09/01/2025

Những câu hỏi thách thức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Đến Singapore dự Đối thoại Shangri-La, ông chủ Lầu Năm Góc Ashton Carter đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa từ các nhà quan sát khó tính về các đối sách của Mỹ.

 

Những câu hỏi thách thức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

 

 

Đến Singapore dự Đối thoại Shangri-La, ông chủ Lầu Năm Góc Ashton Carter đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa từ các nhà quan sát khó tính về các đối sách của Mỹ.


 

Giáo sư Francois Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ nghiên cứu chiến lược (Pháp), chất vấn ông Ashton Carter - Ảnh: Thục Minh

Giáo sư Francois Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ nghiên cứu chiến lược (Pháp), chất vấn
 ông Ashton Carter - Ảnh: Thục Minh

Đây là lần đầu tiên ông Ashton Carter đến Đối thoại Shangri-La (SLD) với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Cũng như những người tiền nhiệm, ông Carter phải đối mặt với những chất vấn hóc búa của “hội đồng đại biểu” gồm hàng trăm nhà quân sự, nhà chiến lược, học giả, giới ngoại giao và các nhà quan sát.
Ngay giữa lòng Biển Đông đang nổi sóng mà Mỹ là một “thế lực then chốt” (như cách gọi của Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long), mỗi tuyên bố và hành động của Washington mà ông Ashton Carter là người trực tiếp đứng mũi chịu sào càng bị “soi” kỹ.
Sau bài phát biểu mang chủ đề “Mỹ và các thách thức an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương” vào sáng 30.5 với những lời chỉ trích nặng nề các hành động có tính chất quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc và cam kết mạnh mẽ việc duy trì sức mạnh của Mỹ ở khu vực, ông Ashton Carter nhận được nhiều câu hỏi từ 6 đại biểu kỳ cựu, đa số đều tập trung vào chuyện Biển Đông.
“Phát pháo” đầu tiên đến từ Giáo sư Francois Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp. Ông nêu vấn đề mà theo ông, mọi nhà chiến lược cần phải trả lời đầu tiên: đó là phải hiểu rõ mục đích trong mỗi hành động của bạn cũng như của đối thủ. “Mục đích của việc Trung Quốc xây cất cấp tập các phương tiện quân sự trên các đảo và bãi đá ở Biển Đông là gì?”, Giáo sư Heisbourg hỏi, đồng thời chất vấn Bộ trưởng Ashton Carter về tính hợp lẽ và hiệu quả của các biện pháp mà Mỹ đang thực hiện.
“Tôi không thể nói thay các đồng nghiệp Trung Quốc về mục đích trong hành động của họ. Tốt nhất là nên nhờ họ trả lời câu hỏi này”, ông Ashton Carter trả lời. Biện luận cho hành động do thám áp sát của Lầu Năm Góc, ông nói không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia trong khu vực đều quan ngại về hành động bồi đắp và quân sự hoá Biển Đông. Nhưng ông không trả lời câu hỏi về tính hiệu quả của biện pháp Mỹ đang thực hiện, mà chỉ nói: “Lập trường của chúng tôi không phải là vấn đề Biển Đông nên giải quyết theo cách này hay cách khác, mà là phải giải quyết một cách hoà bình”.
“Chưa có tiền lệ”
Được chuẩn bị khá chu đáo, đại biểu đoàn Trung Quốc là thượng tá Triệu Tiểu Trác phản pháo bằng một “câu hỏi” dài lê thê, mở đầu bằng việc cáo buộc các chỉ trích Trung Quốc của ông Ashton Carter là “gây chuyện và không xây dựng”.
Cũng như lý lẽ của nhiều quan chức Bắc Kinh khác, ông Triệu lớn tiếng: “Trung Quốc chưa bao giờ chủ động gây ra việc gì. Trong thực tế, tranh chấp đã tồn tại nhiều thập niên qua. Và trong suốt những thập niên đó, khu vực này vẫn hoà bình và ổn định, nhờ sự kiềm chế của Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ các hành động của Bắc Kinh là chính đáng và hợp lý”.
Cuối cùng, ông Triệu nêu câu hỏi, mà thực chất là tố cáo ngược Washington: “Mỹ gần đây có những lời chỉ trích Trung Quốc nặng nề và tiến hành nhiều hoạt động do thám quân sự. Tôi hỏi ông làm sao những hành động như vậy có thể giải quyết vấn đề, đồng thời giữ được hoà bình và ổn định trong khu vực?”.
Đáp lại sự cáu kỉnh của đại biểu Trung Quốc, ông Ashton Carter nhắc rằng quy mô bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc “là chưa có tiền lệ”. Riêng việc đưa máy bay và tàu do thám đến gần các bãi đá mà Trung Quốc đang xây cất phi pháp, ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định “đó là hoạt động đã diễn ra từ thập niên này qua thập niên khác” rồi nói thêm: “Và chúng tôi chẳng có ý định thay đổi gì ở đây. Đó không phải là “thực tế mới”. Những “thực tế mới” ở Biển Đông chính do Trung Quốc tạo ra”. Cuối cùng, Bộ trưởng Mỹ khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa máy bay và tàu tuần tra đến Biển Đông hoạt động một cách hoà bình và tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Cần những giải pháp căn cơ hơn
Nhà báo kỳ cựu chuyên mảng an ninh quốc gia của tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản), ông Yoichi Kato, cho rằng việc kêu gọi ngưng xây đảo sẽ không đủ. “Những tranh chấp có tính lịch sử theo tôi thấy trong thực tế là không dừng lại mà ngày càng leo thang”, ông Kato lập luận.
Ông cũng cho rằng không chỉ ở Biển Đông, khả năng những hành động mà ông gọi là “khiêu khích cấp độ thấp” này cũng có thể diễn ra ở những vùng biển khác. Nhà báo Nhật cũng đặt câu hỏi Mỹ có thể làm gì nhiều hơn ngoài triển khai máy bay và tàu do thám? Đáp lại, Bộ trưởng Ashton Carter nói ông hiểu ý kiến và câu hỏi của nhà báo Kato là “Mỹ và thế giới sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi các hành động như Trung Quốc đang làm ở Biển Đông? Và làm sao để giải quyết một cách bình thường?”.
Không trả lời vào giải pháp, ông Ashton Carter chỉ đưa ra cảnh báo: “Tôi quan sát thấy rằng không chỉ Mỹ mà nhiều nước trong khu vực rất quan ngại. Họ đã bộc lộ công khai hoặc nói với Mỹ về quan ngại của họ. Và như một hệ quả, nhiều nước đã tăng cường quan hệ với Mỹ, với các quốc gia lân cận và các đối tác khác. Nguy cơ nếu các hành động này không dừng lại là sẽ hình thành nhiều liên minh và liên kết các liên minh trong khu vực”.
Không dừng ở chuyện tranh chấp Biển Đông, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) Kishore Mabhubani đặt vấn đề sự cùng tồn tại hòa bình và phát triển lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Mabhubani nhìn nhận rằng Mỹ “đã lập thành tích đáng kể trong việc kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc” trong nhiều thập niên qua. “Nhưng thực tế là Trung Quốc vẫn đang tiếp tục trỗi dậy”, ông nói và lập luận rằng lịch sử cho thấy khi có sự trỗi dậy của một quốc gia mới, sẽ phải có sự điều chỉnh thế lực giữa các siêu cường mới và cũ. “Làm thế nào để cả hai đều có không gian phát triển? Và điều gì ở tầm cao hơn cần phải làm để hai nước có thể chung sống hoà thuận trong hoà bình?”, Giáo sư Mabhubani hỏi.
“Mỹ không có quyền cho ai được làm hay không làm gì”, ông Carter bác bỏ “lời khen” của vị giáo sư nổi tiếng. Ông cũng nói thêm Mỹ muốn vận hành một hệ thống rộng mở, trong đó mọi quốc gia đều có thể trỗi dậy và thành công. Theo ông, trong vòng 70 năm qua, không chỉ Trung Quốc, ở châu Á còn có nhiều quốc gia trỗi mạnh khác như Nhật Bản, Ấn Độ… Ông cũng thừa nhận các nước phải điều chỉnh khi có sự trỗi dậy của một thế lực mới và: “Tôi mong đợi hợp tác với Trung Quốc và các đồng nghiệp ở Bắc Kinh trong việc xây dựng lòng tin, để làm sao cả hai bên đều phát triển và thành công”.
Nhân trả lời câu hỏi về an ninh năng lượng của thượng nghị sĩ Dan Sullivan thuộc Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Ashton Carter đã khéo léo lồng vào câu chuyện “tự do lưu thông”. “Trên đường bay từ Hawaii đến Singapore dự hội nghị này, khi qua eo biển Malacca, từ máy bay nhìn xuống, tôi thấy hàng loạt tàu chở dầu nối đuôi nhau. Nó phản ánh một nền kinh tế năng động, được tiếp liệu bằng những tàu dầu và tôi nhận ra tự do lưu thông ở vùng biển này có ý nghĩa sống còn như thế nào. Tôi muốn mọi người cùng giữ gìn sự tự do đó và nước Mỹ tự hào góp phần vào việc này”, ông kết thúc.

Thục Minh 
(Văn phòng Singapore)