11/01/2025

Với Trung Quốc, phải thể hiện thái độ tương xứng với vị thế chúng ta

Tại hội trường và bên lề Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội ngày 8-6, nhiều đại biểu lên án mạnh mẽ các bước leo thang của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, đề nghị phải có tiếng nói mạnh mẽ từ Quốc hội.

 

Với Trung Quốc, phải thể hiện thái độ tương xứng với vị thế chúng ta

 

Tại hội trường và bên lề Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội ngày 8-6, nhiều đại biểu lên án mạnh mẽ các bước leo thang của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, đề nghị phải có tiếng nói mạnh mẽ từ Quốc hội.

 

 

Đại biểu Trần Quốc Tuấn  - Ảnh: V.Dũng
Đại biểu Trần Quốc Tuấn  - Ảnh: V.Dũng
Tăng cường nhiều hơn các chuyến đi của lãnh đạo nước ta đến các nước trên thế giới để nói về vấn đề biển Đông
Đại biểu Trần Quốc Tuấn 

“Hành động của Trung Quốc cải tạo các bãi đá ngầm ở Trường Sa là hành động đi xâm chiếm” – đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nhấn mạnh tại nghị trường.

Thể hiện thái độ tương xứng với vị thế chúng ta

Ông Trần Quốc Tuấn cho rằng trước tình cảnh này, toàn thể cử tri và nhân dân cả nước đang mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ phải có quyết sách đúng đắn hơn, phù hợp hơn. Trước mắt, theo ông Tuấn, cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, tương tự những phát ngôn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công du qua ba châu lục với bốn quốc gia Kazakhstan, Bulgaria, Bồ Đào Nha và Algeria vừa qua. “Đồng thời tăng cường nhiều hơn các chuyến đi của lãnh đạo nước ta đến các nước trên thế giới để nói về vấn đề biển Đông” – ông Tuấn nói.

Trao đổi với báo chí, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng việc Trung Quốc xây đảo ở Trường Sa nguy hiểm hơn việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 nên phải có phản ứng, hành xử mạnh mẽ hơn cho tương xứng. “Chúng ta thấy rằng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở biển Đông nghiêm trọng đến mức các nước trên thế giới phải vào cuộc. Việc của ta đừng phó mặc cho ai hết, chúng ta phải thể hiện thái độ của chúng ta tương xứng với vị thế chúng ta” – nhà sử học nói.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên – Huế) kiến nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ hơn về chiến lược biển Đông, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình biển Đông, tình hình đất liền để có những dự báo, giải pháp kịp thời đối phó với tình hình hiện nay. Theo ông Nghĩa, phải “tiếp tục cân đối nguồn lực bảo đảm ngân sách thích đáng để đầu tư toàn diện hệ thống tuyến đảo trọng điểm, từ các đảo gần đến các đảo xa, tạo hệ thống liên hoàn các đảo trên vùng biển nước ta”.

Kiến nghị đẩy mạnh 
dân sự hoá một số đảo lớn ở Trường Sa

Tại nghị trường Quốc hội, trung tướng Bế Xuân Trường (phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) đưa ra kiến nghị: “Thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh dân sự hoá một số đảo lớn ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đây là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài. Vì vậy Chính phủ cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đồng bộ, đặc thù để người dân có kế sinh nhai, lập nghiệp ổn định ở trên đảo lâu dài”.

Đồng thời, ông Trường cho rằng Chính phủ cần đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ nghề cá gắn với xây dựng ô tàu ở cảng, vừa là trung tâm hậu cần kỹ thuật cho ngư dân bám biển đánh bắt xa bờ, vừa mua hải sản của nhân dân chế biến xuất khẩu. Đây cũng là trung tâm phòng chống bão lụt, xử lý các sự cố trên biển, khi có biển động thì tàu thuyền của ngư dân có nơi neo đậu đảm bảo an toàn. Như vậy sẽ gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế biển với du lịch biển đảo. Cũng theo ông Trường, cần làm tốt việc thông tin đến ngư dân về Luật biển Việt Nam, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên.

“Có ngư dân bám biển, có dân sống trên đảo lâu dài, có lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư là lực lượng nòng cốt, chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được thế trận quốc phòng, an ninh, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc. Huy động được sức mạnh tổng hợp để bảo vệ được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” – trung tướng Bế Xuân Trường nói.

Đại biểu Bế Xuân Trường - Ảnh: V.Dũng
Đại biểu Bế Xuân Trường - Ảnh: V.Dũng
Thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh dân sự hoá một số đảo lớn ở khu vực quần đảo Trường Sa
Đại biểu Bế Xuân Trường

Tàu Tân Hải 517 vào biển Đông có nhiều ý đồ

Trước diễn biến mới trên biển Đông khi những ngày qua Trung Quốc đưa tàu thăm dò dầu khí Tân Hải 517 đi gần bờ biển Bình Thuận, đại biểu Nguyễn Anh Sơn – trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nam Định,uỷ viên Uỷ ban An ninh và quốc phòng của Quốc hội, người đã đề nghị Quốc hội phải có phiên họp về biển Đông – trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ: “Những ngày qua, tôi theo dõi rất kỹ việc Trung Quốc đưa tàu Tân Hải 517 vào sâu trong vùng biển Bình Thuận. Với vị trí vào sâu, chỉ cách đảo Phú Quý 20 hải lý về phía tây nam, sau đó đi xuyên qua các vùng biển có nhà giàn DK2, DK1 rồi di chuyển ra vịnh Thái Lan, qua khu vực các giàn khoan của Việt Nam hoạt động, Trung Quốc rõ ràng có chủ ý xem phản ứng của chúng ta thế nào”.

Ông Sơn cũng cho rằng tàu Tân Hải 517 đi rất chậm với tốc độ 4 hải lý/giờ, “chỉ nhanh hơn người đi bộ chút ít”, ngay trên lằn ranh đường cơ sở, tiếp giáp với vùng nội thuỷ của Việt Nam là đầy chủ ý. “Vùng biển đó như cái ruộng của nhà mình, mình có thể cho họ đi qua để anh đến nơi nào đó nhanh hơn. Nhưng đi theo kiểu đủng đỉnh, giả vờ như thế kia là không được, là có ý đồ”. Theo ông Sơn, nếu Việt Nam đã cho các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển ra bám sát tàu Tân Hải là biện pháp cần thiết để giám sát hoạt động của tàu Tân Hải đến khi ra khỏi vùng biển Việt Nam và thể hiện sự cảnh báo tàu Trung Quốc phải di chuyển đúng luật quốc tế.

Ông Sơn nói trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội, Chính phủ có nói về biển Đông nhưng rất chung chung, chỉ nói “tình hình biển Đông rất phức tạp”. “Rõ ràng là phức tạp nhưng có những vấn đề chưa bao giờ xảy ra, trong một thời gian rất ngắn Trung Quốc đã xây dựng từ đảo nửa chìm nửa nổi lên đất nổi hoàn toàn, diện tích tăng gấp trăm lần, xây công trình kiên cố kéo cả pháo ra. Tôi rất băn khoăn việc thông tin trước dân hiện chưa đầy đủ” – ông Sơn nói. Ông Sơn tin Đảng, Nhà nước rất khéo léo lèo lái con tàu Việt Nam qua bão gió. “Nhưng chủ trương Đảng, Nhà nước thế nào phải nói rõ. Chứ bây giờ người ta không biết thế nào, cứ để những nguồn tin nước ngoài người ta nói thôi thì không hay” – ông Sơn đề nghị. Theo ông Sơn, Quốc hội đã họp kín và đại biểu đã nghe rõ. “Nhưng đó là đại biểu, còn câu chuyện chủ quyền là chuyện của cả 90 triệu trái tim Việt kia mà!” – ông chia sẻ. Ông cũng cho rằng việc chủ quyền mà không công khai, minh bạch sẽ dẫn đến người dân không hiểu Đảng, Nhà nước đã và đang làm gì để thể hiện Việt Nam không nhân nhượng về chủ quyền.

“Biên giới phía Nam có chiều hướng phức tạp”

Đại biểu Nguyễn Ngọc Nghĩa đã lưu ý như vậy tại nghị trường Quốc hội sau khi nói về vấn đề biển Đông. “Tình hình đối ngoại ở biên giới phía Nam diễn biến có chiều hướng khá phức tạp, tạo ra những mâu thuẫn khó khăn cho ta trong thi công một số dự án, đường biên giới, đầu tư các doanh nghiệp của Việt Nam, về quy hoạch dân cư, công tác cắm mốc giữa hai nước (Việt Nam và Campuchia – PV). Một số mốc chưa triển khai được với nhiều lý do khác nhau. Gần đây, tình hình vượt biên trái phép trên địa bàn Tây nguyên, Tây Nam bộ có chiều hướng gia tăng” – ông Nghĩa thông tin.

Ông Nghĩa cho rằng mặc dù Chính phủ đã nỗ lực ưu tiên ngân sách khá lớn cho các địa phương, nhưng đời sống nhân dân ở các huyện, xã biên giới cực kỳ khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc chiếm 60-90% trong tỉ lệ hộ nghèo của các địa phương đã báo cáo. Ngân sách bảo đảm công tác đối ngoại vùng biên còn bất cập và nhiều hạn chế. Do đó cần chú trọng nhiều hơn về chính sách cho vùng biên giới phía Nam.

Theo dõi chặt chẽ tàu Tân Hải 517 
của Trung Quốc

Ngày 8-6, Thứ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Trương Minh Tuấn đã trao đổi về một số thông tin mà đoàn công tác ghi nhận được về tình hình trên biển Đông của Việt Nam sau khi thăm và làm việc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Ông Tuấn cho biết đoàn công tác đã đi qua khu vực các bãi đá Trung Quốc chiếm đóng như Ga Ven, Xu Bi, Huy Gơ, đặc biệt là Gạc Ma…, tất cả thành viên đều nhìn thấy bằng mắt thường là Trung Quốc đang xây dựng rầm rộ các công trình trên đó.

Về vấn đề tàu Tân Hải 517, ông Tuấn nói: “Theo tôi được biết, vào lúc 5g sáng 6-6, tàu Tân Hải 517 đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách đảo Bình Ba thuộc tỉnh Khánh Hòa khoảng 20 hải lý về phía đông bắc. Sau đó tàu này di chuyển dọc vùng tiếp giáp lãnh hải xuống phía nam hướng về vịnh Thái Lan. Các tàu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và kiểm ngư đang hoạt động ở vùng biển nói trên giám sát chặt chẽ những động thái của con tàu này.

Tân Hải 517 là tàu của Công ty dịch vụ dầu mỏ ngoài khơi (thuộc Tổng công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc), có lượng giãn nước 1.240 tấn, dài 68,2m, kéo hai cáp thăm dò địa chấn 2D và 3D. Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, tàu nước ngoài có quyền di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Đến thời điểm này chưa phát hiện tàu Tân Hải 517 có dấu hiệu bất thường nào, tuy nhiên các lực lượng trên biển của Việt Nam vẫn theo dõi chặt chẽ”.

M.QUANG ghi

Hội Nghề cá VN phản đối Trung Quốc

Hội Nghề cá Việt Nam vừa có văn bản cực lực phản đối việc làm của phía Trung Quốc trong việc cho tàu tiến hành cản trở việc cứu nạn, phá hại tài sản tàu cá của ngư dân Việt Nam. Khẳng định hành động trên là thiếu nhân đạo, vi phạm Công ước Luật biển 1982 và đề nghị cơ quan chức năng cùng lên tiếng phản đối, ngăn chặn những hành động vi phạm của Trung Quốc.

Báo cáo của Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết ngày 31-5, khi Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 – DaNang MRCC nhận được tin báo về việc ngư dân Phạm Thanh Ngọc đi trên tàu cá QNa 90927 TS bị bệnh nặng và yêu cầu được hỗ trợ khẩn cấp, DaNang MRCC đã điều động tàu SAR 412 ra cứu nạn. Khi tàu đi ngang qua khu vực đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) khoảng 8 hải lý thì bất ngờ xuất hiện một tàu Trung Quốc không rõ số hiệu lao tới phát tín hiệu cảnh báo, yêu cầu tàu SAR phải di chuyển ra khỏi khu vực.

Sau khi tiếp cận được với tàu cá, lực lượng cứu hộ dùng xuồng di chuyển ông Ngọc sang tàu cứu nạn. Trên đường quay trở về đi ngang qua đảo Tri Tôn, tàu hải quân Trung Quốc tiếp tục cản trở tàu cứu nạn của Việt Nam bằng việc bất ngờ tăng tốc, lao thẳng vào tàu SAR, may mắn tàu SAR đã tránh né kịp thời.

Ngoài ra, ngày 27-5, tàu cá BĐ 96680 TS do ông La Văn Quen làm chủ tàu đang hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bất ngờ bị một tàu cảnh sát biển Trung Quốc chạy áp sát và tấn công bằng vòi rồng ba lần, sau đó quay tàu bỏ đi. Vụ việc xảy ra khiến tàu bị hỏng máy liên lạc, giàn câu, giàn đèn, mũi, hông tàu bị vỡ nát nhiều chỗ.

T.THẮNG

 

VIỄN SỰ – LÊ KIÊN