27/11/2024

Trung Quốc vòng vo, tránh né tại Shangri-La

Ngày 31-5, trong ngày bế mạc Đối thoại Shangri-La tại Singapore, đại diện Trung Quốc lại gây bức xúc và thất vọng khi tuyên bố vô lý rằng hoạt động xây đảo nhân tạo trên biển Đông “nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”.

 

Trung Quốc vòng vo, tránh né tại Shangri-La

 

Ngày 31-5, trong ngày bế mạc Đối thoại Shangri-La tại Singapore, đại diện Trung Quốc lại gây bức xúc và thất vọng khi tuyên bố vô lý rằng hoạt động xây đảo nhân tạo trên biển Đông “nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”.

 

 

 

Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc trả lời vòng vo, tránh né về vấn đề biển Đông - Ảnh: Quỳnh Trung
Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc trả lời vòng vo, tránh né về vấn đề biển Đông – Ảnh: Quỳnh Trung

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, thao thao bất tuyệt khoe các đóng góp của Bắc Kinh như cứu trợ nhân đạo hay tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc.

Và bất chấp phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế đối với các đảo nhân tạo bất hợp pháp, khi nhắc đến căng thẳng trên biển Đông, ông Tôn tỉnh bơ nói: “Tình hình Nam Hải ổn định, không có vấn đề gì về tự do hàng hải”.

Ông Tôn biện minh một cách ngang ngược: “Trung Quốc xây công trình trên một số đảo và bãi đá trong vùng biển chủ quyền của chúng tôi”.

Ông ta còn giải thích rất nhiệt tình rằng Trung Quốc dùng các đảo nhân tạo để “thực hiện các nghĩa vụ quốc tế” như tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn thảm hoạ, nghiên cứu khoa học hàng hải, quan sát khí tượng, bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, chế biến hải sản…

“Trả lời như không trả lời”

Sau khi đô đốc Tôn kết thúc bài phát biểu, hàng loạt học giả quốc tế đã chất vấn ông, hầu hết tập trung vào vấn đề biển Đông và những mâu thuẫn giữa lời nói với hành động của Bắc Kinh.

Chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), đặt câu hỏi hóc búa: “Khi máy bay do thám P8-A Poseidon của hải quân Mỹ bay gần đá Xu Bi, tại sao phía Trung Quốc thông báo máy bay Mỹ bay vào vùng báo động quân sự?”.

“Mỹ quan ngại sâu sắc về những thách thức đối với tự do hàng hải ở biển Đông. Ông có thể giải thích tại sao đảo nhân tạo này không đe doạ tự do hàng hải ở biển Đông?

Cũng xin ông cho biết khi nào Trung Quốc mới làm rõ yêu sách đường chín đoạn, một trong những nguồn cơn gây căng thẳng trong khu vực?” – bà Glaser “xoay” đô đốc Tôn.

Nhưng cũng giống như tại Đối thoại Shangri-La 2014, đại diện Trung Quốc lấy cớ “thời gian có hạn”, không thể trả lời hết các câu hỏi.

Ông Tôn biện minh ông đã nói rõ mọi việc trong bài phát biểu và nhấn mạnh chính sách của Trung Quốc ở biển Đông “là nhất quán và rõ ràng”. Một đại biểu lắc đầu ngán ngẩm: “Quan chức Trung Quốc trả lời như không trả lời”.

Còn chuyên gia Glaser bức xúc: “Dùng câu trả lời đã chuẩn bị sẵn để phản hồi câu hỏi là hành vi bác bỏ một cách vô lý những quan ngại mà cộng đồng quốc tế đặt ra tại đây. Đó là một sự thất vọng lớn”.

Bà Glaser nhấn mạnh sự vòng vo, tránh né của đô đốc Tôn khiến nhiều chuyên gia khu vực lo ngại và kết luận chắc chắn Trung Quốc có ý định quân sự hoá các đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.

Ông Tôn cũng phần nào lộ ý đồ đó khi chọn trả lời câu hỏi về khả năng Trung Quốc thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông. Vị đô đốc này nói: “Vấn đề này tuỳ thuộc vào việc an ninh hàng không và hàng hải của Trung Quốc có bị đe doạ hay không”.

Không minh bạch

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Ấn Độ Sanjaya Baru từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết các quốc gia bày tỏ lo ngại về hành vi của Trung Quốc trên biển Đông vì nhận thấy chính sách của Bắc Kinh hoàn toàn không minh bạch.

Các quốc gia khu vực không hề tin tưởng Trung Quốc. “Điều Trung Quốc cần làm bây giờ là phải xây dựng lại niềm tin với các nước láng giềng và khu vực” – ông Baru nhấn mạnh.

Tiến sĩ Úc Alexey Muraviev cũng từ IISS cho rằng việc đô đốc Tôn từ chối trả lời câu hỏi và vòng vo tránh né khiến nhiều người nghi ngờ về độ trung thực và minh bạch của đại diện Trung Quốc.

“Có lẽ ông ta đã dự đoán được việc nhiều người hỏi về biển Đông và chuẩn bị trước phản ứng này” – ông Muraviev bình luận.

Chuyên gia IISS dự báo sau chuyến bay tuần tra mới đây, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thử phản ứng của Trung Quốc bằng những “liều thuốc thử” mạnh hơn. Ông cho rằng để duy trì hoà bình và ổn định trên biển Đông, Trung Quốc cần đảm bảo sự minh bạch.

“Một trong những lo ngại lớn về tình hình biển Đông chính là sự thiếu minh bạch. Tại Đối thoại Shangri-La lần này, khi nói về sự minh bạch và niềm tin thì Trung Quốc chỉ gây thất vọng” – tiến sĩ Muraviev kết luận.

Úc cũng sẽ tuần tra trên biển Đông

Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews thông báo Úc cũng sẽ hành động tương tự.

Trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal, ông Andrews cho biết: “Chúng tôi đã tuần tra ở biển Đông nhiều thập kỷ qua. Chúng tôi đang làm và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai”.

Tại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon, Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini… đều kêu gọi Trung Quốc và ASEAN sớm hoàn tất đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.

SƠN HÀ

 

QUỲNH TRUNG (từ Singapore)