01/11/2024

Đề nghị chế tài bộ trưởng hứa nhưng không làm

Tuần này, Quốc hội sẽ chất vấn bốn bộ trưởng, nhiều đại biểu cho biết họ đặt ra vấn đề trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng khi đưa ra những lời hứa trước đây nhưng chưa thực hiện.

 GẶP GỠ ĐẦU TUẦN

Đề nghị chế tài bộ trưởng hứa nhưng không làm

 

Tuần này, Quốc hội sẽ chất vấn bốn bộ trưởng, nhiều đại biểu cho biết họ đặt ra vấn đề trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng khi đưa ra những lời hứa trước đây nhưng chưa thực hiện.


 

Nông dân Đà Lạt đổ bỏ hành tây vào tháng 4-2015 vì giá hành xuống thấp, chi phí vận chuyển đi bán không bù được chi phí thu hoạch - Ảnh: Mai Vinh
Nông dân Đà Lạt đổ bỏ hành tây vào tháng 4-2015 vì giá hành xuống thấp, chi phí vận chuyển đi bán không bù được chi phí thu hoạch – Ảnh: Mai Vinh

Các bộ trưởng bộ Công thương, NN&PTNT, GD-ĐT và Khoa học – công nghệ sẽ lần lượt tham gia trả lời chất vấn.

* Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):

Băn khoăn về các lời hứa

Tôi rất quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Vì sao? Vì chủ trương của Đảng có rất lâu rồi, kỳ nào cũng nói, bao nhiêu giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa làm tốt. Cứ được mùa thì rớt giá, bà con nông dân vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống. Đây là một vấn đề cần phải giải quyết triệt để.

Mặc dù GDP từ nông thôn chỉ đóng góp 20% nhưng ở đó lại có đến 60% dân số. Khu vực này có đóng góp rất quan trọng, nhất là ổn định lương thực.

Tôi đề nghị phải giải quyết bằng được, chứ không phải kỳ nào cũng ca bài ca cũ “được mùa mất giá”, chứng tỏ chất lượng quy hoạch nông nghiệp, thị trường tiêu thụ của chúng ta có vấn đề.

Tôi muốn đặt vấn đề với bộ trưởng Bộ NN&PTNT vì sao sản xuất nông nghiệp của chúng ta đã đưa ra giải pháp nhưng không giải quyết triệt để được. Sản xuất nông nghiệp phải theo kế hoạch, phải có các vùng chuyên canh, phải làm việc theo quy mô lớn chứ theo hộ như thế này thì rất khó quy hoạch nguồn lực.

Tôi chỉ mong bộ trưởng đưa ra được giải pháp để bằng các nước trong khu vực thôi chứ không nói thế giới gì cho cao xa.

Tôi cũng muốn đặt vấn đề với bộ trưởng Bộ GD-ĐT vì thấy ý tưởng cải cách giáo dục vừa qua là tốt nhưng cử tri vẫn e ngại không thành công.

Chẳng hạn như thi vào đại học với một kỳ thi quốc gia chung lẽ ra phải làm phạm vi hẹp rồi nhân rộng ra. Làm một lần toàn diện như vậy tôi rất lo ngại.

Một vấn đề nữa là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay so với khu vực và thế giới ra sao? Vì sao tiến sĩ thì nhiều mà chúng ta chưa có những nhà sáng chế được thế giới, khu vực công nhận?

Với bộ trưởng Bộ Công thương, câu hỏi của tôi là vì sao doanh nghiệp trong nước mãi kém phát triển? Vừa qua xuất khẩu tăng chủ yếu do doanh nghiệp có vốn nước ngoài đóng góp là chính.

Khi giá lao động rẻ, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở lại nhưng nếu có khó khăn thì họ sẽ rút. Lúc đó doanh nghiệp trong nước yếu kém thì làm sao vực dậy nền kinh tế?

Tôi cũng có băn khoăn chung về lời hứa của các bộ trưởng được chất vấn ở các kỳ trước cơ bản là đã triển khai nhưng kết quả không như mong muốn. Nhiều bộ trưởng cứ đổ hết cho lý do này đến lý do khác. Rõ ràng phân cấp trách nhiệm cá nhân là có vấn đề, đã hứa thì phải làm đến nơi đến chốn.

Tôi đề nghị Quốc hội phải ra chế tài. Bộ trưởng nào đã hứa thì phải làm, còn không làm được thì phải chế tài, cứ nói trách nhiệm người đứng đầu mà mãi không xử lý ai được.

* Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội):

Nên chất vấn theo vấn đề

Ở các nước, người ta chủ yếu chất vấn thủ tướng, còn ở ta thì chất vấn nhiều bộ trưởng. Nhưng tôi nghĩ nên tập trung vấn đề, ví dụ như vấn đề đầu tư thì có thể chất vấn bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư, bên cạnh đó có thể chất vấn thêm bộ trưởng Bộ NN&PTNT về đầu ra nông sản, quy hoạch vùng chuyên canh.

Hay đạo đức xuống cấp đang được xã hội quan tâm chẳng hạn, có thể chất vấn bộ trưởng Bộ GD-ĐT và các vị đầu ngành có liên quan.

Hiện nay chúng ta đang chọn cá nhân để chất vấn. Bộ trưởng nào được chọn chất vấn thì dư luận có khi cứ nhằm vào cá nhân bộ trưởng đó rồi dễ sa vào việc đánh giá cho điểm từng cá nhân…

Và khi chọn vấn đề thì liên quan đến nhiều bộ trưởng, cử tri cũng có thể qua đó đánh giá được họ. Thực chất chúng ta cũng đã quan tâm đến vấn đề này vì ở Quốc hội khi một bộ trưởng trả lời thì cũng có bộ trưởng khác trả lời các vấn đề liên quan.

Nên theo nhóm vấn đề, bởi mục tiêu cuối cùng là để giải quyết vấn đề đó như thế nào chứ không phải là đánh giá bộ trưởng đó. Và cái chính là phải đi đến cùng một vấn đề mới ra được nghị quyết chứ nếu không thì sẽ khó giải quyết được.

Trong các bộ trưởng trả lời chất vấn kỳ này, tôi quan tâm đến lĩnh vực khoa học – công nghệ khi chính sách cho khoa học – công nghệ đang bất cập. Suốt mấy kỳ quyết toán ngân sách thì dòng ngân sách cho khoa học – công nghệ bao giờ cũng thấp.

Các nước đều dành 3-5% GDP cho phát triển khoa học – công nghệ nhưng nước ta thì chỉ 2% ngân sách nhà nước mà chi tiêu cũng không hết. Như vậy là làm quá ít, làm sao có hiệu quả như mong chờ, làm sao là quốc sách hàng đầu được.

Tại sao chưa thực hiện được điều đó? Tôi nhận thấy bộ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ là bộ trưởng ít được chất vấn nhất. Nhưng chúng ta cũng phải xem lại vai trò của một bộ quan trọng như thế mà không được chất vấn thì cũng chưa hẳn là tốt.

* Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM):

Nhiều vấn đề nóng sẽ không được chất vấn

Tôi muốn chất vấn bộ trưởng Bộ Công an và viện trưởng Viện KSND tối cao nhưng rất tiếc có thể ý kiến của tôi là thiểu số nên hai vị này không được chọn để chất vấn.

Theo tôi, hai trong số những vấn đề bức xúc trong kỳ họp này là việc phòng chống oan sai trong tố tụng hình sự và những vấn đề trong dự thảo sửa đổi Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó tôi đã gửi câu hỏi về hai vấn đề này.

Một bộ trưởng nữa tôi cũng muốn đặt câu hỏi là bộ trưởng Bộ Tài chính với vấn đề nợ công và ngân sách 2013 và 2014 có nhiều điểm cần được làm rõ, chẳng hạn chuyện nợ công đang tăng cao mà đi xây sân bay Long Thành thì sẽ giải quyết thế nào, nhưng cũng không được chọn chất vấn.

Các bộ trưởng đã được chọn chất vấn kỳ này tôi cũng không rõ là do đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi lấy ý kiến đại biểu hay là lấy ý kiến rồi mới tổng hợp lại.

Theo tôi, số lượng câu hỏi gửi lên chỉ là một yếu tố để chọn bộ trưởng được chất vấn chứ không nên là yếu tố duy nhất. Vì sẽ có nhiều câu hỏi không cần thiết phải được chất vấn trên hội trường, vì có thể cần thiết mà không cấp bách. Cho nên chỉ xét tiêu chí số lượng câu hỏi không thì không nên.

Còn những vấn đề cấp bách dù ít người hỏi nhưng nếu đưa ra được hội trường để chất vấn thì cử tri cũng hài lòng hơn.

* Ông Trần Quang Chiểu
 (uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội):

Đừng đổ lỗi cho người dân

Nhìn vào bức tranh kinh tế hiện nay chúng ta thấy nổi lên vấn đề sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ.

Tình hình hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là gạo, cao su, trái cây, ảnh hưởng đến đời sống nông dân.

Từ thực tiễn đó, việc Quốc hội bố trí chất vấn bộ trưởng Bộ NN&PTNT, bộ trưởng Bộ Công thương tại kỳ họp lần này theo tôi là phù hợp.

Không thể nói chúng ta đang làm tốt việc tìm kiếm, định hướng và cung cấp thông tin thị trường cho người dân.

Lâu nay có câu chuyện cứ đổ lỗi vòng quanh, có ý kiến cho rằng người dân phải tự tìm kiếm thị trường, không nên chạy theo phong trào, nhưng rõ ràng đây là việc của Nhà nước mà cụ thể là trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương. Xin đừng đổ lỗi cho người dân.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay không phải là năng lực sản xuất của người dân, mà ở chỗ thị trường tiêu thụ cả trong nước và ngoài nước như thế nào.

Từ việc nghiên cứu, dự báo và mở rộng thị trường cho đến quy hoạch, định hướng sản xuất là một chuỗi công việc cần bàn tay của Nhà nước. Vai trò quản lý, kiến tạo, hỗ trợ sản xuất của anh thể hiện ở chỗ đó.

Mới đây báo chí đưa tin 1.000 tấn vải sẽ được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Úc, Mỹ và Israel.

Như vậy, nhìn cả quá trình đổi mới nông nghiệp mấy chục năm qua thì thấy năng lực sản xuất của người nông dân VN rất lớn, đầy đủ khả năng đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu vào các thị trường đa dạng.

Vậy thì khó khăn do đâu? Trong chất vấn của Quốc hội kỳ này phải làm rõ được câu hỏi này.

Truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn

Các phiên trả lời chất vấn của bốn bộ trưởng Khoa học – công nghệ, GD-ĐT, Công thương, NN&PTNT sẽ bắt đầu từ phiên họp sáng 11-6 đến hết buổi sáng 13-6. Các phiên chất vấn sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên sóng VTV1 và VOV1.

Một nội dung quan trọng khác cũng được Quốc hội dành trọn ngày hôm nay (8-6) để thảo luận là việc đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Trong tuần, Quốc hội cũng dành thời gian để thảo luận ở hội trường nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khoá XIII và năm 2015; chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016; Bộ luật dân sự (sửa đổi); Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND…

VIỄN SỰ

VÕ VĂN THÀNH – VIỄN SỰ ghi