01/11/2024

Căng thẳng dâng cao bên bờ Hoàng Hải

Chỉ trích Hàn Quốc có “động thái chiến tranh”, nhưng CHDCND Triều Tiên cũng bị nghi đang đổ quân và vũ khí ra sát giới tuyến biển liên Triều.

 

Căng thẳng dâng cao bên bờ Hoàng Hải

 

 

Chỉ trích Hàn Quốc có “động thái chiến tranh”, nhưng CHDCND Triều Tiên cũng bị nghi đang đổ quân và vũ khí ra sát giới tuyến biển liên Triều.

 

 

Triều Tiên tăng cường hiện diện quân sự ở Hoàng Hải trong khi Hàn Quốc thử thành công tên lửa đạn đạo mới - Ảnh: AFP/ReutersTriều Tiên tăng cường hiện diện quân sự ở Hoàng Hải trong khi Hàn Quốc thử thành công  tên lửa đạn đạo mới - Ảnh: AFP/Reuters

Sau một thời gian có vẻ yên ắng, tình hình bán đảo Triều Tiên lại nóng lên sau những diễn biến mới nhất. Theo Tân Hoa xã hôm 7.6, Uỷ ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên (CPRK) lên án việc Hàn Quốc cùng Mỹ lập ra 4 nguyên tắc hoạt động chung mới nhằm ứng phó các đợt phóng tên lửa từ miền Bắc.

Ngoài bộ nguyên tắc mới, quân đội Hàn Quốc và Mỹ chính thức đưa vào hoạt động sư đoàn bộ binh hỗn hợp tại tỉnh Gyeonggi nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến và ứng phó Triều Tiên. Đây là sư đoàn hỗn hợp đầu tiên giữa hai nước, theo tờChosun Ilbo. Nếu xảy ra chiến sự, nhiệm vụ chính của sư đoàn này là chiếm cho bằng được kho vũ khí huỷ diệt hàng loạt của Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng chỉ trích việc quân đội Hàn Quốc lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo với tầm bắn ít nhất 500 km, có khả năng vươn tới hầu hết các mục tiêu ở Triều Tiên, hồi đầu tuần trước. Vũ khí này được phát triển sau khi Hàn Quốc và Mỹ đạt thoả thuận cho phép Seoul mở rộng tầm bắn tên lửa từ 300 km lên 800 km hồi năm 2012. Yonhap dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ nước này có kế hoạch triển khai tên lửa mới vào cuối năm nay.
Tàu chiến Triều Tiên áp sát giới tuyến
Về phần mình, quân đội Hàn Quốc loan tin Triều Tiên đang cấp tập tăng cường hiện diện quân sự sát giới tuyến biển trên Hoàng Hải. Một sĩ quan cấp cao của Seoul tiết lộ với tờ JoongAng Ilbo rằng miền Bắc đã triển khai cho Bộ Chỉ huy Hạm đội Hoàng Hải một lớp tàu quân sự được gọi là tàu rất mảnh (VSV) có tốc độ rất cao lẫn khả năng đạp sóng và tránh radar. Theo vị sĩ quan này, Hàn Quốc vừa phát hiện một chiếc VSV trong vùng biển thuộc đảo Yongmae, cách đảo tiền tiêu Yeonpyeong của Hàn Quốc khoảng 20 km. Giới tình báo miền Nam ước tính Bình Nhưỡng đã đưa vào hoạt động 7 chiếc VSV.
Loại tàu này được cho là dài 10 – 15 m, rộng 5 m, có thể đạt vận tốc 100 km/giờ, được trang bị súng 30 mm và ngư lôi. Tàu được sơn một loại sơn đặc biệt giúp vô hiệu hoá tín hiệu radar. Theo các chuyên gia, VSV linh hoạt và nhanh hơn nhiều so với tàu đệm khí, vốn là khí tài đổ bộ cho biệt kích chủ lực hiện nay của Triều Tiên. Một nguồn tin Hàn Quốc nhận định nếu VSV được triển khai cùng tàu ngầm nhỏ sẽ tạo nên một nguy cơ lớn.
Theo JoongAng Ilbo, quân đội Hàn Quốc hiện nay đang lo ngại những tàu chiến nhanh nhất của họ cũng khó “đua tốc độ” với VSV. Các tàu tuần tra mang tên lửa dẫn đường của Hàn Quốc được xem là “sát thủ trên biển” nhưng chỉ có tốc độ tối đa gần 75 km/giờ. Trước tình trạng này, Cơ quan Phát triển quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẽ nâng cấp tàu mang tên lửa dẫn đường và triển khai vào năm tới để ứng phó tốt hơn những “mối đe dọa ngày càng tăng”.
Doanh trại cho pháo hạng nặng ?
Theo tờ The Hankyoreh, Triều Tiên còn được cho là sắp dựng xong 5 doanh trại trên đảo Gal, cách đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc chỉ khoảng 4,5 km, và hoàn toàn có thể triển khai bệ phóng rốc két 122 mm hoặc pháo hạng nặng tới đây.
Loại bệ phóng của miền Bắc được phát triển dựa trên hệ thống rốc két đa nòng BM-21 thời Liên Xô, có tầm bắn 20 km và có thể tàn phá một khu vực rộng lớn. Đây cũng chính là vũ khí Triều Tiên dùng tấn công đảo Yeonpyeong trong đợt đụng độ năm 2010. Nếu bệ phóng rốc két 122 mm được triển khai tới đảo Gal, đảo Yeonpyeong và các vùng biển xung quanh sẽ gặp mối đe dọa nghiêm trọng, theo The Hankyoreh dẫn cảnh báo từ quân đội Hàn Quốc.
Để ứng phó nguy cơ mới, Hàn Quốc đã trang bị cho quân đoàn thuỷ quân lục chiến đóng trên các đảo tiền tiêu pháo tự hành K-9 155 mm với tầm bắn 40 km và tên lửa Spike do Israel sản xuất.
“Có thể xảy ra vụ Yeonpyeong mới bất cứ lúc nào”
Trong chuyến thăm đảo tiền tiêu Yeonpyeong mới đây, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Choi Yun-he yêu cầu đơn vị lính thủy đánh bộ đóng trên đảo luôn sẵn sàng đáp trả lập tức mọi hành động “khiêu khích”, theo Yonhap.
Nơi này từng hứng pháo từ miền Bắc trong cuộc đọ pháo năm 2010 khiến 2 binh sĩ và 2 dân thường miền Nam thiệt mạng. Triều Tiên đã chỉ trích phát biểu của ông Choi là “mang tính khiêu khích” đồng thời cảnh báo “quan hệ liên Triều ngày càng xấu đi” và vụ Yeonpyeong “không hẳn là chuyện của quá khứ”.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Thanh Niên tại Seoul mới đây, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch hòa bình thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kwon Yong-woo cáo buộc Triều Tiên thường “khiêu khích bằng cách thử tên lửa hay tuyên bố về hạt nhân để đạt các mục đích về ngoại giao, chẳng hạn như chứng tỏ vị thế với Mỹ hay Trung Quốc hoặc gây sức ép cho Hàn Quốc”. “Trong một giai đoạn nào đó, nếu quan hệ liên Triều không theo hướng họ muốn thì có thể họ sẽ có hành động nguy hiểm hơn và những vụ tương tự như tàu Cheonan hay đảo Yeonpyeong có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, ông Kwon nói. Lâu nay Seoul vẫn cáo buộc miền Bắc là thủ phạm đánh đắm tàu chiến Cheonan làm chết 46 thuỷ thủ hồi năm 2010 nhưng Bình Nhưỡng cực lực bác bỏ.
Trọng Kha

Văn Khoa