11/01/2025

Hội nghị G-7 bàn nhiều chuyện “nóng” từ Ukraine đến biển Đông

Hôm qua, hội nghị G-7 bắt đầu diễn ra tại khu nghỉ dưỡng cao cấp ở thị trấn Garmisch-Partenkirchen tại phía nam nước Đức.

 

Hội nghị G-7 bàn nhiều chuyện “nóng” từ Ukraine đến biển Đông

 

 Hôm qua, hội nghị G-7 bắt đầu diễn ra tại khu nghỉ dưỡng cao cấp ở thị trấn Garmisch-Partenkirchen tại phía nam nước Đức. 


 

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Merkel trước thềm Hội nghị G7 ở Đức - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Merkel trước thềm Hội nghị G7 ở Đức – Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo bàn hàng loạt vấn đề nóng bỏng, từ xung đột Ukraine, khủng hoảng nợ Hi Lạp đến căng thẳng biển Đông.

AFP đưa tin Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Đức từ sớm với sức ép phải thể hiện sự cứng rắn với Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel đối mặt với những tranh cãi do không mời Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Chúng tôi thảo luận về tương lai, kinh tế toàn cầu, duy trì Liên minh châu Âu giàu mạnh, thúc đẩy quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương, phản ứng với sự gây hấn của Nga tại Ukraine, các mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan đến biến đổi khí hậu” – Tổng thống Obama cho biết.

Là một điểm nóng chính trị toàn cầu nhưng hội nghị G-7 không nhận được sự chào đón của người dân địa phương.

Theo Hãng Deutsche Welle, hàng ngàn người biểu tình đổ về khu nghỉ dưỡng Schloss Elmau. Đụng độ xảy ra khi đám đông tràn qua hàng rào an ninh buộc cảnh sát sử dụng hơi cay để chặn nguy cơ bạo động. Khoảng 22.000 cảnh sát đã được triển khai để bảo vệ an ninh hai ngày hội nghị.

Các nhà lãnh đạo dự hội nghị G-7 . Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo dự hội nghị G-7 . Ảnh: AP

Nhật cảnh báo 
Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến hội nghị G-7 để tìm kiếm tiếng nói chung chống lại hành vi “thay đổi thực trạng” mà Trung Quốc đang thực hiện trên biển Đông. Theo Kyodo News, ông Abe đến Đức sau khi tiếp đón Tổng thống Philippines Benigno Aquino và tranh thủ tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh với Malaysia.

Các quan chức Nhật cho biết Thủ tướng Abe sẽ hối thúc các nhà lãnh đạo G-7 cảnh báo Trung Quốc phải ngừng leo thang căng thẳng trên biển Đông và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Nhật không phải là một bên trong tranh chấp tại đây nhưng cũng có tranh cãi về chủ quyền với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

“Nhật là đại diện duy nhất của châu Á tại G-7. Do đó tôi sẽ có các cuộc thảo luận quan trọng về các vấn đề của châu Á” – ông Abe tuyên bố.

Trước đó, truyền thông Nhật đưa tin các nước G-7 sẽ ra tuyên bố kêu gọi duy trì trật tự quốc tế trên biển Đông và phản đối các hành vi đơn phương dù không nêu đích danh Trung Quốc.

Thủ tướng Abe cũng muốn G-7 phản đối hành vi lấn đất, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc. Mới đây, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết Nhật đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ để ngăn chặn những hành vi gây căng thẳng trên biển Đông.

Hội nghị G-7 diễn ra tại khu nghỉ dưỡng cao cấp ở phía nam nước Đức. Ảnh: Reuters
Hội nghị G-7 diễn ra tại khu nghỉ dưỡng cao cấp ở phía nam nước Đức. Ảnh: Reuters
Bong bóng in hình các nhà lãnh đạo G7 được trang trí tại nơi diễn ra hội nghị. Ảnh: Reuters.
Bong bóng in hình các nhà lãnh đạo G7 được trang trí tại nơi diễn ra hội nghị. Ảnh: Reuters.
Ông Obama được chiêu đãi bằng bữa tiệc truyền thống miền nam nước Đức. Ảnh: Reuters.
Ông Obama được chiêu đãi bằng bữa tiệc truyền thống miền nam nước Đức. Ảnh: Reuters.
Các phụ nữ miền nam nước Đức trong trang phục truyền thống chào đón các nguyên thủ dự Hội nghị G7. Ảnh: AFP
Các phụ nữ miền nam nước Đức trong trang phục truyền thống chào đón các nguyên thủ dự Hội nghị G7. Ảnh: AFP

Hôm qua, Philippines lên tiếng hoan nghênh việc G-7 phản ứng về tình hình biển Đông. Người phát ngôn của Tổng thống Aquino là Herminio Coloma đánh giá: “Việc thảo luận để đạt được giải pháp hoà bình và trật tự cho vấn đề biển Đông cũng là quan điểm của chúng tôi”.

Thời gian qua, Tổng thống Philippines Aquino liên tục nỗ lực kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế về vấn đề biển Đông trong hội nghị ASEAN, các chuyến công du châu Âu và mới đây là chuyến thăm Nhật.

“Nhiều nước trên thế giới hiểu rõ giá trị của tự do hàng hải, hàng không và trật tự của các hoạt động giao thương toàn cầu” – người phát ngôn Coloma bình luận.

Tổng thống Mỹ Obama nâng ly bia trước thềm Hội nghị G7 tại Đức. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Obama nâng ly bia trước thềm Hội nghị G7 tại Đức. Ảnh: Reuters

Không có cấm vận mới với Nga?

Tại Đức, thủ tướng Nhật và các nhà lãnh đạo phương Tây quyết gây sức ép lên Nga về xung đột Ukraine trong thời điểm chiến sự bùng phát trở lại tại khu vực miền đông nước này. Trước đó chính quyền Kiev cáo buộc Matxcơva đưa tới 9.000 lính vào miền đông.

Theo Reuters, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định các cuộc thảo luận tại hội nghị G-7 sẽ tập trung vào việc siết chặt trừng phạt Nga.

Ông Tusk nhấn mạnh G-7 sẽ không mời Nga tham dự hội nghị cho đến khi điện Kremlin thay đổi chính sách đối với Ukraine.

Tuy nhiên, báo Wall Street Journal dẫn lời một số nhà ngoại giao châu Âu dự báo nhiều khả năng G-7 sẽ không mở rộng trừng phạt Nga hay cung cấp vũ khí cho Ukraine. Giới quan sát cho rằng Thủ tướng Đức Merkel đang mạo hiểm về vấn đề Ukraine.

Các khảo sát gần đây cho thấy phần lớn người dân Đức lo ngại về việc đối đầu với Nga bởi nhiều doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Nga. “G-7 đại diện cho các giá trị chung, nhận thức chung và các trật tự xã hội dân chủ chung” – bà Merkel bảo vệ quyết định không mời ông Putin.

Cuộc khủng hoảng Hi Lạp, biến đổi khí hậu, dịch Ebola… cũng sẽ là những chủ đề đàm phán. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố khả năng Hi Lạp rời khối đồng euro “không phải là một giải pháp, nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra”.

Thủ tướng Merkel cam kết sẽ thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu để tạo đà cho hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc, sẽ diễn ra tại Paris vào cuối năm nay.

Ba nguyên thủ Anh, Pháp, Đức (từ trái sang) dự hội nghị G7. Ảnh: Reuters.
Ba nguyên thủ Anh, Pháp, Đức (từ trái sang) dự hội nghị G7. Ảnh: Reuters.
Hai nhà hoạt động trong trang phục chú hề đi diễu hành bên ngoài khu tổ chức Hội nghị G7. Ảnh: Reuters.
Hai nhà hoạt động trong trang phục chú hề đi diễu hành bên ngoài khu tổ chức Hội nghị G7. Ảnh: Reuters.
Các nhà lãnh đạo bàn hàng loạt vấn đề từ xung đột Ukraine, khủng hoảng nợ Hi Lạp đến căng thẳng biển Đông. Ảnh: AFP
Các nhà lãnh đạo bàn hàng loạt vấn đề từ xung đột Ukraine, khủng hoảng nợ Hi Lạp đến căng thẳng biển Đông. Ảnh: AFP

Hội nhập ASEAN phụ thuộc biển Đông

Hôm qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố hội nhập ASEAN sẽ thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ khu vực Đông Nam Á, nhưng chất lượng hội nhập phụ thuộc vào nỗ lực giải quyết các vấn đề lớn như tranh chấp trên biển Đông.

Theo ông Lý, vấn đề biển Đông “tác động trực tiếp đến bốn nước thành viên của ASEAN, song cũng gián tiếp ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực bởi đây là vấn đề an ninh ở trung tâm của Đông Nam Á”.

Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh lập trường của ASEAN là các bên cần đẩy nhanh đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

 

TRẦN PHƯƠNG