11/01/2025

Cơ hội từ chủ trương miễn visa

Chính phủ đã nhất trí với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch như miễn visa, thành lập quỹ phát triển du lịch…

 

Cơ hội từ chủ trương miễn visa

 

Chính phủ đã nhất trí với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch như miễn visa, thành lập quỹ phát triển du lịch…  



Ngành du lịch sẽ tận dụng cơ hội này ra sao? Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thọ – chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN (VITA). Ông Thọ nói:

Cuối năm 2015 du lịch VN phải áp dụng thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, nghĩa là nhân viên trong ngành du lịch ở các nước Philippines, Singapore… hoàn toàn có thể sang VN làm việc dễ dàng, nhân lực trong ngành du lịch VN sẽ phải chấp nhận cạnh tranh rất lớn, nếu không sẽ bị loại ra khỏi thị trường
Ông Nguyễn Hữu Thọ

– Đây là tin vui, vì việc miễn visa cho các quốc gia là thị trường du lịch trọng điểm của VN, các thị trường có quan hệ tốt về chính trị, văn hoá với VN không chỉ đơn thuần mang đến lợi ích cho riêng ngành du lịch mà còn là cơ hội để VN hội nhập sâu và gắn với các thị trường này, tạo điều kiện thông thoáng cho du khách, thương nhân… đến VN du lịch kết hợp đầu tư, thương mại… giúp phát triển thị trường khách, tăng trưởng tốt hơn. 

Các doanh nghiệp VITA tin rằng trong tương lai danh sách các quốc gia được miễn visa sẽ còn mở thêm nữa. Quyết định này của Chính phủ đặt trong bối cảnh các nước trong khu vực đã miễn visa cho rất nhiều thị trường khách quốc tế nên việc mở thêm cho các thị trường du khách của VN là điểm tất yếu trong điều kiện cạnh tranh đang ngày càng khó khăn hơn, trong bối cảnh khách quốc tế đến liên tục giảm.

* Để hỗ trợ quảng bá ngành du lịch, trước đây VN từng có quỹ xúc tiến du lịch cũng như trung tâm xúc tiến du lịch, nhưng vì sao không phát huy được, thưa ông?

– Trước đây VN từng có quỹ này nhưng tình hình khó khăn, quy mô của quỹ nhỏ nên sử dụng cũng dè sẻn, tiết kiệm… dẫn đến việc không thể làm tốt xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm… cho du lịch VN. Việc đề nghị thành lập lại quỹ này là tất yếu vì quốc gia nào cũng có quỹ để xúc tiến quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, đất nước con người ở các thị trường trọng điểm nhằm thu hút, lôi kéo khách đến.

Bây giờ phải nghiên cứu mô hình thành lập quỹ và tính cách làm sao cho quy mô quỹ tăng lên, có thể làm nhiều việc quảng bá xúc tiến, xây dựng sản phẩm mới, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách… thật hiệu quả. VITA sẽ cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án thành lập và vận hành quỹ này trong thời gian sớm nhất.

* Miễn visa, quảng bá để thu hút khách nhưng môi trường du lịch của VN chưa được cải thiện, như nạn chèo kéo du khách, thái độ ứng xử thiếu văn minh, thân thiện tại các điểm du lịch… Việc này phải được giải quyết tận gốc như thế nào?

– Tôi nghĩ VITA và các cơ quan liên quan phải tập trung giải quyết ngay, dứt khoát, triệt để và hiệu quả những vấn đề này. Nếu chính quyền địa phương thật sự quyết tâm kiểm soát, đưa ra các quy định và chế tài nếu vi phạm trong việc xây dựng một môi trường xanh, sạch, vệ sinh hoàn toàn có thể giải quyết được. 

Tôi vừa có dịp đến các huyện biên giới Hương Sơn, Nghi Sơn… (Hà Tĩnh) và hoàn toàn bất ngờ khi nhìn thấy đường phố ở vùng biên viễn này lại vô cùng sạch sẽ, xanh. Ở những thành phố du lịch như Đà Nẵng, Hội An, Sa Pa, Nha Trang và một số khu vực ở TP.HCM cũng đảm bảo duy trì được môi trường xanh sạch, không rác, có nhà vệ sinh… thì cớ gì những địa phương khác không làm được. 

VITA sẽ đề nghị quyết liệt với chính quyền địa phương để những nơi này thể hiện bằng những quy định có hình thức chế tài nhằm đảm bảo môi trường ở địa phương thật sạch sẽ, trong lành… 

* Khi đã có môi trường xanh sạch, có tiền quảng bá… theo ông, sản phẩm du lịch nào của VN là đặc trưng riêng có để du khách phải chọn VN?

– Có một thực tế là sản phẩm, tiềm năng du lịch của VN không thua ai. Đó là hơn 3.200km bờ biển chạy dọc từ Bắc xuống Nam, đây chính là sản phẩm rất riêng, chiến lược mà nhiều nước không có được. Biển VN ngay cả mùa đông vẫn rất phù hợp với khách nước ngoài: họ vẫn tắm được vì nước còn ấm hơn cả biển ở nước họ. Du lịch biển VN sẽ là sản phẩm chiến lược mà nhiều nước khác không có, các tổ chức du lịch lớn trên thế giới đã thống kê lượng khách đi du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn chiếm đa số trong các sản phẩm du lịch, từ du lịch biển có thể kết nối với du lịch văn hoá, lịch sử… 

Tổ chức Du lịch thế giới đã dự báo du lịch sinh thái sẽ là xu thế của du lịch trong thế kỷ 21, trong đó du lịch sinh thái biển là cái duy nhất, đặc biệt nhất.

Có người cho rằng du lịch biển VN kéo dài như vậy sẽ trùng lắp, không còn hấp dẫn nhưng tôi cho rằng hiểu theo cách đó là hiểu chưa hết. Cũng là làng chài thì ở Bình Thuận sẽ khác Nha Trang, hải sản, văn hoá ở những nơi này cũng sẽ rất khác, hơn nữa từ biển rất dễ dàng có thể lên rừng, đến các vùng cao nguyên hay miền núi…

Khách Nga, Nhật, Hàn Quốc chiếm 23,6% lượng khách đến VN

Theo nghiên cứu của Tổng cục Du lịch, kể từ khi miễn visa (năm 2004) số lượng khách Nhật Bản đến VN tăng 2,43 lần, khách đến từ Hàn Quốc tăng 3,6 lần, khách Nga (miễn visa từ năm 2009) tăng 7,45 lần… Trong nhiều năm, ba thị trường Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản đều là những thị trường hàng đầu về khách quốc tế đến VN. Chỉ riêng năm 2014, nhóm khách đến từ các thị trường này đã đạt 1,8 triệu lượt, chiếm 23,6% so với tổng số khách cả nước.

Cơ cấu thị trường nguồn của du lịch VN có 72% là từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tiếp theo là châu Âu (14%) và Bắc Mỹ (7%). Các thị trường nguồn lớn nhất của VN đều thuộc các nước có GDP lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga), và quan trọng là các nước có tổng chi tiêu du lịch ra nước ngoài nhiều nhất thế giới (Trung Quốc, Đức, Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Nhật Bản, Úc).

* Bà Bùi Viết Thủy Tiên (giám đốc Công ty du lịch Asian Trails):

Quỹ xúc tiến du lịch là cần thiết

Nhiều đối tác của chúng tôi ở nước ngoài khó tìm được thông tin giới thiệu chuyên nghiệp về du lịch VN. Do vậy, theo tôi, quỹ này nếu có nên dùng để thuê bên ngoài thực hiện quy hoạch quảng bá cho du lịch VN đến các thị trường trọng điểm của VN.

Xây dựng hệ thống văn phòng hoặc trung tâm thông tin về du lịch đặt ở những thị trường trọng điểm cho VN. Để tiết kiệm chi phí có thể kết hợp chung đại sứ quán, Vietnam Airlines và cử cán bộ chuyên trách toàn tâm toàn ý làm công việc thúc đẩy du lịch VN. 

* Ông Hoàng Hữu Lộc (chủ tịch hội đồng thành viên Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist):

Nên mở cho các quốc gia có đường bay thẳng

Miễn visa sẽ giúp du khách đi đến quyết định chọn nơi đi du lịch nhưng nên chọn các quốc gia có đường bay thẳng đến VN. Một khi họ đã quyết định đi du lịch đến VN nhưng phải mất nhiều thời gian bay và tiền vé máy bay thì họ có xu hướng chọn các quốc gia có đường bay trực tiếp.

* Ông Nguyễn Đức Quỳnh (phó tổng giám đốc điều hành khu nghỉ dưỡng Furama):

Sẵn sàng đóng góp, nhưng phải minh bạch

Theo đề xuất, sắp tới sẽ thành lập Quỹ phát triển du lịch do doanh nghiệp đóng góp. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp nhưng câu hỏi của tôi là tại sao lại cứ 1 USD mà không phải là 80 cent hay 1,5 USD?

Tôi nghĩ ngành du lịch phải có kế hoạch rất cụ thể là chúng tôi dự định làm cái này cái kia, quảng bá cái gì, ở đâu, lập văn phòng ở đâu và vận hành tốn kém ra sao… Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu và các doanh nghiệp sẽ đóng góp thêm bao nhiêu? Cũng cần xác định rõ những ai điều hành quỹ này, bộ máy quản lý như thế nào và gồm những ai…

 

LÊ NAM