09/01/2025

Sẽ mất trắng nếu đầu tư vào sàn vàng chui

Hàng loạt sàn vàng chui sụp đổ trong thời gian qua nhưng các nhà đầu tư có lấy lại được tiền?

 

Sẽ mất trắng nếu đầu tư vào sàn vàng chui

 

Hàng loạt sàn vàng chui sụp đổ trong thời gian qua nhưng các nhà đầu tư có lấy lại được tiền?

 

 

Sàn vàng BBG tại 208 Nguyễn Trãi, Q.1 vừa bị khám xét - Ảnh: T.X

Sàn vàng BBG tại 208 Nguyễn Trãi, Q.1 vừa bị khám xét – Ảnh: T.X

Trong vụ sàn vàng BBG đang thu hút sự quan tâm của dư luận, thông tin ban đầu cho biết có hàng trăm nhà đầu tư (NĐT) tham gia với tổng số tiền lên tới hơn 500 tỉ đồng.
Trước đó, sàn vàng do Công ty Khải Thái lập thu hút hơn 2.000 tài khoản uỷ thác đầu tư 200 tỉ đồng; sàn vàng HGI của Công ty CP đầu tư tài chính Hà Nội vàng có hơn 3.000 NĐT, huy động khoảng 270 tỉ đồng; sàn vàng IG của Công ty CP kinh doanh trang sức vàng quốc tế có khoảng 400 tài khoản, thu hút 200 tỉ đồng; sàn vàng Công ty CP đầu tư VGX thu hút hơn 1.200 NĐT tham gia, với hơn 100 tỉ đồng…
Hàng ngàn tỉ đồng đổ vào sàn chui
Chỉ điểm qua một số sàn bị đánh sập trong thời gian qua đã cho thấy số tiền các NĐT bỏ vào đây lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Trong khi rất nhiều kênh đầu tư chính thống đang khát vốn.
Theo các chuyên gia, sở dĩ các sàn vàng chui vẫn còn đất sống, vẫn hấp dẫn là do đòn bẩy tài chính quá lớn. Hầu hết các sàn đều đưa ra tỷ lệ 1:100. Nghĩa là NĐT có 1.000 đồng sẽ được “đánh” lên hàng triệu đồng. Với những NĐT có tiền nhưng không biết giao dịch vàng, ngoại tệ trên tài khoản thì có thể ký hợp đồng ủy thác đầu tư cho công ty thực hiện và hưởng lãi suất cao 2 – 4%/tháng. Với mức lợi nhuận hấp dẫn này, sàn chui trở thành nơi hút vốn cực lớn. Người ít vài chục triệu đồng, người nhiều vài tỉ, hàng chục tỉ đồng. Nên sau khi các sàn này sập, rất nhiều NĐT đã nộp đơn tố cáo mong lấy được phần nào số tiền đã bỏ vào trước đó. Nhưng lấy lại được tiền không hề đơn giản.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Từ đầu năm 2010, nhà nước đã chính thức đóng cửa các sàn vàng do các ngân hàng, công ty thành lập. Từ đó đến nay, NHNN chưa hề cấp phép cho bất cứ tổ chức nào kinh doanh vàng tài khoản. Vì thế, nhiều người tham gia đầu tư vào những sàn vàng “chui” hay uỷ thác tiền để những đơn vị này thực hiện đầu tư trên sàn vàng là rủi ro rất lớn, vì không được pháp luật bảo vệ”.
Sẽ mất trắng
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu ví von sàn vàng “chui” sập “giống như một ly nước bốc hơi, còn tiền đâu mà trả lại”. Số tiền mà cơ quan pháp luật thu hồi được rất nhỏ so với số tiền NĐT đã bỏ vào những sàn này trước đó. Quan trọng hơn, NĐT không có cơ sở kiện để lấy lại tiền. Bởi chủ trương của Chính phủ, NHNN hiện nay là chống vàng hoá. Người dân tham gia những sàn vàng này là đi ngược lại chủ trương Chính phủ, hoạt động ngoài pháp luật và người tham gia sẽ gặp rủi ro về mặt pháp lý.
Luật sư Lê Thanh Hải, Đoàn luật sư TP.HCM, nhấn mạnh: “Việc lập và tham gia vào sàn vàng tài khoản là ngành nghề cấm kinh doanh, do đó những người tham gia đã vi phạm pháp luật. Dù rằng những hợp đồng mà NĐT ký với sàn vàng dưới dạng hợp đồng giao dịch, hợp đồng uỷ thác, hợp đồng tư vấn… nhưng những hợp đồng này nhằm mục đích che đậy bản chất của vấn đề, đó là tham gia vào sàn vàng, thì cũng bị vô hiệu. Khi hợp đồng vô hiệu thì các bên tự chịu trách nhiệm”.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, sàn vàng hoạt động chui nên kinh doanh tất nhiên sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Thị trường vàng, ngoại tệ trên thế giới biến động khá bất thường, không loại trừ những cú sốc tăng, giảm giá mạnh từ những thông tin về kinh tế, chính trị, chiến tranh… của một nước nào đó cũng có thể tác động đến giá vàng. Do đó, kinh doanh lĩnh vực này rủi ro rất lớn, người dân không nên tham gia vào.

 

Thanh Xuân