10/01/2025

Dân đã quyết, Nhà nước phải theo

Dự án Luật trưng cầu ý dân là một trong những dự án luật được quan tâm đặc biệt trong kỳ họp Quốc hội thứ 9 – khoá XIII.

 

Luật trưng cầu ý dân:Dân đã quyết, Nhà nước phải theo

 

Dự án Luật trưng cầu ý dân là một trong những dự án luật được quan tâm đặc biệt trong kỳ họp Quốc hội thứ 9 – khoá XIII.


 

 

Đại biễu Phan Trung Lý - Ảnh: Việt Dũng
Đại biễu Phan Trung Lý – Ảnh: Việt Dũng

“Vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân đã được người dân lựa chọn, quyết định theo ý chí của họ nên cơ quan nhà nước phải tôn trọng và thực hiện” – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý khẳng định như vậy trong báo cáo thẩm tra về dự án Luật trưng cầu ý dân trình Quốc hội ngày 28-5.

Trưng cầu ý dân là một hình thức để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình
 Ông PHAN TRUNG LÝ

Luật trưng cầu ý dân không chỉ sẽ quyết định quyền “bấm nút” một số vấn đề của đất nước cho các công dân mà nói như ông Phan Trung Lý: “Trưng cầu ý dân tuy đã được ghi nhận trong Hiến pháp từ năm 1946 nhưng ở nước ta hình thức này chưa được thực hiện trên thực tế”.

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Phan Trung Lý cho biết Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tán thành phương án cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá bán tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu.

Phương án trưng cầu ý dân được quá bán số phiếu hợp lệ tán thành sẽ được công bố để thi hành. Đây là tỉ lệ thấp hơn so với tỉ lệ “quá hai phần ba” như một số đề nghị trong quá trình soạn thảo.

Giải thích việc chọn tỉ lệ “quá bán” thay vì “quá hai phần ba”, ông Lý cho rằng việc trưng cầu ý dân còn rất mới mẻ với cử tri cả nước. Quy định tỉ lệ tham gia và tán thành của cử tri quá cao thì không khả thi, thậm chí nếu tổ chức không tốt có thể dẫn đến tình trạng thúc ép cử tri đi bỏ phiếu hoặc cử tri đi bầu hộ, bầu thay.

“Như thế sẽ làm giảm sút ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân với tư cách là một hình thức để người dân thực hiện quyền  dân chủ trực tiếp của mình” – ông Lý nói.

Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá nội dung đưa ra trưng cầu ý dân có ý nghĩa quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia các công việc của Nhà nước.

Tuy nhiên, khó có thể quy định cụ thể vấn đề nào sẽ đưa ra trưng cầu ý dân vào luật vì các vấn đề sẽ phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của đất nước theo từng thời điểm. “Theo đó, những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng Quốc hội tôn trọng dân quyết định” – ông Phan Trung Lý nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền – chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo dự luật – cho biết: “Tham khảo một số nước thì có 65 nước không quy định vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là vấn đề nào, cái đó tùy thuộc vào kiến  nghị trưng cầu ý dân của các chủ thể đưa ra kiến nghị, miễn là đáp ứng được những quy định của pháp luật”. Do đó, ban soạn thảo cho rằng nếu quy định cụ thể sẽ không thể bao quát hết các vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân.

Đối với phạm vi trưng cầu ý dân, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị nên có quy định mở, để trong một số trường hợp có thể trưng cầu ý dân tại một số tỉnh, thành phố về các vấn đề mang tính chuyên biệt của địa phương đó. Thay vì chỉ quy định phạm vi toàn quốc đối với tất cả các cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương.

Về đề nghị mở rộng chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân, ông Phan Trung Lý cho biết để đảm bảo tầm quan trọng của việc trưng cầu ý dân thì chỉ nên giữ phương án Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, không nên mở rộng thêm các chủ thể khác. Hơn nữa, đây là quy định đã được đưa vào Luật tổ chức Quốc hội, cần có sự thống nhất với luật này.

Ông Trần Ngọc Vinh - Ảnh: Việt Dũng
Ông Trần Ngọc Vinh – Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu TRẦN NGỌC VINH (ủy viên Ủy ban Pháp luật): 

Phải quy định rõ ràng để luật không bị “treo”

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng cần phải phân biệt các khái niệm trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân, một khi đã trưng cầu ý dân thì nhân dân quyết định thế nào Nhà nước phải chấp hành thế ấy.

* Thưa ông, có lo ngại rằng đạo luật chỉ như một tuyên ngôn chính trị mà khó đi vào cuộc sống, bởi theo quy định của dự thảo thì việc có hay không trưng cầu ý dân hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ thể có quyền đề nghị?

– Dự thảo luật quy định các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội quyết định đưa một vấn đề nào đó ra để trưng cầu ý dân, bao gồm: Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội. Vấn đề ở đây là quy định về quy trình, thủ tục để đưa một vấn đề nào đó ra trưng cầu ý dân phải cởi mở, rõ ràng, dễ thực hiện.

Ví dụ như ai sẽ khởi xướng, nêu kiến nghị đó? Chẳng hạn nói ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, nhưng ở ta đến nay chưa có quy định về vận động hành lang nên rất khó có chuyện một đại biểu hay một nhóm đại biểu đứng ra kêu gọi những người khác cùng đưa ra một kiến nghị.

Như vậy, có ý kiến cho rằng để thực hiện được điều này, định kỳ nên phát phiếu thăm dò, hỏi ý kiến các đại biểu xem họ có kiến nghị đưa vấn đề nào ra trưng cầu hay không, nếu tập hợp đủ số lượng tối thiểu thì Quốc hội quyết định đưa vấn đề đó ra trưng cầu ý dân.

Tôi nghĩ rằng việc lo lắng một luật hoặc quy định của luật bị “treo”, không thực hiện được là hoàn toàn có cơ sở, chính vì vậy cử tri đòi hỏi đối với Quốc hội phải thiết kế được những điều luật thật rõ ràng, dễ thực hiện thì mới đi vào cuộc sống được.

* Đến nay đang có ý kiến khác nhau về phạm vi trưng cầu ý dân: một số cho rằng chỉ những vấn đề lớn liên quan đến quốc gia mới đem ra trưng cầu phạm vi cả nước; một số khác cho rằng cần phải trưng cầu cả những vấn đề thuộc một cộng đồng, địa phương, ví dụ như chuyện xây dựng điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Ý kiến của ông ra sao?

– Tôi nghĩ rằng chỉ những vấn đề thật sự lớn, liên quan đến đất nước, tác động đến toàn thể nhân dân mới nên đem ra trưng cầu ý dân phạm vi cả nước để mọi người dân quyết định theo số đông.

Chẳng hạn như về dự thảo Hiến pháp, vấn đề chủ quyền biển Đông… Còn lại, những vấn đề có phạm vi hẹp, tác động đến một vùng hay một địa phương nào đó thì để tôn trọng ý kiến nhân dân địa phương, sẽ tiến hành lấy ý kiến người dân ở đó để cơ quan có thẩm quyền tham khảo, có căn cứ để đưa ra quyết định cuối cùng.

* Có người cho rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước nên trưng cầu ý dân xong phải được Quốc hội đồng ý mới có hiệu lực thi hành.

– Cho đến nay vẫn có những người chưa phân biệt rõ giữa khái niệm trưng cầu ý dân với lấy ý kiến nhân dân. Tôi lấy ví dụ, trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013 thì chúng ta đã có đợt lấy ý kiến nhân dân với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, gửi văn bản đến từng gia đình để xin ý kiến. Tuy nhiên, hàng chục triệu ý kiến đó chỉ có giá trị tham khảo, sau đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình về những điểm nào tiếp thu, điểm nào không tiếp thu.

Nhưng một khi đã đem ra trưng cầu ý dân thì để nhân dân quyết định và quyết định đó có giá trị bắt buộc phải thi hành. Trưng cầu ý dân là quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước chứ không chỉ là mối quan hệ giữa nhân dân với Quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng có những vấn đề lớn lao, quyết định đến toàn thể xã hội, đến vận mệnh của đất nước cần thiết phải đưa ra để nhân dân quyết định thì Quốc hội phải tuân thủ ý dân.

LÊ KIÊN thực hiện

Đại biểu BÙI THỊ AN (Hà Nội):

Sẽ lấy ý kiến nhân dân cho dự luật

Cũng có người bày tỏ với tôi lo lắng về việc làm sao để Luật trưng cầu ý dân đi vào cuộc sống, không trở thành luật “treo”. Cá nhân tôi rất tin tưởng Luật trưng cầu ý dân sẽ đi vào cuộc sống và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Việc dự luật quy định 1/3 số đại biểu yêu cầu thì Quốc hội mới quyết định trưng cầu ý dân chỉ là quy định cứng thôi. Còn bây giờ phương thức làm việc mới của Quốc hội rất nhanh và nhạy. Quan sát những kỳ họp gần đây có những ý kiến của một, hai đại biểu nêu lên thì cũng trong phiên đó chủ tịch đoàn đã kết luận đề nghị làm phiếu và lấy ý kiến đại biểu luôn. Cho nên việc quy định 1/3 đại biểu yêu cầu thì sẽ tiến hành trưng cầu ý dân theo tôi là ổn. Tinh thần của Quốc hội đã thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp do dân và vì dân, đảm bảo thuận lợi cho dân.

Dự luật này chỉ mới vừa được đưa ra và sẽ còn qua nhiều lần thảo luận, lấy ý kiến, đặc biệt là ý kiến các tầng lớp nhân dân. Và tôi tin tưởng Quốc hội sẽ quyết được một dự luật gần gũi, đáp ứng được mong mỏi và lợi ích của tất cả các tầng lớp nhân dân.

 VIỄN SỰ ghi

VIỄN SỰ