Chiến lược kiềm chế Ấn Độ của Trung Quốc
Trong lúc Mỹ đang tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, Trung Quốc được cho là thực thi chiến lược phong toả thế lực tại Nam Á bằng cách “bao vây” Ấn Độ Dương.
Chiến lược kiềm chế Ấn Độ của Trung Quốc
Trong lúc Mỹ đang tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, Trung Quốc được cho là thực thi chiến lược phong toả thế lực tại Nam Á bằng cách “bao vây” Ấn Độ Dương.
Với nền kinh tế tăng trưởng nhanh và luôn “đói” năng lượng của Trung Quốc, Ấn Độ Dương trở thành mục tiêu cần phải kiểm soát trong tương lai nhằm đảm bảo tuyến trung chuyển dầu từ Trung Đông. Điều này có nghĩa Bắc Kinh đang cố gắng gia tăng sự hiện diện hải quân tại khu vực, bao gồm những địa điểm chiến lược dù ở vị trí hẻo lánh như Maldives, chuỗi đảo bé nhỏ cách tiểu lục địa Ấn Độ chưa đầy 640 km về hướng tây nam, đến các vị trí đặt căn cứ hải quân và máy bay không người lái của Mỹ như Seychelles và Diego Garcia.
Từ nỗ lực bao vây…
|
Trung Quốc đã giành được chỗ đứng tại Maldives, bao gồm 26 đảo san hô, gây quan ngại sâu sắc từ các bên như Washington và New Delhi rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng lặp lại hành vi bồi đắp đảo nhân tạo để đặt căn cứ quân sự như đang triển khai phi pháp tại Biển Đông.
“Sự quan tâm của Trung Quốc tại Maldives cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng nghiêm túc hơn trong việc vươn tầm ảnh hưởng ra ngoài phạm vi các vùng biển gần, và Ấn Độ Dương sẽ trở thành nơi có vị trí chiến lược ở tầm rộng lớn hơn đối với Mỹ trong những thập niên tới”, trang Politico dẫn lời hạ nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Hải lực thuộc Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ. Ông cho rằng đã đến lúc Mỹ phải có vai trò tích cực trong khu vực này.
Politico cũng dẫn một số tin tức cho thấy Trung Quốc đang có ý đồ với Seychelles, quần đảo gồm 115 đảo nhỏ cũng tại Ấn Độ Dương, với khả năng thiết lập căn cứ quân sự tại đó. Đáng lưu ý đây cũng là nơi đặt căn cứ của Mỹ để triển khai máy bay không người lái (UAV) đến các nơi trên lục địa Phi châu như Somalia hoặc Yemen.
Bên cạnh đó, giới quân sự và quan sát cũng cho rằng Trung Quốc đang nhắm vào nơi đặt căn cứ quân sự gần Ấn Độ Dương nhất của Mỹ là Diego Garcia trên quần đảo Chagos tại Mauritius. Diego Garcia nằm dưới quyền kiểm soát của Anh và được Mỹ thuê lại để đặt căn cứ quân sự. Tuy nhiên, với cách tiếp cận thông qua việc đầu tư vào ngành du lịch ở Mauritius, Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy quan hệ song phương với quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Anh về quần đảo Chagos, bao gồm đảo san hô vòng Diego Garcia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng hào phóng chi đậm cho việc xây dựng cảng biển ở các quốc gia láng giềng của Ấn Độ như cảng Colombo của Sri Lanka.
… đến phong tỏa quân sự
Trong một phóng sự trên Đài NDTV của Ấn Độ hồi đầu tháng 6, giới chức hải quân cấp cao của Ấn Độ nói hải quân nước này đang duy trì trạng thái cảnh báo trước sự xâm nhập của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc trong vùng biển tiếp giáp tiểu lục địa Ấn Độ. Nguồn tin của NDTV bác bỏ tuyên bố từ phía Trung Quốc rằng việc triển khai tàu ngầm hạt nhân tấn công là một phần trong sứ mệnh hỗ trợ chống cướp biển ngoài khơi Somalia.
“Tay chơi” chủ chốt trong trò mèo vờn chuột mới đây tại Ấn Độ Dương là tàu Type 093 (lớp Thương), với ít nhất 6 chiếc đã được đóng mới hoặc triển khai. Các nguồn tin hải quân Ấn Độ bày tỏ ấn tượng trước sự chịu đựng dẻo dai của lớp tàu này, khi nó bám trụ suốt 3 tháng trong lòng biển Ấn Độ Dương, dù hoạt động khá ồn ào so với lớp tàu hạt nhân tấn công đời mới Los Angeles của Mỹ.
Kể từ năm 2008, hải quân Ấn Độ đã theo dõi sát sao những động thái của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, tức thời điểm Bắc Kinh triển khai tàu đến khu vực tham gia cuộc chiến chống hải tặc ở vùng Sừng châu Phi. Vào năm ngoái, một tàu ngầm điện – diesel lớp Tống đã đậu vài ngày tại bến bốc dỡ container thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc tại cảng Colombo. Hải quân Ấn Độ cũng ghi nhận việc Bắc Kinh điều một tàu ngầm vào sâu Ấn Độ Dương khi tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 của Hãng Malaysia Airlines. Trong báo cáo thường niên năm 2014, Viện Nghiên cứu hoà bình thế giới Stockholm (SIRPI) nhận định các động thái của hải quân Trung Quốc “có thể đẩy nước này vào cuộc xung đột với Ấn Độ”.
Thuỵ Miên