Giảm 1/3 cấp phó bộ máy vẫn vận hành tốt
Mặc dù đã được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 13 và đã được tiếp thu, chỉnh lý nhưng theo ý kiến các đại biểu Quốc hội tham gia, thảo luận lần 2 cho dự thảo luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi hôm qua (1.6) …
Giảm 1/3 cấp phó bộ máy vẫn vận hành tốt
Mặc dù đã được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 13 và đã được tiếp thu, chỉnh lý nhưng theo ý kiến các đại biểu Quốc hội tham gia, thảo luận lần 2 cho dự thảo luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi hôm qua (1.6), dự luật này vẫn còn những điều khoản chưa chặt chẽ, đầy đủ và cần hoàn thiện, bổ sung trước khi thông qua.
Cấp phó, bao nhiêu là đủ ?
Theo dự thảo luật được chỉnh lý, Ban soạn thảo đề nghị quy định “cứng” số lượng thứ trưởng các bộ là 5, riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao có nhiều hơn hạn mức trên một thứ trưởng. Đại biểu (ĐB) Chu Sơn Hà (Hà Nội) tuy đồng tình về điều này nhưng cho rằng, việc quy định mỗi bộ có bao nhiêu thứ trưởng sẽ phải do QH quyết định theo chức năng đã ghi trong Hiến pháp chứ không phải UBTV QH.
Tuy nhiên, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) thì rõ ràng hơn: “Trước nay cũng có quy định số cấp phó nhưng ở địa phương, người ta nói: T.Ư có thực hiện đâu? T.Ư sai một ly, dưới đi một dặm, nhờn pháp luật”. Theo ĐB Khanh, cần hạn chế tối đa cấp phó, kể cả với Bộ Quốc phòng hay Bộ Công an. “Cần đề cao vai trò người đứng đầu, góp phần tinh giản biên chế. Nhiều nước, bộ ngoại giao không có chức thứ trưởng mà chỉ có trợ lý”, ông Khanh dẫn chứng. Theo ĐB này: “Ta cứ giảm đi 1/3 cấp phó như dự thảo luật chắc chắn bộ máy vận hành tốt hơn. Năng lực cá nhân có điều kiện thể hiện rõ hơn”.
ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) lo ngại: “Như dự luật vẫn còn quy định một số trường hợp đặc biệt được bổ nhiệm thêm cấp phó, tôi e các trường hợp muốn bổ nhiệm, tăng số cấp phó lại chui hết vào cái quy định đặc biệt đó cả”.
Không nên có “siêu bộ”
Mặc dù dự án luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) có một loạt điều khoản, từ điều 6 đến điều 57 quy định về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, bộ máy Chính phủ, các thành viên Chính phủ… nhưng theo ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang), dự thảo luật vẫn chưa nêu được cụ thể trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ và người đứng đầu các cấp.
Khá nhiều ý kiến của ĐBQH đề nghị có những quy định rõ vai trò của Văn phòng Chính phủ (VPCP) trong dự luật Tổ chức Chính phủ. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nói: “Không nên để VPCP đứng ngoài cơ cấu vì sẽ không minh bạch. Thực tế, đây không phải một bộ mà là siêu bộ. Một chuyên viên ở VPCP có khi còn quan trọng hơn một bộ trưởng vì có việc gì của địa phương, các ngành cũng phải qua chuyên viên VPCP. Chúng ta cứ kêu cải cách hành chính ở địa phương mà không cải cách VPCP thì bộ máy vẫn ì ạch, không hiệu quả”, ông Chu Sơn Hà có ý kiến.
Ở một góc độ khác, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, trong bộ máy Chính phủ, dự luật quy định thiếu về các phó thủ tướng. “Hiện nay không có quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các phó thủ tướng mà chỉ ghi theo sự phân công của Thủ tướng. Quy định này không rõ ràng nên QH không biết căn cứ vào đâu để đánh giá các phó thủ tướng khi bỏ phiếu tín nhiệm”.
Đề nghị luật hoá việc chính quyền địa phương đối thoại với dân Đây là đề xuất của ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) tại phiên thảo luận của QH chiều qua (1.6) về dự án luật Tổ chức chính quyền địa phương. ĐB Tám cho rằng luật cần có quy định về cơ chế, biện pháp để chính quyền địa phương đối thoại với nhân dân, hỏi ý kiến của nhân dân, lắng nghe ý kiến dân trong những trường hợp cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên ĐB Tám cho rằng việc “hỏi dân” không phải tràn lan mà phải tập trung những vấn đề tác động đến lợi ích sát sườn hoặc tác động đến tình cảm người dân. Đồng thời cũng cần quy định trách nhiệm sửa chữa sai lầm khi chính quyền quyết định không đúng hay chưa đúng. Để HĐND hoạt động không bị mang tính hình thức, ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) cho rằng cần phải trao cho HĐND những cơ chế, công cụ, biện pháp đủ mạnh để thực hiện chức năng của mình. Trường Sơn |
Mạnh Quân