27/11/2024

Kiến thức trong đề thi khá rộng

Các nhà giáo, chuyên gia giáo dục cũng như nhiều thí sinh bước đầu cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội áp dụng có nhiều hướng tích cực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên cân nhắc lại cấu trúc đề thi…

 

Thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội: Kiến thức trong đề thi khá rộng

 

Các nhà giáo, chuyên gia giáo dục cũng như nhiều thí sinh bước đầu cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội áp dụng có nhiều hướng tích cực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên cân nhắc lại cấu trúc đề thi… 

 

 

Thí sinh làm thủ tục dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội diễn ra từ ngày 30.5 đến 2.6 - Ảnh: Trung HiếuThí sinh làm thủ tục dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội diễn ra từ ngày 30.5 đến 2.6 – Ảnh: Trung Hiếu
Thiệt cho thí sinh học chuyên ?
Bước ra khỏi phòng thi ở điểm thi Trường ĐH Công nghệ Hà Nội, Thắng, một học sinh Trường THPT Lương Văn Can, cùng nhóm bạn bàn tán sôi nổi, nói cười rôm rả. Thắng và nhóm bạn cho biết “thấy thích thú với kiểu thi mới này”.
Theo nhiều thí sinh (TS), do đều tự tập dượt trước (làm thử đề minh hoạ trên website của trường) nên khi thi thật không bỡ ngỡ lắm. Có TS dù điểm không được như mong muốn, nhưng đều “tâm phục khẩu phục” với kiểu thi mới. Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (85 điểm), học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), chia sẻ: “Em thấy tổ chức một kỳ thi như thế này là rất ổn. Các câu hỏi của đề thi rõ ràng và cũng không quá khó, trừ môn toán. Em thích các câu hỏi địa lý, giáo dục công dân. Các câu sử thì xoáy vào mốc thời gian diễn ra sự kiện, đòi hỏi phải nhớ nên em làm không được tốt”.
Còn Lê Thị Hà Thanh, học sinh lớp chuyên Anh, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), nhận xét: “Kiến thức được hỏi khá rộng, sẽ thiệt cho nhiều bạn học chuyên vốn dĩ quen với học theo các chuyên đề. May là ở phần tự chọn, em chọn lĩnh vực khoa học xã hội, trong đó hỏi nhiều kiến thức khá thiết thực với đời sống nên em cũng gỡ được ít điểm”.
 
 

70% thí sinh đạt điểm trung bình trở lên trong ngày thi thứ hai

 

 

Ngày 31.5, theo ông Nguyễn Kim Sơn, ĐH Quốc gia Hà Nội, ngày thứ hai của kỳ thi, số thí sinh dự thi đạt khoảng 96%.
Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH Quốc gia Hà Nội đã thử cho phân tích dữ liệu điểm thi của một ca thi. Theo đó, ca thi sáng 31.5, tại một điểm thi ở Hà Nội có 70,3% thí sinh đạt điểm trung bình trở lên. Thí sinh đạt điểm cao nhất là 115/140 điểm. Cả 2 ngày thi có 3 thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại di động vào phòng thi.
Kỳ thi sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 1 và 2.6.

 

Lê Hoàng Vân, học sinh Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội), đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn vật lý, lại thấy việc các câu hỏi trải rộng các lĩnh vực kiến thức, đặc biệt với các môn lý, hóa, sinh là thú vị. “Nhưng các câu hỏi môn văn em thấy cách hỏi đơn điệu. Họ chỉ đưa ra các đoạn văn, sau đó yêu cầu TS chỉ ra lỗi cú pháp, lỗi dùng từ… hơi hơi giống bài thi bọn em làm hồi thi vào lớp 10”, Vân nói.

Nên cân nhắc lại cấu trúc đề thi
Dư luận phụ huynh và giáo viên đều bày tỏ sự ủng hộ việc đổi mới kỳ thi theo hướng đánh giá năng lực.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội), đồng thời là một phụ huynh có con dự thi kỳ thi đánh giá năng lực, cho biết dù con ông gặp trục trặc về sức khoẻ nên điểm thi không được như mong muốn (80 điểm) nhưng ông vẫn thấy kỳ thi thực sự thú vị.
“Qua mô tả của cháu thì tôi thấy đề thi rất hay. Với những câu hỏi đó, các cháu phải học hành nghiêm túc mới trả lời tốt chứ không phải nhờ may rủi. Chẳng hạn, có một câu hỏi tôi thấy khá ấn tượng, Tuổi được ứng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp là bao nhiêu, 18 – 19 – 20 – 21? Như vậy các cháu phải ý thức rất rõ ràng các quyền cơ bản của công dân thì mới phân biệt được sự khác nhau giữa các quyền. Tôi cho rằng nếu cháu nào trả lời được phần lớn các câu hỏi của đề thi thì đều đủ năng lực để vào học ĐH”, ông Thắng nhận xét.
Nhưng ông Thắng cũng công nhận là đề toán khó: “50 câu hỏi trong 80 phút, bình quân 1,6 phút/câu, trong đó có nhiều câu phải giải ra giấy mới làm được, thì đúng là khó, kể cả với những em khá”.
Theo GS Hà Huy Bằng (Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội), phân bố số lượng câu hỏi với từng môn học, từng lĩnh vực chưa thật sự hợp lý. “Phần bắt buộc, bao gồm kiến thức định lượng (toán) và kiến thức định tính (văn) gồm 100/140 câu liệu có nhiều quá chăng? Trong logic này, 40 câu cho kiến thức tự chọn cho 3 – 4 môn liệu có quá ít? Nên cân đối lại, 80 – 60 hoặc có thể điều chỉnh trong quá trình tuyển sinh. Chẳng hạn tuỳ vào từng ngành học để có thể lấy điểm hệ số hai cho các môn liên quan”, GS Hà Huy Bằng đề xuất.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng kỳ thi nhằm cải tiến tuyển sinh theo phương hướng hiện đại, trong đó đáng biểu dương nhất là việc mạnh dạn áp dụng hình thức trắc nghiệm tất cả các môn cho một kỳ thi để mang tính đại trà.
Lo ngại tính tương đương về đề thi và cách tính điểm

GS Lâm Quang Thiệp bày tỏ một số băn khoăn về cách làm mà ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện trong kỳ thi năm nay. “Có hai điểm cần lưu ý cải tiến về công nghệ đánh giá. Một là phải đảm bảo tính tương đương cao giữa mọi đề thi thì mới so sánh được điểm của các TS với nhau một cách công bằng, vì mỗi TS được làm một đề riêng. Hai là không nên dùng “điểm thô” (tức là tính điểm bằng cách cộng các câu hỏi làm được) làm kết quả cuối cùng vì mọi câu hỏi trong đề đều tính bằng 1 điểm, như nhau, trong khi độ khó và độ phân biệt của chúng khác nhau. Cần sử dụng điểm “tinh”, trong đó các câu hỏi đóng góp khác nhau vào điểm cuối cùng tùy theo tính khó dễ của nó. Ngoài ra, có lẽ đối với môn ngữ văn cần đánh giá khả năng diễn đạt và môn toán cần đánh giá khả năng giải quyết vấn đề thì ngoài phần trắc nghiệm nên đưa vào mỗi môn một câu tự luận ngắn”, GS Thiệp chia sẻ.

 

Quý Hiên