09/01/2025

Ghi dấu kỷ niệm đẹp ở nhà thiếu nhi

Nhà Thiếu nhi TP.HCM bước qua tuổi 40 từ ngày 1-6 này. Nhiều lớp thiếu nhi cho biết họ không bao giờ quên những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ ở nơi đây.

 

Ghi dấu kỷ niệm đẹp ở nhà thiếu nhi

 

Nhà Thiếu nhi TP.HCM bước qua tuổi 40 từ ngày 1-6 này. Nhiều lớp thiếu nhi cho biết họ không bao giờ quên những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ ở nơi đây.



 

 

Các chương trình biểu diễn nghệ thuật, đồng diễn vốn là thế mạnh của Nhà Thiếu nhi TP.HCM - Ảnh: Q.L.
Các chương trình biểu diễn nghệ thuật, đồng diễn vốn là thế mạnh của Nhà Thiếu nhi TP.HCM – Ảnh: Q.L.

Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi tại trụ sở UBND TP.HCM trước kia vừa được chuyển đến khu trung tâm của khuôn viên nhà thiếu nhi.

Một công viên rợp màu xanh xung quanh tượng đài với những thảm cỏ dịu mắt đã nên hình nên dạng. Những dãy hàng rào bao bọc khuôn viên nhà thiếu nhi trước đây cũng được gỡ bỏ, mở ra không gian thoáng đãng cho tổng thể khuôn viên. 

Điểm hẹn của bạn nhỏ

Đều đặn mỗi chủ nhật hằng tuần, chị Thiên Nga lại chở con trai Hoàng Dũng của mình từ nhà ở Q.Gò Vấp đến Nhà Thiếu nhi TP.HCM tham gia sân chơi sáng tạo khoa học.

“Có những thí nghiệm vui, nhỏ thôi như cách tạo bong bóng từ xà phòng thế nào mà chỉ đến đây em mới được biết chứ trước giờ toàn mua cái người ta làm sẵn về chơi” – Hoàng Dũng kể.

Hay như bạn Huy Thông (Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.11) cho biết nhờ đến sinh hoạt tại nhà thiếu nhi nên biết cách làm tên lửa nước và về chỉ lại cho bạn bè cùng xóm làm chơi chung.

Sau nhiều năm gián đoạn, Nhà Thiếu nhi thành phố đã gầy dựng lại các trại hè du khảo vốn là đặc sản yêu thích của nhiều bạn nhỏ mỗi dịp hè.

Những chuyến xe đạp về miền Tây trong trại “Bút sáng miền Tây”, về miền Đông trong trại “Hào khí miền Đông” không chỉ giúp các bạn nhỏ rèn luyện sức khoẻ mà còn học thêm nhiều bài học từ thực tế cuộc sống. 

Bạn Mai Hoa (Q.10) cho biết từng tham gia trại du khảo “Hào khí miền Đông” và cùng bạn bè đạp xe đông vui nên quên hết mệt.

“Quan trọng hơn là mình đã được ghé thăm những địa chỉ đỏ, các di tích văn hoá gắn với lịch sử hình thành của từng vùng miền, được giao lưu và tặng quà các bạn học sinh khó khăn khác từ chính khoản tiết kiệm do tụi mình góp lại nên thấy hành trình thật ý nghĩa” – Mai Hoa chia sẻ. 

Một trong những hoạt động thời gian qua thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều phụ huynh, thiếu niên là các buổi nói chuyện chuyên đề, trang bị kỹ năng thực hành xã hội. Những chủ đề về dạy con, ứng xử với con tuổi dậy thì, nói chuyện thế nào với con về giới tính… qua sự chia sẻ của các chuyên viên tâm lý đã giúp phụ huynh có thêm kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con.

Trong đó, phòng tư vấn tâm lý là điểm hẹn gỡ rối cho nhiều phụ huynh, học sinh. Từ mô hình này, hiện nay năm nhà thiếu nhi các quận, một vài trường tiểu học, THCS tại TP.HCM đã lập phòng tư vấn tương tự và bước đầu hoạt động khá hiệu quả.    

Sẵn sàng chuyển giao

Sau nhiều năm hoạt động, Nhà Thiếu nhi TP.HCM vừa cho ra mắt bảy bộ giáo trình giảng dạy các môn: hoạ, nhạc, đàn organ, võ… dành cho các lớp năng khiếu.

Anh Phạm Ngọc Tuyền, giám đốc Nhà Thiếu nhi TP.HCM, cho biết các bộ giáo trình này do những giáo viên giảng dạy lâu năm tại nhà thiếu nhi biên soạn, mời chuyên gia lĩnh vực, nhà thiếu nhi các quận huyện góp ý trước khi nhà thiếu nhi tổng hợp, chỉnh sửa thành giáo trình hoàn chỉnh và phát hành.

“Các nhà thiếu nhi quận huyện hoặc bất cứ ai có nhu cầu chúng tôi sẵn sàng chuyển giao để các bạn cùng sử dụng bộ giáo trình thống nhất này” – anh Tuyền nói. 

Ban giám đốc nhà thiếu nhi cho biết sắp tới sẽ đầu tư cho khoa sáng tạo kỹ thuật, giúp các bạn nhỏ bước đầu làm quen với khoa học không gian, kính thiên văn, sáng tạo robot… Anh Phạm Ngọc Tuyền nói có phòng nghiên cứu để hình thành sân chơi khoa học tuổi thơ không chỉ của thiếu nhi thành phố mà còn hướng đến giao lưu các khu vực trong nước.

Song song đó, những lớp học năng khiếu cũng phải cập nhật các xu hướng hiện đại, tiếp cận thành tựu mới. Do đó, nhà thiếu nhi đã liên kết với nhiều đơn vị để có thêm nguồn lực, đội ngũ chuyên gia hỗ trợ tăng tính chuyên môn cao cho từng hoạt động.

Anh Tuyền nói nhắc đến nhà thiếu nhi không thể không nhắc đến đội nghệ thuật thiếu nhi vì nhiều năm qua ngoài biểu diễn trong các chương trình của nhà thiếu nhi, còn tham gia phục vụ trong nhiều hoạt động văn hóa, chính trị lớn của thành phố.

Ngoài nhiệm vụ đầu tàu trong hệ thống nhà thiếu nhi 24 quận, huyện của TP.HCM, Nhà Thiếu nhi TP.HCM còn đóng vai trò chi viện, hỗ trợ hoạt động cho nhà thiếu nhi một số tỉnh, thành trong cả nước. Mô hình sáng tạo và bắn tên lửa nước đến nay đã bàn giao cho nhà thiếu nhi các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Trà Vinh… từ nội dung đến hướng dẫn.

Một số hoạt động hỗ trợ thiếu nhi vượt khó, vận động quà tặng vẫn được Nhà Thiếu nhi TP.HCM duy trì vào dịp tết và hè hằng năm, đến với thiếu nhi các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của TP.HCM cùng một số tỉnh khác.

“Bất cứ ở đâu có nhu cầu những vấn đề liên quan đến đào tạo, sinh hoạt thiếu nhi nằm trong khả năng, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bởi mục tiêu là tạo ra phong trào chung, phát triển rộng khắp các mô hình hay của thiếu nhi” – anh Phạm Ngọc Tuyền chia sẻ.

2017: thiếu nhi có ngôi nhà mới khang trang

Giám đốc Nhà Thiếu nhi TP.HCM Phạm Ngọc Tuyền cho biết nhiều phụ huynh, thiếu nhi nói họ thích diện mạo mới nhiều màu xanh của nhà thiếu nhi sau khi cải tạo.

Ngay phía sau của khu công viên tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi là công trình đang gấp rút thi công.

“Công trình do ngân sách đầu tư hơn 140 tỉ đồng với khối kiến trúc gồm một tầng hầm, một tầng trệt và ba tầng lầu, 40 phòng học, các phòng làm việc, hội trường sức chứa tối thiểu 500 chỗ sẽ được đưa vào sử dụng đầu năm 2017” – anh Tuyền khẳng định.

QUỐC LINH