10/01/2025

Ngày mai, bắt đầu thi đánh giá năng lực

Hơn 45.000 thí sinh sẽ bắt đầu làm bài thi kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức từ ngày mai (30.5).

Ngày mai, bắt đầu thi đánh giá năng lực

 

 

Hơn 45.000 thí sinh sẽ bắt đầu làm bài thi kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức từ ngày mai (30.5).


 

ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi thử cho HS ở Thái Nguyên ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi thử cho HS ở Thái Nguyên – Ảnh: Đỗ Ngọc Diệp

Có 2 phút chọn phần thi tự chọn

Chiều 28.5, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết kỳ thi được tổ chức thành 8 ca trong 4 ngày, thêm 1 ngày dự phòng. Nhưng 2/3 thí sinh (TS) chỉ làm 1 bài thi duy nhất, thời gian làm bài 195 phút (một ca). 1/3 còn lại thi thêm một ca ngoại ngữ nữa. Bài thi được thực hiện trên máy tính tại các phòng thi tiêu chuẩn. Mỗi TS làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn.

 
 
Ngày mai, bắt đầu thi đánh giá năng lực - ảnh 2

Ngay sau khi làm xong bài thi, TS sẽ biết luôn điểm thi của mình. Chúng tôi sẽ in và phát ngay tại chỗ cho các em phiếu báo kết quả

Ngày mai, bắt đầu thi đánh giá năng lực - ảnh 3
 

Nguyễn Kim Sơn
Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội

 

Ông Sơn cho biết: “Ngân hàng dữ liệu đề thi của chúng tôi hiện có 4.000 câu hỏi. Nguồn câu hỏi của chúng tôi nhiều hơn, nhưng hiện nay chỉ đưa vào khai thác sử dụng từng đó bởi như vậy cũng đủ để đảm bảo xây dựng được cho mỗi TS một đề thi riêng”.

Đề thi trắc nghiệm bao gồm 2 phần: bắt buộc và tự chọn. Độ khó của các câu hỏi mỗi phần được phân định theo tỷ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% trung bình và 20% ở cấp độ khó. Tổng số câu hỏi phải thực hiện là 140 câu. Cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc được phân bổ cụ thể: 10% trong chương trình lớp 10; 20% lớp 11; 70% lớp 12.

Phần bắt buộc gồm 2 phần tư duy định lượng định tính. Phần tư duy định lượng (kiến thức toán) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 80 phút. Các câu hỏi của phần này dạng trắc nghiệm 4 lựa chọn hoặc câu hỏi điền giá trị số. Phần tư duy định tính (kiến thức ngữ văn) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 60 phút. Tất cả các câu hỏi của phần này đều có dạng trắc nghiệm 4 lựa chọn.

Với phần tự chọn, TS chọn 1 trong 2 nội dung: Khoa học tự nhiên (gồm lý, hóa, sinh); Khoa học xã hội (gồm sử, địa, giáo dục công dân).

Sau thời gian 2 phút nếu không chọn một trong hai nội dung, máy tính sẽ mặc nhiên chọn nội dung khoa học tự nhiên. Mỗi nội dung có 40 câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn, thời gian hạn định là 55 phút. TS lần lượt làm hết phần bắt buộc, sau đó làm phần tự chọn. Kết quả thi được tính bằng tổng số câu trả lời đúng trong bài thi. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được điểm. Tổng điểm toàn bài là 140 điểm. “Ngay sau khi làm xong bài thi, TS sẽ biết luôn điểm thi của mình. Chúng tôi sẽ in và phát ngay tại chỗ cho các em phiếu báo kết quả”, ông Sơn nói.

Có phương án giải quyết sự cố về máy tính

TS có mặt tại địa điểm thi trước giờ thi ghi trên giấy báo dự thi ít nhất 30 phút. Khi đến dự thi phải mang theo chứng minh nhân dân và giấy báo dự thi. Khi vào phòng thi, mỗi TS sẽ được sắp xếp ngồi trước một máy tính, đăng nhập tài khoản (phiếu tài khoản được phát tại phòng thi) để thực hiện làm bài. TS được tự do lựa chọn phương án lựa chọn (với các câu hỏi lựa chọn) hay nhập lại giá trị tính toán (đối với các câu hỏi điền giá trị) trong thời gian làm bài của từng phần thi. TS không thể cố tình làm lại bài thi từ đầu, chẳng hạn bằng cách đăng nhập lại hoặc bằng bất cứ cách nào. “Trong khi thi, nếu gặp sự cố về máy tính hay những bất thường khác cần phải báo ngay cho cán bộ coi thi. Trước khi ra khỏi phòng thi phải nộp lại phiếu tài khoản và ký vào danh sách phòng thi”, ông Sơn lưu ý.

Trước băn khoăn của PV Báo Thanh Niên về nguy cơ TS gặp trục trặc với máy móc (chẳng hạn như treo máy) trong quá trình làm bài, ông Sơn cho biết tất cả những máy tính được sử dụng để phục vụ kỳ thi đều đã được lựa chọn kỹ lưỡng để đảm bảo hoạt động trôi chảy trong suốt kỳ thi.

“Chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tại mỗi phòng thi thêm 10% số lượng máy tính dự phòng. Trong trường hợp gặp vấn đề kỹ thuật, TS sẽ được chuyển ngay sang ngồi ở vị trí máy dự phòng để tiếp tục làm bài thi trên ngay trên bài thi đang làm dở của mình (đã được máy chủ tự động lưu lại). Trường hợp xấu nhất, sau 10 phút TS vẫn chưa thể tiếp tục làm bài thì lãnh đạo điểm thi sẽ sắp xếp TS đó được dự thi lại ở ca thi tiếp theo”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng lưu ý đây là kỳ thi đánh giá năng lực, sẽ dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, chứ đây không phải là kỳ thi tuyển sinh vào ĐH Quốc gia Hà Nội. “Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ tách bạch rõ ràng giữa hai khâu thi và khâu xét tuyển”, ông Sơn khẳng định.

Đăng ký xét tuyển tối đa 3 ngành của một trường

Từ năm nay, TS có nhu cầu xét tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội phải dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH tổ chức. Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm phiếu đăng ký dự thi, giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có), một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của TS. Lệ phí đăng ký xét tuyển là 30.000 đồng/hồ sơ. Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 8.6 đến 16 giờ 30 ngày 25.6 (đợt 1), từ ngày 10.8 đến 16 giờ 30 ngày 25.8 (đợt 2).

TS được đăng ký xét tuyển tối đa 3 ngành học của một đơn vị đào tạo theo thứ tự ưu tiên và được một lần rút hồ sơ để nộp vào ngành khác của trường, khoa trực thuộc đã nộp hoặc trường, khoa trực thuộc khác trong ĐH Quốc gia Hà Nội. TS đã trúng tuyển đợt 1 không được đăng ký xét tuyển đợt bổ sung.

Quý Hiên