27/11/2024

Mỹ gửi nhầm mẫu vũ khí sinh học

Lầu Năm Góc thừa nhận đã gửi nhầm mẫu vũ khí sinh học sống đi khắp 9 tiểu bang của Mỹ và 1 căn cứ không quân của nước này tại Hàn Quốc.

 

Mỹ gửi nhầm mẫu vũ khí sinh học

 

 

Lầu Năm Góc thừa nhận đã gửi nhầm mẫu vũ khí sinh học sống đi khắp 9 tiểu bang của Mỹ và 1 căn cứ không quân của nước này tại Hàn Quốc.


 

Một cuộc diễn tập phòng chống vũ khí sinh học tại phòng thí nghiệm ở Dugway năm 2014 - Ảnh: Utah National Guard

Một cuộc diễn tập phòng chống vũ khí sinh học tại phòng thí nghiệm ở Dugway năm 2014
 - Ảnh: Utah National Guard

Trong một diễn biến gây choáng váng, Lầu Năm Góc ngày 27.5 tiết lộ một tình huống bất cẩn được mô tả là “vô ý chuyển các mẫu chứa vi khuẩn sống gây bệnh than Bacillus anthracis”, diễn ra tại một thời điểm không xác định cụ thể tại một phòng thí nghiệm của lục quân Mỹ tại Dugway, bang Utah.
Theo AFP, tổng cộng 9 tiểu bang đã tiếp nhận mẫu vũ khí sinh học có nguy cơ gây chết người. Các mẫu vi khuẩn bệnh than có thể đã được phân phối đến nhiều cơ sở nghiên cứu của chính phủ và tư nhân, theo tờ The Washington Post dẫn lời một quan chức quốc phòng giấu tên.
Một mẫu cũng được gửi đến căn cứ không quân Osan tại Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 65 km về hướng nam.
Theo AFP, các mẫu vi khuẩn đã được chiếu xạ vào tháng 3 năm ngoái tại phòng thí nghiệm ở Dugway và được cho là đã chết. Thế nhưng, vào tuần trước, một công ty tư nhân ở Maryland báo động với giới hữu quan rằng mẫu mà họ nhận được vẫn còn sống. Do vậy, giới chức Mỹ đã mở một cuộc rà soát khẩn cấp nhằm kiểm tra tình trạng của toàn bộ các mẫu vi khuẩn được gửi đi. Đài NBC News tiết lộ các mẫu vi khuẩn được phân phối đến các cơ sở thông qua Công ty chuyển phát nhanh FedEx.
Đại tá Steve Warren, quyền thư ký báo chí Lầu Năm Góc, trấn an trong cuộc họp báo rằng “chẳng xảy ra nguy cơ nào đối với sức khoẻ cộng đồng”, và các nhân viên phòng thí nghiệm có khả năng tiếp xúc với vũ khí sinh học không thể hiện dấu hiệu nhiễm bệnh nào. Ông Warren cũng cho biết phòng thí nghiệm ở Dugway “đang tham gia vào nỗ lực của Bộ Quốc phòng nhằm phát triển một phương pháp thử nghiệm thực chiến với mục đích phát hiện ngay lập tức các mối đe dọa sinh học trong môi trường”.
Theo AFP, hiện có 4 nhân viên tại 3 công ty khác nhau ở Maryland đang được điều trị phơi nhiễm như biện pháp phòng ngừa sau khi “làm việc với mẫu vi khuẩn bệnh than sống”. Trong khi đó, căn cứ không quân Osan vào ngày 28.5 ra tuyên bố cho biết có 22 người “có thể đã bị phơi nhiễm” trong một cuộc huấn luyện. “Toàn bộ những người này đã được cung cấp các biện pháp phòng ngừa cần thiết, bao gồm kiểm tra sức khoẻ, tiêm kháng sinh, và trong một số trường hợp được tiêm vắc xin”, theo Reuters dẫn thông cáo của căn cứ Osan.
Ám ảnh bệnh than
Giới chức Lầu Năm Góc không tiết lộ chi tiết về thời gian chuyển hàng, người chịu trách nhiệm hoặc diễn biến của vụ việc. Tuy nhiên, Đài ABC News dẫn các nguồn thạo tin cho hay các tiểu bang suýt trở thành nạn nhân trong sự cố vũ khí sinh học trên đất Mỹ bao gồm California, Texas, Wisconsin, Tennessee, Maryland, Virginia, Delaware, New Jersey và New York.
Đại diện của Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cho biết không hề nghe đến sự cố trước khi Lầu Năm Góc quyết định công bố vào ngày 27.5. Hiện Trung tâm kiểm soát bệnh dịch (CDC) đang hỗ trợ Lầu Năm Góc điều tra vụ việc và toàn bộ các hoạt động phân phối mẫu vi khuẩn đã được tạm ngưng trong lúc cuộc điều tra được tiến hành.
Đây không phải là trường hợp tắc trách đầu tiên liên quan đến vi khuẩn bệnh than tại Mỹ. Vào năm ngoái, CDC từng tiết lộ một cơ sở tại Georgia đã đẩy nhân viên vào tình trạng nguy hiểm khi tiếp xúc với vi khuẩn sống gây bệnh than.
Người dân Mỹ đặc biệt mẫn cảm với cụm từ “bệnh than”, sau khi xảy ra một vụ án làm hoang mang dư luận vào năm 2001 mà đến nay vẫn chưa phá được. Khi đó, hung thủ vô danh đã gửi bưu phẩm chứa vi khuẩn bệnh than đi khắp nơi, khiến 5 người chết vì phơi nhiễm. Nhiều bưu phẩm cũng được gửi đến địa chỉ của các chính khách nổi danh trong bối cảnh nước Mỹ vẫn chưa hoàn hồn sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001.

Thuỵ Miên