Úc sẽ triển khai máy bay tuần tra P-3 ở Biển Đông – Ảnh: ABC News
|
Ngày 2.6, Bộ Quốc phòng Úc ra thông cáo tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành các chuyến bay qua Biển Đông, bao gồm các sứ mệnh giám sát ở vùng biển này theo luật pháp quốc tế. Theo tờ The Guardian, một nữ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Úc còn khẳng định “tất cả các quốc gia trong khu vực đều biết Úc tuần tra trên không ở Biển Đông trong 30 năm qua” và “sẽ tiếp tục làm điều này để góp phần gìn giữ an ninh và ổn định ở Đông Nam Á”.
|
|
Nhật sắp chuyển giao 10 tàu tuần tra cho Philippines
Ngày 2.6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tới Nhật.
Theo lịch trình, ông Aquino sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe vào ngày 4.6 và hai nhà lãnh đạo sẽ nâng quan hệ song phương lên tầm “đối tác chiến lược”, tái khẳng định sự hợp tác trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật pháp quốc tế, Kyodo News dẫn lời một số quan chức Nhật cho hay.
Trong chuyến thăm lần này, ông Aquino có thể chứng kiến hai bên ký thỏa thuận chuyển giao 10 tàu tuần tra cho lực lượng tuần duyên Philippines. Ngoài ra, hai bên có thể bắt đầu đàm phán về hiệp ước chuyển giao thiết bị quốc phòng, theo Đài ABS CBN News.
|
|
|
Thông cáo được đưa ra vài giờ sau khi tờ The Australian tiết lộ: “Chính quyền Thủ tướng Tony Abbott đang tích cực xem xét việc thực hiện hoạt động bảo vệ quyền tự do lưu thông gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây ở Biển Đông”. Theo tờ báo, chính phủ Úc dự tính sẽ triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-3 thực hiện các chuyến bay trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc đang xây đắp ở Biển Đông. Ngoài P-3, chính phủ Úc cũng đang xem xét đưa tàu hải quân vào khu vực trên.
Tờ báo Úc khẳng định hàng loạt tuyên bố vừa qua của Thủ tướng Tony Abbott, Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrews thể hiện rõ ràng sự phản đối của Canberra trước hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh.
Trong đó, ông Andrews ngày 1.6 tuyên bố Úc sẽ tiếp tục triển khai tuần tra ở Biển Đông dù Trung Quốc có lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực này hay không. Bộ trưởng Andrews đưa ra tuyên bố một ngày sau khi Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc đe dọa tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore rằng Bắc Kinh sẽ lập ADIZ “tuỳ theo tình hình an ninh”.
Nhật, Ấn sẽ tiếp bước ?
Hoạt động xây dựng phi pháp cũng như những lời dọa nạt của Trung Quốc hiện là mục tiêu chỉ trích của nhiều nước trong khu vực. Tờ The Asahi Shimbun ở Nhật hôm qua 2.6 đăng bài xã luận có tít Trung Quốc phải dừng ngay việc bồi đắp ở Biển Đông, trong đó lên án những phát biểu của ông Tôn Kiến Quốc về mục đích quân sự của các hoạt động xây cất là “hoàn toàn không thể chấp nhận”. Việc Trung Quốc lập ADIZ ở khu vực sẽ bị Úc, Mỹ và các nước Đông Nam Á xem là sự leo thang nghiêm trọng, theo The Australian.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 2.6 cũng đưa ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do lưu thông đối với sự ổn định và phát triển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và kêu gọi các bên liên quan thực hiện “đầy đủ và hiệu quả” Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Tờ The Australian còn nhận định cả Ấn Độ và Nhật rồi đây cũng sẽ tiến hành các hoạt động tương tự Úc để bảo vệ quyền tự do lưu thông.
Về phía Mỹ, nước này chắc chắn sẽ thực hiện thêm các chuyến bay tuần thám tương tự chuyến bay của chiếc P-8A ngày 20.5 và điều tàu hải quân tuần tra trong khu vực. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Kyodo News ngày 1.6, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó đô đốc Robert Thomas cho hay quân đội Mỹ sẽ tìm cách ngăn chặn các cuộc đụng độ bất ngờ ở Biển Đông và sẽ tiếp tục tuần tra khu vực. Ông Thomas còn cho rằng Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật có thể hoạt động bất kỳ nơi nào trên thế giới, và bày tỏ hy vọng Nhật sẽ hợp tác với các quốc gia khác như Philippines và Úc để tăng cường hiện diện ở Biển Đông.
Trước đó, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo nếu Trung Quốc không ngưng việc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa, Mỹ sẽ triển khai những khí tài quân sự mới tới khu vực để khiến Bắc Kinh phải xem xét lại hành động này, theo tờ Time.
Tổng thống Mỹ cảnh báo Trung Quốc
Trong cuộc gặp gỡ với những người tham gia chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại Nhà Trắng ngày 1.6 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Trung Quốc ngừng hoạt động xây đắp ở Biển Đông và cảnh báo hoạt động này cùng những “hành động hung hăng” ở khu vực là “phản tác dụng”. Ông Obama còn nói thẳng rằng Trung Quốc “không nên cố thiết lập tuyên bố chủ quyền bằng cách hích người khác sang một bên”, theo Đài CBS.
Tổng thống Mỹ khuyến khích Trung Quốc dùng các “cơ sở pháp lý quốc tế” để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, đồng thời nhấn mạnh: “Dù không phải là một bên tranh chấp, nhưng Mỹ có phần trách nhiệm trong việc bảo đảm các tranh chấp được giải quyết hoà bình bằng ngoại giao và theo các tiêu chuẩn quốc tế”. Ông Obama còn tuyên bố Washington sẽ ủng hộ những quốc gia sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong việc thiết lập và thực thi các chuẩn mực cũng như quy định nhằm bảo đảm sự phồn thịnh trong tương lai.
|