28/11/2024

“Lớp tôi 41 HS, chỉ 4 em biết nhặt và rửa rau”

Trong một dịp tôi tổ chức cho lớp đi du lịch, lớp có 41 em, trong đó 23 em là nữ nhưng chỉ sáu em biết chút ít về nội trợ, bốn em biết nhặt rau và rửa rau.

 

“Lớp tôi 41 HS, chỉ 4 em biết nhặt và rửa rau”

Trong một dịp tôi tổ chức cho lớp đi du lịch, lớp có 41 em, trong đó 23 em là nữ nhưng chỉ sáu em biết chút ít về nội trợ, bốn em biết nhặt rau và rửa rau. 


 
 

Những em còn lại khá lúng túng. 

Khi cô trò cùng xắn tay vào nấu, ngoài nhặt rau, rửa rau ra thì đa số em không biết phải nấu thế nào cho đúng. Có em kêu: “Khó quá cô ơi, lỡ cháy thì sao ạ?”. Một em khác nhăn nhó: “Mỗi lần con vào bếp định giúp thì mẹ lại xua tay bảo ra ngoài cho đỡ vướng chân cô ạ”.

Tôi giật mình khi thấy các em học lớp 11 rồi mà vẫn khá lúng túng với việc nấu một số món ăn cơ bản. Có một em gái còn thú nhận: “Thưa cô, con chẳng bao giờ được giặt quần áo của mình. Mẹ bảo rằng con ăn còn chẳng nên huống hồ giặt giũ nên không cho làm ạ”.

Mùa hè đến, nhiều gia đình đang tìm những lớp học năng khiếu cho con. Nhưng lớp học thực tế nhất là ở nhà lại không được phụ huynh mấy quan tâm, chú trọng. Nhiều phụ huynh sợ con ốm, sợ con vất vả, sợ con không có đủ thời gian học nên không muốn con đụng tay vào bất cứ việc gì, ngay cả dọn phòng, sắp xếp góc học tập, cho đến việc vệ sinh cá nhân cũng là việc của cha mẹ và người giúp việc.

Một học trò của tôi cũng được bó hẹp trong vòng tay yêu thương thái quá của bố mẹ. Sợ con bị bạn bè xúi dại nên con trai đi đâu đều được bố mẹ thay phiên nhau đưa đón. Bởi theo phụ huynh này, thà mình vất vả tí còn hơn để con lơ ngơ bước ra đời.

Nhưng chị không hiểu rằng chính vì cái cách chị sẵn sàng vất vả ấy khiến con chị không có cơ hội được trưởng thành. Từ đưa đón con đi học chính cho đến học thêm, từ việc con đi sinh nhật bạn đến liên hoan lớp đều phải do anh chị làm “tài xế”. Thế nên trong một buổi họp phụ huynh, người mẹ của em này cố nán lại sau cùng để tâm sự: “Chẳng hiểu sao thằng Minh nhà tôi tỏ ra rất thờ ơ cô giáo ạ. Ngay cả việc mẹ bị đau bụng quằn quại mà cháu vẫn đòi mẹ nấu cho tô phở vì đói”.

Trong đời làm giáo viên tôi từng gặp những câu hỏi oái oăm của học trò như “tại sao con trâu đi cày bừa, còn con ngựa thì không?”, hay “tại sao đọc sách thì hạt thóc màu vàng mà sao hạt gạo mẹ em mua ngoài chợ về lại là màu trắng ạ?”…

Thực chất các em rất ưa khám phá, tìm tòi. Có chăng là do cha mẹ đã không tạo cơ hội để các em được tìm hiểu về mọi vật xung quanh. Mặc dù rất thông thạo công nghệ như iPad, iPhone nhưng nhiều em lại rất khó khăn để có thể tự gấp chăn sao cho phẳng phiu sau khi ngủ dậy, không biết làm gì khi xe đạp bị hỏng giữa đường, hay đơn giản chỉ là việc vứt rác vào thùng thay vì để mẹ dọn dẹp giúp hoặc tự nấu một bát mì để ăn. Vì sự quan tâm quá máy móc của cha mẹ khiến các em cảm thấy mình vô dụng, chẳng làm nên trò trống gì, chỉ biết ăn và học thôi.

Dường như không ít em đang bị khoá chặt trong vòng vây chăm sóc của cha mẹ, rồi băn khoăn bảo tại sao các em thờ ơ, lạnh lùng, vô cảm với người thân, con không nhớ sinh nhật bố mẹ, không biết quan tâm mỗi khi ông bà, cha mẹ ốm đau, mệt mỏi.

Nhiều người cha, người mẹ nháo nhác đi tìm các lớp học kỹ năng sống chỉ trong vài tuần hè cho con mà quên mất rằng hãy cho con được khám phá, tìm hiểu, được lao động từ trong gia đình. 

Hãy để các em được bắt tay vào giúp ba mẹ từ việc nhỏ nhất, để con được tự giặt quần áo, tự sắp xếp phòng riêng, được giúp mẹ nhặt rau, nấu cơm, lau nhà, đổ rác. Đừng để con trở thành những cái cây thiếu nắng…

Những khóa học ngắn ngủi ngày hè không bao giờ đủ nếu như ở nhà từ kem đánh răng mẹ cũng lấy cho con, từ cái khăn mặt cha cũng lấy giúp con.

Hãy để các em tự thân vận động, bởi lẽ cây được nuôi dưỡng trong một môi trường tự nhiên có nắng, có gió, có mưa sẽ tươi tốt hơn, dẻo dai và khoẻ mạnh hơn, sẽ chịu đựng được mỗi khi thời tiết khắc nghiệt, sẽ đơm hoa và cho quả ngọt.

Còn những cây chỉ được chăm sóc trong bóng râm, không được đưa ra ngoài ánh sáng, không được chống chọi với mưa nắng thì chỉ là cây cảnh mà thôi. 

NGUYỄN THỊ PHINH