 

Giá điện sẽ theo giá thị trường

 

Sẽ thả nổi giá điện? Sẽ minh bạch lộ trình giá điện? Hàng loạt khúc mắc của nhà đầu tư được đưa ra và nhiều giải pháp đã được cơ quan Chính phủ trả lời…

 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - Ảnh: V.Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – Ảnh: V.Dũng

Tại Diễn đàn doanh nghiệp VN (VBF) giữa kỳ 2015, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định sẽ điều chỉnh để đến năm 2016 giá điện hoàn toàn theo thị trường. Hàng loạt khúc mắc của nhà đầu tư được đưa ra và nhiều giải pháp đã được cơ quan Chính phủ trả lời…

Trả lời phản ảnh của các nhà đầu tư về nguy cơ thiếu điện cận kề năm 2018, ông Vũ Huy Hoàng khẳng định những tháng vừa qua dù tiêu thụ điện tăng cao nhưng hệ thống điện VN vẫn chưa dùng hết công suất đang có mà vẫn còn 20% công suất dự phòng.

Tuy nhiên, xác nhận một số địa bàn cung ứng điện chưa ổn định, ông Hoàng cho rằng nguyên nhân vì chất lượng hệ thống phân phối điện (lưới điện – PV), cần vốn đầu tư nâng cấp. Trước nỗi lo thiếu điện vào năm 2018, ông Hoàng khẳng định đang khuyến khích xây dựng nhà máy điện. Đặc biệt, để kêu gọi đầu tư, ông nêu chậm nhất năm 2016 VN sẽ có giá điện theo thị trường.

“Từ nay đến năm 2016 sẽ có điều chỉnh cần thiết như các nhà đầu tư đề nghị để giá điện theo thị trường” – ông Hoàng cam kết.

Vẫn lo thủ tục thuế

Theo phản ảnh của bà Sherry Boger – chủ tịch Hội Doanh nghiệp Mỹ tại VN, vẫn còn những vướng mắc lớn về thuế. Cụ thể, có nhà nhập khẩu và phân phối Mỹ đang phải nộp thuế VAT hai lần khi nhập hàng vào VN. Khi doanh nghiệp khiếu nại, cơ quan thuế đã… phong toả tài khoản.

Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Tomaso Andreatta – phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham) – cho rằng việc cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn diễn ra chậm và VN dường như chưa sẵn sàng tái cấu trúc DNNN chiến lược. Đặc biệt, DNNN vẫn tiếp tục nhận được các ưu đãi, từ tiếp cận đất đai đến các khoản trợ cấp… “Điều này dẫn đến bóp méo thị trường và không thể nhận thấy một sân chơi bình đẳng giữa công ty tư nhân và DNNN” – ông Tomaso Andreatta kết luận.

Ông Trần Anh Vương, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, cũng thẳng thắn nêu dù đã có những cải cách ở Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư mới nhưng “cảm nhận về môi trường thật sự tốt hơn thì chưa thật rõ ràng”.

Ông Vương nêu thực tế nguồn vốn vẫn đang đổ vào các ngành công nghiệp Nhà nước nắm giữ. Nhiều dự án hạ tầng danh nghĩa không phải Nhà nước đầu tư 100% nhưng trên thực tế nó được đầu tư một phần vốn nhà nước, phần còn lại chỉ là đi vay ngân hàng, ông Vương cảnh báo: vốn nhà nước chiếm tỉ trọng lớn trong các dự án, nhưng sau khi hoàn thành thì lại đi thu phí của doanh nghiệp và người dân.

“Như vậy sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh hàng trong nước” – ông Vương nói.

Cảnh báo Chính phủ đang duy trì chính sách khiến vốn không vào sản xuất mà lại đổ vào đất đai, vàng, ngoại tệ, ông Trần Anh Vương đề nghị tập trung xây dựng các làng nghề, hộ sản xuất gia đình… thành các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vì họ đã có sẵn kinh nghiệm sản xuất, am hiểu thị trường…

Không hề thỏa mãn

Vẫn liên quan đến thủ tục, ông Shimon Tokuyama – chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật tại VN – đề nghị cần minh bạch hóa các hạng mục kiểm tra của ngành công an, Cục An toàn thực phẩm…

Trước một số ý kiến nêu số ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở VN vẫn còn nhiều, ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư, cho rằng trước VN có 51 ngành cấm kinh doanh, nay chỉ còn 6, trước có 386 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nay chỉ còn 267.

Ông Vinh khẳng định rút xuống con số 267 đã là cố gắng lớn, VN sẽ tiếp tục rà soát, có thể thì sẽ tiếp tục loại bỏ. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng một xã hội càng tiên tiến càng có nhiều ngành nghề có điều kiện kinh doanh để con người được bảo vệ tốt hơn. Ông cho rằng vấn đề không hẳn là nhiều hay ít, mà “cần thì nên có, miễn là minh bạch, không gây khó khăn cho dân”.

Ngoài ra, ông Vinh khẳng định từ ngày 1-7 các văn bản áp đặt điều kiện kinh doanh không phải nghị định, pháp lệnh, luật sẽ bị bãi bỏ, kể cả các quyết định của Thủ tướng, quyết định của các UBND…

Về quy định nhập khẩu máy móc cũ vào VN bị kêu nhiều, Bộ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ Nguyễn Quân khẳng định đã chỉnh sửa trong dự thảo theo hướng doanh nghiệp có dự án đầu tư vào VN nếu có dây chuyền công nghệ được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận thì không cần giám định chất lượng, xem thời hạn sử dụng để được nhập khẩu. Nếu dây chuyền nằm ngoài dự án đầu tư, tổ chức cá nhân được chọn một trong hai tiêu chí: hoặc thời gian sử dụng dưới 10 năm hoặc còn mới đến 70%.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ phải xử lý cụ thể các kiến nghị, tinh thần phải tạo mọi thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Thủ tướng khẳng định kinh tế – xã hội của VN năm tháng đầu năm 2015 đã tốt hơn năm 2014, song ổn định vĩ mô chưa thật bền vững, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém từ quản lý đến điều hành. Khẳng định “không hề thoả mãn”, Thủ tướng nêu Chính phủ tới đây sẽ tập trung mấy nhiệm vụ lớn: điều hành bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát không quá 5% không chỉ trong năm 2015 mà cả những năm sau, giữ nợ công trong giới hạn an toàn, tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu…

Thủ tướng nhấn mạnh sẽ cổ phần hóa các DNNN đúng lộ trình, giảm vốn ở doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối. Đặc biệt, ông nêu: “Năm 2016 sẽ không còn ngân hàng yếu kém, vi phạm pháp luật. Sẽ đưa nợ xấu về 3%”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông tin VN đang ở giai đoạn đàm phán cuối cùng, chỉ còn vài vấn đề kỹ thuật nữa là có thể ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Như vậy, VN sẽ có 14 FTA, sẽ có quan hệ tự do với 55 đối tác, trong đó 15 thành viên là G20. Đây là nền tảng quan trọng để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi” – Thủ tướng nói.

Trấn an các nhà đầu tư lo ngại thiếu điện, Thủ tướng khẳng định: “VN sẽ không thiếu điện từ nay đến năm 2030”. Mặc dù một số dự án nhà máy điện chậm tiến độ khiến năm 2018 có thể thiếu điện ở khu vực phía Nam nhưng Chính phủ đã có giải pháp khắc phục.

Ông khẳng định giá điện sẽ theo thị trường, không bán dưới giá thành; sẽ nâng cao chất lượng điện. Thủ tướng cho biết: “Sắp tới sẽ công khai minh bạch lộ trình giá điện để nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Người nghèo sẽ hỗ trợ thẳng, không bao cấp qua giá điện”.

Thị trường chứng khoán đang thụt lùi

Ông Nguyễn Kiên – đại diện nhóm công tác thị trường vốn VBF – cho biết thị trường chứng khoán VN đang đi thụt lùi, đặc biệt khi so sánh với các nước ASEAN.

“Thị trường chứng khoán hiện tại của VN sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa. Theo hiểu biết của chúng tôi, tổng giá trị các DNNN sẽ được cổ phần hoá trong ba năm tới ước tính khoảng 25 tỉ USD.

Nếu Chính phủ chỉ dự kiến bán ra thị trường 15% tổng số lượng cổ phần thì thị trường sẽ cần 3,75 tỉ USD để mua số cổ phần này. Như vậy nguồn tiền trong nước sẽ chắc chắn không đủ để mua cổ phần nói trên, và VN sẽ cần một dòng tiền mới của nước ngoài để mua các cổ phần này” – ông Kiên phát biểu tại diễn đàn.

Để đẩy mạnh và phát triển thị trường chứng khoán, ông Kiên đề xuất ba kiến nghị gồm:

1- Cổ phần hóa và niêm yết các DNNN. Để tạo thanh khoản tốt, Chính phủ nên bán từ 25 – 30% cổ phần của doanh nghiệp được cổ phần hóa thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp.

2- Tăng sở hữu nước ngoài. Để thu hút dòng vốn mới của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và vào những DNNN mới được cổ phần hóa, VN cần mạnh dạn, kiên quyết xoá bỏ hạn chế tỉ lệ sở hữu 49% áp dụng đối với các công ty đại chúng.

3- Thành lập quỹ hưu trí tự nguyện, tạo thêm nguồn cầu đáng kể đối với thị trường tài chính nói chung và cổ phần hoá nói riêng. 

C.V.KÌNH – QUỲNH TRUNG